Có nên dùng siêu giày để tập luyện?
Các nhà khoa học xem xét các kiểu giày chạy tốc độ mới nhất và thay đổi cá nhân cùng những ưu nhược điểm khi tập luyện bằng giày chạy giải.
Dữ liệu mới nhất
Năm 2021 đánh dấu sự xuất hiện các gai ở đế giày để chạy sân vận động – bây giờ thì các đôi siêu giày chạy đường bằng cũng có – kết hợp với lớp đệm siêu nhẹ và đàn hồi. Người ta cho rằng các mẫu giày chạy tốc độ mới này nhanh hơn mẫu cũ nhưng cho đến nay chưa ai định lượng được hiệu quả.
Một nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học St. Edward do chuyên gia đứng đầu thuê 11 chân chạy việt dã đến thử 7 loại giày: ba loại siêu giày chạy đường bằng, một loại giày chạy giải truyền thống, 2 loại giày có siêu gai ở đế và một loại giày có vấu chạy ở sân vận động. Với mỗi loại, nhóm thử nghiệm hiệu năng chạy bộ (biện pháp đo lượng oxy tiêu thụ để duy trì tốc độ ổn định) ở 2 mức: 6 phút/dặm cho nam và 6 phút 53 giây cho nữ.
Kết quả chính cho thấy siêu gai tăng hiệu năng chạy lên khoảng 2% so với gai thường. Trung bình, thành tích tốt nhất chạy bằng giày có gai của mỗi người chạy cũng tương đương chạy giày đường bằng: lớp đệm thêm vào giày chạy đường bằng có vẻ làm tăng trọng lượng. Những đôi giày chạy đường bằng có lớp đệm nặng và khung cao hơn 25mm bị cấm tại các giải quốc tế những vẫn được chấp nhận tại các giải thấp hơn, theo nhóm của Joubert.
2% khác biệt kia sẽ có tác dụng gì? Chuyên gia sinh lý học Geoff Burns thuộc ủy ban Olympic và Paralympic Hoa Kỳ cho biết các tính toán phức tạp hơn khi chạy trong sân vận động nhưng ước tính rằng cứ tăng mỗi phần trăm hiệu năng chạy bộ thì tốc độ sẽ tăng khoảng hai phần ba. Chẳng hạn nếu một người đi giày có đế gai cũ chạy được vận tốc 4 phút/dặm thì giày mới sẽ là 3 phút 56 giây 8. Tuy nhiên vẫn có độ biến động giữa các cá nhân, vào khoảng 0,5%. Trong 11 người chạy tham gia thử nghiệm, 4 đạt thành tích tốt hơn với giày đường bằng, 3 với giày có đế gai.
Chọn đôi giày tốt nhất
Khi chân chạy Malindi Elmore của đội tuyển Canada tham dự Olympic chọn nhãn hiệu tài trợ vào năm 2020, cô đến trường đại học địa phương để thử hiệu năng cho các nhãn hiệu giày. Dữ liệu giúp cô chọn Saucony, nhưng phương án đó không thiết thực với hầu hết mọi người. Nhóm của Joubert quyết định thử nghiệm cách tiếp cận riêng bằng cách sử dụng thiết bị Stryd đã được thương mại hóa.
Khái niệm về năng lượng chạy bộ phức tạp nhưng nhờ có Stryd đưa ra ước tính theo thời gian thực rằng một chân chạy đã đốt bao nhiêu năng lượng – tương tự với thử nghiệm hiệu năng chạy bộ trong phòng thí nghiệm. Trên lý thuyết, nếu chạy cùng một tốc độ với 2 đôi giày, một đôi cần 200w còn đôi kia cần 195w thì đôi nào tiêu tốn ít năng lượng hơn đã rõ.
Nhóm của Joubert thử nghiệm 10 chân chạy dùng ba đôi siêu giày và một đôi giày truyền thống, sử dụng thiết bị đo lường trao đổi chất để xem mức tiêu thụ oxy trong khi vẫn dùng Stryd đo năng lượng. Dữ liệu cho thấy trung bình năng lượng khá khác biệt giữa đôi giày tốt và giày tệ – nhưng theo hướng ngược với mong đợi của nhóm. Nhưng đôi giày có hiệu năng cao nhất đo được trong phòng thí nghiệm tạo ra chỉ số năng lượng cao nhất và ngược lại.
Để hiểu điều này cần tính tới khác biệt giữa năng lượng chuyển hóa (mức độ đốt năng lượng trong cơ thể) và năng lượng cơ học (mức độ hoạt động ở thế giới bên ngoài). Thiết bị đo lường năng lượng giả định mối liên hệ giữa năng lượng chuyển hóa và năng lượng cơ học: dốc sức bao nhiêu thì chạy nhanh bấy nhiêu. Nhưng đổi giày cũng đổi luôn mối liên hệ này. Mọi thứ về các đôi siêu giày là với một mức năng lượng chuyển hóa nhất định có thể tạo ra nhiều năng lượng cơ học hơn.
Chuyên gia Burns có quan điểm tương tự: cũng như cho thêm mô tơ vào xe máy, đang đi với công suất 200w thì đổi sang mô tơ có thêm 5w lực đẩy. Tức là năng lượng đo được là 205w. Không bỏ sức nhiều hơn nhưng chỉ số năng lượng cao hơn cũng là điều tốt. Siêu giày không có mô tơ nhưng lớp bọt và tấm carbon hỗ trợ giữ lại rồi giải phóng nhiều năng lượng hơn sau mỗi sải chân, tăng thêm mức năng lượng do Stryd đo được.
Điều này nghe có vẻ hấp dẫn: đi một đôi giày vào, chạy với một tốc độ như cũ nhưng chỉ số năng lượng lại cao hơn – có nghĩa là người chạy được hỗ trợ. Thật không may, điều đó chỉ xảy ra với dữ liệu trung bình nhóm, còn dữ liệu cá nhân đa dạng hơn nhiều, mối liên hệ giữa năng lượng chạy và hiệu năng chạy kém hơn. Khó để biết chính xác nguyên nhân vì các thuật toán về năng lượng chạy bộ rất phức tạp và mang tính riêng tư. Nhóm của Joubert nhìn thấy xu hướng tương tự khi dùng Garmin tính toán.
Có thể các nghiên cứu khác sẽ tính được cách đáng tin cậy hơn khi so sánh các đôi giày nhưng hiện tại thì nếu coi trọng sự khác biệt đáng kể và nhất quán trong năng lượng chạy, đôi giày có năng lượng cao hơn sẽ phù hợp hơn.
Chọn giày để luyện tập
Chắc chắn rằng các đôi siêu giày nhanh hơn khi chạy giải nhưng còn tranh cãi về hiệu quả khi tập luyện. Có thể siêu giày giúp bạn giảm tổn thương cơ, hồi phục nhanh hơn và chạy được quãng đường dài hơn với tốc độ tốt hơn như dữ liệu của Nike công bố, hoặc có thể như nhiều người vẫn cho rằng siêu giày khiến người chạy gặp rủi ro chấn thương cao hơn, làm cơ yếu đi.
Theo các chuyên gia Justin Matties và Michael Rowley thuộc đại học California, họ nhờ tám người chạy bỏ ra 8 tuần thực hiện các bài tập biến tốc và giữ nhịp với đôi giày chạy giải kiểu truyền thống Nike Victory Waffle 5 hoặc siêu giày Nike Vaporfly Next% 2. Trước và sau quá trình thử nghiệm, người chạy thực hiện rất nhiều bài kiểm tra cơ sinh học và sinh lý, kể cả đo hiệu năng chạy bộ.
Kết quả, dù chỉ là thử nghiệm, nhưng khá triển vọng. Nhóm đi siêu giày cải thiện hiệu năng trung bình 1% còn nhóm đi giày truyền thống cải thiện tới 5,6%. Khác biệt rất lớn, nhất là trong điều kiện người chạy đều có kinh nghiệm. Có thể khi nhóm thử nghiệm đông hơn thì kết quả sẽ khác nhưng chỉ cần nhóm đi giày truyền thống cải thiện 2-3% thì đã là phát hiện quan trọng.
Nhưng tình hình không đơn giản như thế. Nhóm đi giày truyền thống gặp hiện tượng đau cơ nhiều hơn và bàn chân khó chịu hơn. Đây chỉ là dữ liệu sơ cấp nên cần thêm số mẫu lớn hơn để khẳng định nhưng tranh cãi về có nên dùng siêu giày tập luyện vẫn tiếp diễn thì trong tương lai chắc chắn sẽ có thêm nghiên cứu về vấn đề này.
(VnRun dịch từ Outsideonline)