Hành trình trở lại đường chạy của Molly Seidel
Năm 2021, Molly Seidel đã làm cả thế giới chạy bộ kinh ngạc với chiếc HCĐ Olympic Tokyo, nhưng suốt từ đó đến nay, cuộc đời của hiện tượng chạy marathon nước Mỹ bước vào một ngã rẽ u ám khác khiến cô phải vô cùng chật vật mới hồi phục cả về tâm trí và thể trạng.
oOo
Một buổi tối trời trong tháng 12 năm 2019, Molly Seidel trong tà áo đầm đen dự một bữa tiệc ở Boston, thoải mái vui đùa với bạn bè ở độ tuổi 25, thậm chí còn tò mò xem nên làm gì với cuộc sống trong thời gian tới.
“Chị nên tham gia tuyển chọn Olympic. Cũng vui đấy nếu đó là lần đầu em chạy marathon”, em gái cô (tên Izzy) khuyên.
Molly, vốn là chân chạy cự ly 10km xuất sắc nhưng chấn thương phần lớn năm 2019, nhìn ra ánh đèn thành phố và cười lớn. Tại sao lại không nhỉ? Cô đủ điều kiện tham gia vì đã chiến thắng giải San Antonio Half Marathon với thời gian 1:10:27. (“Cú sốc thế kỷ”, như cô nói.) Đúng, 21,1 km không phải là 42,195 km nhưng chạy marathon cũng là điều đáng làm. Chỉ vì cô chưa bao giờ chạy trước đây.
Từng bốn lần vô địch NCAA trong màu áo Đại học Notre Dame ở Indiana, Molly chuyển đến Boston vào năm 2017, làm ba công việc để hỗ trợ cho việc thứ tư: chạy cho Câu lạc bộ Freedom Track (FTC) của Saucony. Số tiền 34.000 đô la/năm mà Saucony trả cho cô (trước thuế, không có bảo hiểm y tế) chỉ như muối bỏ bể khi sống ở một trong những thành phố đắt đỏ nhất nước Mỹ. Cô làm người trông trẻ, giao hàng trên Instacart và làm cả nhân viên pha chế để theo đuổi sở thích duy nhất muốn làm kể từ khi còn là một học sinh lớp năm ở một thị trấn nhỏ thuộc Wisconsin với thành tích chạy 1,6km trong 6 phút.
Sau khi phải phẫu thuật hông vào đúng ngày sinh nhật – tháng 7 năm 2018 – các bác sĩ cho biết cô chỉ có 50% cơ hội chạy bộ chuyên nghiệp trở lại. Mùa hè năm 2019, cô chia tay FTC dù rất đau đớn.
Nhưng ngày 29/2/2020, cô vượt qua 448 chân chạy marathon nữ nhanh nhất, giàu kinh nghiệm nhất trong nước để đứng thứ hai với thành tích 2:27:31, kiếm được 60.000 đô la tiền thưởng – nhiều hơn suốt 2 năm trước đó – cùng một suất tham dự Thế vận hội Tokyo 2020, chung hàng ngũ với với các siêu sao sinh ra ở Kenya như Aliphine Tuliamuk và Sally Kipyego. “Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra lúc này!” Molly liên tục nói vào máy quay TV, quấn một lá cờ Mỹ, choáng váng như một người vừa trúng xổ số.
Puma tìm tới. Cùng với điều Molly không lường trước được: sự chú ý. Số người theo dõi cô trên mạng xã hội tăng chóng mặt. Và hai tuần sau, đại dịch toàn cầu xảy ra cùng lệnh phong tỏa – đi kèm là nỗi bất an cùng đơn độc. Cô chìm ngập trong tâm trạng đó và thậm chí còn chưa được tới Tokyo.
Trước giải, Molly nói: “Tôi đã nghĩ: ‘Khi vượt qua vạch xuất phát, tôi sẽ tự gọi mình là vận động viên Olympic và đó là chiến thắng’.”
Nhưng sau đó cô đã vượt qua vạch đích – cùng ngón tay cong hình một nụ hôn giơ lên trời và tiếng Yesss nghẹn ngào! – ở vị trí thứ ba với thành tích 2:27:46, chỉ kém người về đầu tiên 26 giây (Peres Jepchirchir của Kenya). Và nhận ra rằng: Cô mãi mãi có thể tự gọi mình là vận động viên giành huy chương Olympic. Người phụ nữ Mỹ thứ ba từng giành được một danh hiệu marathon.
oOo
Molly lớn lên ở Nashoteah, Wisconsin và là chị cả trong gia đình có ba con. Cô không phải lúc nào cũng là người tự chủ được, ngay cả khi mọi người nghĩ như vậy. Là người giỏi khoanh vùng cảm xúc, cô luôn che giấu một góc khuất không nhỏ của đời mình: chán ăn, ăn uống vô độ, lo lắng, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), trầm cảm.
Từ khoảng năm 11 tuổi, cô học cách ngụy trang các khuynh hướng OCD, như cưỡng bức mình gõ vào gỗ, thầm đọc kinh “để Chúa không nổi giận với tôi”. Cha mẹ cô biết nhưng coi những hành vi đó là thói quen kỳ quặc. “Họ không có lý do gì để nghi ngờ. Tôi đã ngụy trang rất hiệu quả”, cô nói. “Họ không nhận ra rằng OCD đang chiếm lấy cuộc sống của tôi theo đúng nghĩa đen”.
Cô không được chẩn đoán chính thức về chứng OCD cho đến năm thứ nhất đại học, khi gặp bác sĩ trị liệu lần đầu tiên. Tại Thế vận hội Tokyo, cô đã nôn mửa trong phòng vệ sinh ở sân bay, chỉ vài ngày trước khi bước lên bục vinh quang. Molly không muốn chia sẻ chi tiết đó vì sợ rằng một cô gái khác có thể đọc được điều này và hiểu nó là hành vi đáng để học theo: “Tôi từng là một vận động viên trẻ, nên tôi biết mình sẽ học theo”. Nhưng cô cũng hiểu: Hầu hết mọi người đều không biết chứng rối loạn ăn uống dai dẳng xảy ra như thế nào.
Tháng 2 năm 2022, cuối cùng cô cũng nhận được chẩn đoán về nguyên nhân cốt lõi của tất cả những điều đó: ADHD (chứng rối loạn tăng động giảm chú ý – ND). Cô thừa nhận: “Điều đó khiến tôi cảm thấy thực sự dễ chịu, giống như [tôi không mắc phải] hàng triệu chứng rối loạn khác nhau. Tôi mắc chứng rối loạn biểu hiện ở rất nhiều triệu chứng khác nhau”.
Cô đợi đến sau giải Boston Marathon vào tháng 4 mới thử Adderall (một loại thuốc kê đơn cho chứng ADHD), nhưng rồi bỏ cuộc ở km thứ 30 do đau hông. Ban đầu, thuốc khiến cô cảm thấy tuyệt vời. Tập trung. Tự do. Cho đến khi cô nhận ra Adderall làm tổn thương nhiều hơn là có hiệu quả. Cô không thể ngủ, không ăn, sụt cân quá nhiều. Trong vòng vài tuần, cô suy sụp hẳn. “Chứng rối loạn ăn uống trở lại,” cô nói, ám chỉ chứng bệnh là một thực thể, một thứ tồn tại bên ngoài cô. Điều đó thẳng thừng kiểm soát nhu cầu kiểm soát của chính cô: “Tôi gần như coi nó là một bản ngã thay thế. Adderall chỉ là bong bóng xà phòng mà thôi”. Cô bỏ uống thuốc và cuộc sống của cô – cả nghề nghiệp cũng như thể chất – trở lại.
Tháng 7 năm 2022, khi kiểm tra tâm lý để chuẩn bị tham dự Giải vô địch thế giới, cô trả lời các câu hỏi một cách trung thực đến nghiệt ngã. Và USATF chính thức thông báo: D’Amato sẽ thay vị trí của cô trong đội. Sau đó, Molly làm điều mà cô đã “trì hoãn” bao lâu nay – đăng ký điều trị chứng rối loạn ăn uống lần thứ hai kể từ năm 2016 theo một chương trình ngoại trú ở Salt Lake City – nơi bạn trai mới của cô đang sống.
oOo
Gần một năm sau, vào một buổi tối tháng Tư lạnh giá ở Flagstaff, Molly đang chạy quanh Whole Foods, nhặt bắp cải, chộp lấy một món hummus, tìm kiếm các giao dịch mặc dù cô không cần phải làm vậy nữa.
Chấn thương không phải điều gì mới với Molly. Có thời điểm hơn 1 tháng cô không chạy km nào dù khi tập luyện thường là 130km/tuần. Với những phụ nữ mắc chứng loãng xương như cô, có thể gặp những vấn đề đe dọa không chỉ sự nghiệp chạy bộ mà cả tính mạng.
Molly từng bị nứt cột sống do tai nạn trượt tuyết năm lớp 8, gãy xương đòn trong một cuộc đua trượt tuyết ở trường trung học, sụn đầu gối bị rách ở trường đại học do bị xe tông khi đang đi xe đạp. Năm 2021, hai chiếc xương sườn bị gãy và không thể lành lại kịp thời cho giải New York City Marathon. Không có vấn đề gì. Cô đã vượt qua đau đớn để về đích sau 2:24:42, vượt thành tích năm 2008 của Deena Kastor hơn một phút và lập kỷ lục đường đua (chỉ tính người Mỹ).
Chấn thương mới nhất của Molly? Rách cơ mông. “Theo nghĩa đen, đấy là một cơn đau khủng khiếp ở mông” , cô đăng trên Instagram vào tháng 3. Rút lui khỏi giải Nagoya Marathon chỉ vài giờ trước chuyến bay lúc 6 giờ 45 sáng tới Nhật Bản không nằm trong kế hoạch của cô. Kế hoạch, theo HLV Green, rất đơn giản và luôn luôn như vậy. “Chỉ để vui vẻ và nhất quán”. Và tham gia một hoặc hai giải marathon trước kỳ tuyển chọn đội tuyển Olympic vào tháng 2 năm 2024.
Rốt cuộc cô cũng sẵn sàng về mọi mặt: sẵn sàng chạy, sẵn sàng trở lại. Cô cần Nagoya. Và sau đó, không có gì. Molly nói: “Tôi có cảm giác như đang quay trở lại đáy giếng. Một năm rưỡi vừa qua thật khó khăn. Chỉ là có rất nhiều nghi ngờ. Tôi đã chuẩn bị cho thời tệ hại sau Tokyo. Nhưng thời kỳ kéo dài hơn và tệ hơn nhiều dự liệu”.
Lời nguyền của việc giành vé tới Thế vận hội, chưa nói đến việc giành huy chương: những kỳ vọng. Của riêng Molly là rất cao. “Tôi đã nghĩ, sau Thế vận hội, nếu tôi giành được huy chương thì tôi sẽ ổn, mọi thứ sẽ ổn”. Thay vào đó, theo một cách nào đó, tấm huy chương khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Đó là vấn đề đeo đẳng Molly trong phần lớn sự nghiệp chạy bộ: Thành công và khó khăn đan xen với nhau, như sấm đi kèm chớp.
Bệnh tâm lý rất nguy hiểm, Molly nói. “Những người bị trầm cảm lâm sàng sống một cuộc sống thành công bình thường. Tôi có thể đang có khoảnh khắc hạnh phúc nhất và ba ngày sau tôi hoàn toàn rơi vào vòng xoáy suy sụp”. Đó là điều mà bạn không bao giờ khắc phục được, nhưng bạn phải học cách quản lý.
Tuy nhiên, tâm trí vẫn hướng về chạy nhanh như bản năng của cô và chiếm rất nhiều không gian. Tuy nhiên, khi cô chạy, mọi ồn ã biến mất. Lúc đó cô không phải là Molly ở Olympic hay Molly rối loạn ăn uống, cô thậm chí còn không thực sự là runner Molly. “Khi chạy, tôi là phiên bản chân thực nhất của chính mình”.
Chia sẻ cũng có ích. Molly lần đầu tiên chia sẻ lịch sử sức khỏe tâm thần của mình cách đây vài năm, “trước khi nổi tiếng”. Tuy nhiên, sau Thế vận hội, cô vẫn tiếp tục chia sẻ. Thế vận hội Tokyo là một bước ngoặt. Đột nhiên, những vận động viên nổi tiếng nhất trên thế giới cởi mở hơn về sức khỏe tâm thần của họ. Molly ghi nhận sự dũng cảm Simone Biles dành cho chính mình. Nếu Biles, Michael Phelps và Naomi Osaka thành công… thì có lẽ một chân chạy marathon ngốc nghếch, khó có khả năng giành được huy chương cũng có thể.
Molly cho rằng “Chạy marathon là một trải nghiệm cực kỳ thú vị!” Nếu bạn không thấy vui thì chạy có ý nghĩa gì nữa? Tuy nhiên, cô thừa nhận, không phải lúc nào cô cũng thấy vui vẻ.
Cô từng tận hưởng mạng xã hội khi người kết nối chỉ là bạn bè. Trước khi cô đạt được 50.000 người theo dõi chỉ trong một ngày sau khi dùng thử và khoảng 70.000 người theo dõi trên Strava. Trước đại dịch, trước Thế vận hội. Theo kịp nội dung mạng xã hội đã trở thành một công việc độc hại. Cô nói: “Bạn sẽ có cảm giác như mình đang cho con thú này ăn và nó sẽ không bao giờ dừng lại”. Cô xóa ứng dụng khỏi điện thoại, chỉ tải lại để hoàn thành các hợp đồng và đăng bài cho nhà tài trợ, sau đó xóa lại.
Tuy nhiên, với những ai luôn sát cánh thì cô toàn tâm toàn ý. Bực mình vì không thể trang bị Puma từ đầu đến chân ở Tokyo, Molly đã cởi đôi giày Puma Deviate Elites để buộc qua vai, che khuất logo Nike trên chiếc áo ba lỗ Olympic nhằm cho cả thế giới nhìn thấy. Hoặc không nhìn thấy.
Tổng giám đốc Puma Erin Longin cho biết tình yêu đến từ hai phía. Sau nhiều thập kỷ ủng hộ những huyền thoại như Usain Bolt, Puma đang tái khởi động lại dự án chạy đường trường và muốn Molly làm chuột bạch. “Cô ấy là một vận động viên và một đối thủ nghiêm túc, nhưng cô ấy cũng rất vui khi xỏ giày. Chạy bộ nên vui vẻ. Molly là hiện thân của điều đó”. Trong cuộc gặp đầu tiên vào tháng 1 năm 2020, Molly đã khiến họ cười và say mê đôi giày mới của họ.
Đến tháng Hai, Longin theo dõi kỳ tuyển chọn đội tuyển mà không mong đợi nhiều. Và sau đó Molly giành huy chương ở Tokyo. Longin thừa nhận: “Những gì cô ấy đã làm cho chúng tôi trong năm đầu tiên đó nằm ngoài kế hoạch!”
Rồi đến năm thứ hai, năm thứ ba, và trong suốt thời gian đó là chấn thương, điều trị chứng rối loạn ăn uống, các giải chạy và các cơ hội bị bỏ lỡ nhưng Puma vẫn không nao núng. “Thật dễ dàng để một công ty lựa chọn khi mọi thứ tốt đẹp” Molly đăng vào tháng 4, đau lòng trong lúc ngồi trên chiếc ghế dài thay vì chạy ở Heartbreak Hill. “Nhưng đó là khi điều tồi tệ xảy ra và họ vẫn ở cạnh bạn….” Cô nhận được 35.000 biểu tượng trái tim – và một cuộc gọi từ Longin: “Bạn khiến tôi cảm thấy rất tự hào”.
Liệu có vấn đề gì với Puma nếu Molly không bao giờ chạy lại nữa? “Không,” Longin nói.
Tháng 6/2023, một nhóm bác sĩ ở Đức đã thay đổi cơ chế sinh học của cô. Cô đã chạy khoảng 180km một tuần, cảm thấy khỏe mạnh và đầy hy vọng. Vui mừng. Một tháng sau, tình trạng thiếu máu trầm trọng (và kèm theo truyền sắt) làm gián đoạn lịch trình tham gia các giải mùa hè của cô. Molly hủy bỏ vài giải 10km đã lên kế hoạch và tự giải trí bằng cách tham gia giải Speedgoat UTMB: chạy 28km chạy qua Hẻm núi Little Cottonwood ở bang Utah – về thứ hai với thông số 3:49:58. Trọng tâm của Molly là Chicago Marathon ngày 8 tháng 10 – giải lớn đầu tiên của cô sau gần hai năm.
Và ở Chicago, Molly Seidel đã có màn trình diễn tuyệt vời, về đích với thành tích tốt nhất sự nghiệp 2:23:07 – hơn hẳn thành tích 2:24:42 ở New York City Marathon 2021. Vị trí thứ 8 chung cuộc, thứ 2 trong số các chân chạy nữ của Mỹ, thông số vượt chuẩn Olympic sẽ là động lực giúp cô tự tin bước vào kỳ tuyển chọn đội tuyển diễn ra tháng 2 sang năm.
Những câu hỏi như: Sẽ thế nào nếu cô vượt qua giải tuyển chọn cho Olympic và đến được Paris 2024? Liệu cô có thể thực hiện được ước mơ thời thơ ấu là mang HCV về nhà?… không còn quan trọng. Điều quan trọng là cô không còn quá lấn cấn với việc mình có là Molly chạy bộ hay không. Cô đã rũ bỏ được những sức ép từ thành công và hào quang để đối diện với chính mình: Molly Seidel không phải thần thánh mà cũng chỉ là con người phàm tục mà thôi. Cô có thể là người không hoàn hảo nhưng lại diễn đạt một cách hoàn hảo bản ngã của một con người phải vật vã để trưởng thành, bỏ lại sau lưng ảo vọng để sống với những điều thiếu sót nhưng thực tế của chính mình. Rằng mỗi con người đều có những khoảng thời gian như thế, chỉ cần không từ bỏ, không gục ngã là chúng ta sẽ lại vượt qua, lại vươn lên để tỏa sáng.
(VnRun dịch từ RW)