Kelvin Kiptum – vì sao băng trong làng chạy bộ
Làng chạy bộ thế giới đón nhận một tin rúng động khi đương kim kỷ lục gia marathon thế giới Kelvin Kiptum qua đời ở tuổi 24 vì tai nạn giao thông đầu tháng 2 năm nay. Cái chết đột ngột của chân chạy đang lên này khiến hy vọng đạt sub2 trong một giải chạy chính thức của giới chạy bộ lụi tắt nhưng những gì anh để lại thật đáng nhớ. Hành trình marathon của Kiptum tuy ngắn ngủi nhưng rực rỡ, như vì sao băng vắt ngang bầu trời, dù đã tắt nhưng hào quang còn lại rất lâu trong đáy mắt, trong tâm khảm những người nhìn thấy.
Kiptum xuất hiện trong làng marathon như một cơn bão lớn. Anh chưa bao giờ chạy một giải marathon trước tháng 12/2022 – thời điểm anh tới Valencia – và vụt sáng từ một chân chạy vô danh thành một trong những ngôi sao sáng nhất với thông số 2:01:53 – thành tích ra mắt tốt nhất lịch sử. Bốn tháng sau, Kiptum phá kỷ lục của Eliud Kipchoge tại giải London Marathon với một trong những màn trình diễn tuyệt vời nhất: anh đạt thành tích 2:01:25 với thời gian chạy nửa sau chặng đường chỉ 59:45.
Khi tới Chicago vào tháng 10 năm ngoái, anh giảm bớt kỳ vọng của giới hâm mộ khi nói rằng quá trình tập luyện bị ảnh hưởng do chấn thương và trùng với mùa mưa ở Kenya, và rồi anh rút ngắn kỷ lục thế giới của Kipchoge (2:01:09) tới 24 giây, đạt thành tích 2:00:35, và chỉ chạy nửa sau chặng đường trong thời gian 59:47.
Cả ba giải marathon –Valencia 2022, London 2023, Chicago 2023 – cũng là 3 giải vẻn vẹn mà Kiptum từng dự và qua đó tạo nên 12 tháng tuyệt diệu nhất lịch sử chạy marathon thế giới. Ba giải chạy, ba lần chiến thắng, ba trong số bảy thông số chạy marathon tốt nhất lịch sử, trong đó có một kỷ lục thế giới.
Kiptum luôn sử dụng chiến thuật khá kiên nhẫn khi vào giải, luôn bám sát người dẫn tốc cho đến khi bước vào nửa sau cự ly thì mới bung sức để chạy với tốc độ chưa từng có ở các giải marathon tầm cỡ thế giới. Với màn ra mắt tại Valencia, Kiptum chạy hai nửa chặng đường với thành tích lần lượt là 61:38 và 60:15, trong đó từ km thứ 30 đến km thứ 40 anh chỉ mất 28 phút 05 giây. 60:15 cũng là thành tích chạy nửa sau nhanh nhất lịch sử marathon cho đến thời điểm đó. Ai cũng dự đoán anh sẽ là ngôi sao sáng của làng chạy marathon nhưng không ai dự đoán được đà thăng tiến của chàng trai này lại nhanh đến vậy.
Thành tích chói sáng ở Valencia Marathon hóa ra chỉ là màn khai cuộc khi Kiptum đạt thành 2:01:25 ở giải London Marathon 2023 với thành tích chạy 2 nửa chặng đường là 61:40 – 59:45, trong đó từ km thứ 30 đến km thứ 40 anh chỉ mất 27 phút 49 giây – tốc độ tương đương thành tích chạy full marathon sub-1:57. Một lần nữa anh lại phá kỷ lục chạy nửa sau nhanh nhất – càng đáng nhớ hơn khi anh chạy trong điều kiện thời tiết mưa lạnh. Trong điều kiện thời tiết đó, hầu hết các chân chạy dự giải đều chạy nửa sau chậm hơn nửa đầu, trừ from Kiptum: nửa sau của anh nhanh hơn nửa tước tới gần 2 phút.
Kỷ lục thế giới của anh (2:00:35) tại Chicago một lần nữa cho thấy khả năng chạy nửa sau khủng khiếp của anh, chỉ 59:47 và 27 phút 52 giây cho 10 km từ km thứ 30 tới km thứ 40k. Qua đó càng khẳng định việc chạy nửa sau nhanh hơn là thói quen của anh. Nên nhớ rằng chưa ai chạy nửa sau của cự ly marathon nhanh hơn thành tích 60:30 của Kipchoge ở giải Berlin năm 2018 trừ Kiptum, và anh làm được điều đó tới 3 lần liên tục. Sau giải Chicago, Kiptum cho biết trong cả 3 giải marathon mình tham dự, anh không hề thấy đau đớn tí nào.
Dù có vẻ lạ lùng khi cho rằng một chân chạy phá kỷ lục thế giới tới 34 giây vẫn chưa đạt tới tiềm năng cao nhất nhưng mất nhiều người tin vào điều đó. Đà thăng tiến lên đỉnh cao marathon của Kiptum như vì sao băng tỏa sáng trên bầu trời: xác lập kỷ lục giải ở Valencia và London rồi lập luôn kỷ lục thế giới ở Chicago trong lúc làng chạy bộ còn loay hoay tìm hiểu về anh. Thật ra anh chưa thật sự được chú ý đúng mức thì thành tích đã đưa anh lọt vào tâm điểm thế giới. Kiptum mãi là điều bí ẩn và câu chuyện anh chạy bộ thế nào trước khi tham gia marathon không bao giờ rõ ràng nữa.
Kiptum lớn lên ở ngôi làng nghèo Chepsamo rất gần Chepkorio nơi anh tập luyện ở thung lũng trứ danh Rift. Là con của một nông dân chăn gia súc, nhiều người kể lại anh có mong muốn trở thành thợ điện trước khi toàn tâm toàn ý cho chạy bộ. Thay vì đi theo con đường chạy trong sân vận động rồi phát triển dần, Kiptum chạy trên đường phố ngay từ đầu sự nghiệp. “Đến chỗ tập chạy ở sân vận động tại Eldoret thuộc hạt Uasin Gishu tốn rất nhiều công sức nên tôi quyết định gia nhập một nhóm tập luyện gần nhà. Con đường tôi đến với marathon bắt đầu như thế”, Kiptum từng kể với báo chí về nguyên nhân anh bỏ qua nấc thang thường thấy với mọi chân chạy.
Dù vậy, kết quả thi đấu quốc tế đầu tiên của anh là 59:54, xếp thứ 5 giải Lisbon Half Marathon 2019. Năm 2020, anh đạt PR 58:42 ở giải Valencia Half Marathon chỉ 4 ngày sau sinh nhật lần thứ 21, nhưng kết quả đó chỉ giúp anh đứng thứ 6 chung cuộc. Năm 2021, anh chạy giải chuyên nghiệp đầu tiên và duy nhất của mình trong sân vận động với cự ly 10.000m ở Stockholm (thành tích 28:27) và 2 giải bán marathon với thành tích khá tốt (59:35 ở Lens, 59:02 ở Valencia). Không thông số nào cho thấy bước ngoặt sẽ đến với anh vào năm 2022.
Mức độ khắc nghiệt của marathon đã hình thành nên phương thức thành công phổ quát trong nhiều thập kỷ ở cấp độ toàn cầu: xây dựng nền tảng qua từng cấp độ cự ly trong sân vận động trước khi tham gia chạy các giải ngoài đường phố để hiệu chỉnh các sai lầm. Cho dù đi theo còn đường này cũng chưa chắc thành công. Chân chạy từng 10 lần vô địch thế giới các cự ly trong sân vận động Mo Farah chỉ một lần nếm vị ngọt chiến thắng trong suốt sự nghiệp chạy marathon và thậm chí không có tên trong 100 người xuất sắc nhất lịch sử cự ly 42,195 km. Ngay cả Eliud Kipchoge vĩ đại cũng cần tới 11 lần chạy marathon mới phá được kỷ lục thế giới.
Thế nên Kiptum là độc nhất vô nhị. Trong vẻn vẹn 10 tháng (cuối 2022 đến mùa đông năm 2023) anh làm được tất cả: màn ra mắt nhanh nhất, thậm chí thành tích tốt hơn thế ở London, rối phá kỷ lục thế giới tới 34 giây ở Chicago. Ba lần anh đứng ở vạch xuất phát marathon là ba chiến thắng tuyệt đối, tất cả đều dưới mốc 2 giờ 2 phút. Trong lịch sử chạy bộ đường dài, chưa ai làm được điều đó.
Cũng như một mốc 4 phút khi chạy 1 dặm trước khi bị Roger Bannister chinh phục vào tháng 5 năm 1954, mốc 2 giờ khi chạy marathon từ lâu nay vẫn được coi là giới hạn không thể vươn tới với con người. Kiptum có tiềm năng và cảm hứng lớn để trở thành người đầu tiên chính thức đạt được điều đó khi giải (lẽ ra) sắp tới của anh là ở Rotterdam vào tháng Tư năm nay, cho thấy anh là một ngoại lệ đặc biệt của thể thao.
Chỉ cần thêm 36 giây để đi vào lịch sử, điều đó có vẻ cực kỳ khả thi và sẽ mang lại cho Kiptum tầm vóc và sự công nhận dành cho rất ít vận động viên vĩ đại. Bi kịch ở chỗ là tai nạn vào một tối tháng Hai năm nay đã khiến anh mãi mãi là một bí ẩn. Nói năng nhẹ nhàng, nhút nhát và khiêm tốn trước ống kính, việc Kiptum ít nói và quỹ đạo thăng tiến phi thường chỉ càng làm tăng thêm mức độ thần bí của anh.
Thành công của Kiptum không tự nhiên mà đến. Cường độ tập luyện của anh cực kỳ khủng khiếp, khoảng 300km/tuần mà không có ngày nghỉ. “Những gì cậu ấy làm chỉ là chạy, ăn, ngủ”, HLV Hakizimana nói về cậu học trò ngôi sao một cách đơn giản như vậy. Kỳ vọng – nghe có vẻ kỳ cục đối với một người đã nhanh hơn mọi chân chạy marathon khác trong lịch sử – là đây sẽ là năm đột phá của anh
Không có buổi tối định mệnh đó thì trong vài tháng tới, Kiptum sẽ thử thách cột mốc 2h ở Rotterdam và đấu với Kipchoge ở Olympic Paris. Cuộc so tài giữa một huyền thoại marathon và một ngôi sao đang lên sẽ là sự kiện được kỳ vọng bậc nhất lịch sử chạy bộ: tượng đà sẽ đối đầu với sức mạnh không thể ngăn cản. Một cuộc đổi ngôi có thể sẽ xảy ra nhưng chúng ta không bao giờ được thấy điều đó. Kiptum sẽ đạt được mục tiêu 2:00:00 ở Rotterdam? Anh sẽ có huy chương màu gì ở Olympic đầu tiên tại Paris vào mùa hè này? Điều gì sẽ xảy ra khi anh lần đầu tiên đối đầu Kipchoge vĩ đại? Sẽ không ai trả lời được những câu hỏi đó nữa.
Cái chết của Kiptum gợi nhớ lại cái chết năm 2011 của Samuel Wanjiru – nhà vô địch marathon Olympic 2008. Có rất nhiều nét tương đồng khi cả hai đều chết trong lúc đang ở đỉnh cao, đều 24 tuổi, và giải cuối cùng đều ở Chicago Marathon (cả hai đều vô địch). Dù cách chạy khác nhau nhưng cả hai đều góp phần làm thay đổi marathon. (Wanjiru vô địch 5/7 giải marathon từng tham dự, nổi tiếng với phong cách mạnh mẽ, luôn vượt lên từ đầu cuộc đua, đã phá kỷ lục vô địch Olympic với thành tích 2:06:32 và ngoài ai chưa ai lên ngôi ở thế vận hội với thời gian ít hơn 2 giờ 8 phút).
“Những hẹn hò từ nay khép lại”. Bao nhiêu kỳ vọng và tương lai đều tắt lụi sau tai nạn thảm khốc đêm 11/2. Kelvin Kiptum không còn những vẫn sẽ được người hâm mộ nhớ tới với 12 tháng kỳ diệu cùng những thông số bất hủ. Hành trình marathon của anh là một vì sao băng vắt ngang trời, dù chỉ lóe lên nhanh chóng nhưng dải sáng rực rỡ thì còn mãi.
(VnRun tổng hợp)