Nhìn lại chạy bộ Việt Nam năm 2024
Năm 2024 đã qua với đủ cung bậc cảm xúc, có vui có buồn, nhưng tựu chung vẫn đánh dấu một bước tiến mới của chạy bộ Việt Nam. Cùng VnRun nhìn lại những điểm nổi bật của chạy bộ Việt Nam trong năm qua.
Năm của những kỷ lục
2024 có thể coi là năm chạy bộ Việt Nam nở rộ kỷ lục ở sân chơi chuyên nghiệp. Ngay trong ngày đầu năm Dương lịch, 2 kỷ lục quốc gia nội dung bán marathon đã bị Hoàng Nguyên Thanh và Nguyễn Thị Oanh phá tại giải Vietnam International Half Marathon (VIHM). Dù gặp những đối thủ sừng sỏ như Lương Đức Phước, Nguyễn Văn Lai, Phạm Tiến Sản, Sanchai Namkhet (Thái Lan), Chepkwony Kipkemei Victor (Kenya) nhưng Hoàng Nguyên Thanh vẫn chứng tỏ khả năng để lên ngôi vô địch với thời gian 1:06:40, phá luôn kỷ lục giải và kỷ lục quốc gia do Đỗ Quốc Luật (1.07:39) thiết lập năm 2023. Nguyễn Thị Oanh và Lê Thị Tuyết có màn so kè quyết liệt suốt chặng đường, chỉ đến những mét cuối cùng thì Oanh mới vượt lên nhờ ưu thế tốc độ, bảo vệ thành công chức vô địch với thành tích 01.15:10, phá kỷ lục quốc gia (01.15:24).
Thanh và Oanh cũng là những cái tên gắn với các kỷ lục chạy dài trong năm 2024. Kỷ lục marathon nam 2:21:51 do chân chạy Nguyễn Chí Đông xác lập tại SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam năm 2003 đã đứng vững hơn 20 năm mới bị Hoàng Nguyên Thanh phá sâu tại giải vô địch châu Á (trong khuôn khổ giải Hong Kong Marathon 2024). Thành tích 2:18:43 cũng giúp Thanh đứng thứ 4 châu lục và thứ 10 chung cuộc của giải. Hoàng Thị Ngọc Hoa cũng về đích với thời gian 2:44:52, xếp thứ 11 chung cuộc, phá kỷ lục marathon quốc gia nữ (2:45:09) do Hoàng Thị Thanh lập năm 2016.
Kỷ lục nam của Hoàng Nguyên Thanh vẫn được giữ vững khi hết năm 2024 nhưng kỷ lục nữ của Hoàng Thị Ngọc Hoa chỉ tồn tại được 9 tháng. Tại giải Techcombank International Marathon Hanoi 2024, Nguyễn Thị Oanh phá kỷ lục quốc gia tại với thành tích 2:44:20 dù điều kiện thời tiết không thuận lợi (trời mưa to). Nhưng chưa dừng lại ở đó, cô gái người Bắc Giang tiếp tục phá sâu kỷ lục ở giải Viettel Marathon Hà Nội với thành tích 2:39:50 hơn kỷ lục cũ của chính Oanh tới 4,5 phút và là chân chạy nữ Việt Nam đầu tiên đạt sub-2:40.
Phong trào có bước phát triển mạnh mẽ
2024 cũng là năm phong trào chạy bộ Việt Nam ghi nhận bước tiến mạnh mẽ. Các giải nở rộ, không chỉ bó hẹp ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Hạ Long, mà dần vươn đến những địa phương vốn không có nhiều lợi thế như Quảng Trị, Phú Yên, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Một số địa phương như Quảng Bình, Bình Dương, Bình Định đã tổ chức được giải thường niên và ngày càng có uy tín.
Không chỉ vậy, các địa phương nhỏ ở cấp quận huyện hoặc cấp xã, thậm chí các CLB chạy bộ, các doanh nghiệp đều đứng ra tổ chức giải với sự chuyên nghiệp không kém nhiều các giải lớn và chất lượng ngày một đi lên. Có thể kể tới những giải như Tết Run (Hà Nội), Củ Chi Trail, Nam Định Half Marathon, DAR Half Marathon…
Các giải có truyền thống như Long Biên Marathon, chuỗi VnExpress Marathon, Discovery Race, Heritage Race đang dần định vị thương hiệu trong cộng đồng. Chuỗi giải Viettel Marathon vươn ra tầm quốc tế với hệ thống ở 3 nước Đông Dương, thu hút những chân chạy xuất sắc của các nước trong khu vực tham dự và sẽ trở thành điểm đến của nhiều chân chạy trong năm 2025. Vietnam Mountain Marathon là điểm son với việc trở thành giải chạy trail đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á có tên trên bản đồ World Trail Majors.
Dấu ấn “mang chuông đi đánh xứ người”
Không còn lẻ tẻ nữa mà 2024 là năm các chân chạy chuyên nghiệp và cả phong trào của Việt Nam rất chịu khó mang chuông đi đánh xứ người. Không tính Hoàng Nguyên Thanh và Hoàng Thị Ngọc Hoa đại diện quốc gia dự giải Hong Kong Marathon 2024 thì dấu giày của runner Việt có mặt ở gần như mọi châu lục, tham dự nhiều giải đấu lớn, kể cả các giải trong hệ thống World Marathon Majors danh giá và tạo được dấu ấn không nhỏ.
Hà Thị Hậu sau màn chào sân với vị trí thứ 4 ở UTMB CCC 2023 với vị trí thứ 4 cự ly 100km thì đã khẳng định vị trí hàng đầu trong làng trail thế giới khi bảo vệ được vị trí ở giải 2024 (cải thiện thành tích thời gian) và vô địch nhiều giải khác ở Đông Nam Á và châu Á. Trần Duy Quang tạo dấu ấn khi tiến sát mốc 2 giờ 30 phút tại Seoul Marathon (2:30:54), còn chân chạy xuất sắc Đan Quyết có PR mới 2:33:57 tại Chicago Marathon. Hứa Thuận Long sau khi trở thành runner phong trào có thành tích tốt nhất năm 2023 lại tiếp tục phá mốc sub 2:30 (2:29:55) ở Tokyo Marathon (theo strava), tạo tiền đề để anh tiến lên sân chơi chuyên nghiệp (khoác áo tuyển Bình Dương).
Tuyển thủ duathlon Phạm Tiến Sản cũng lập kỷ lục cá nhân rất sâu tại Berlin Marathon với thành tích 2:22:46 và là chân chạy đầu tiên của Việt Nam lọt top 100 nam ở một giải World Marathon Majors. Lão tướng Nguyễn Văn Lai sau khi phá mốc 2:25 tại giải Marathon Quốc tế Di sản Hà Nội đã tiếp tục phá sâu kỷ lục cá nhân xuống 2:20:54 tại giải Viettel Marathon Angkor Wat (tổ chức ở Campuchia) để trở thành chân chạy marathon có thành tích tốt thứ 2 lịch sử chạy bộ Việt Nam.
Nếu đặt trên bàn cân quốc tế, những thành tích trên chưa có gì đáng nói. Nhưng với một nước mà phong trào chạy marathon có lịch sử non trẻ như Việt Nam và so với chính chúng ta của vài năm trước, đó là bước tiến rất đáng ghi nhận, tạo niềm tin rằng chạy bộ Việt Nam có thể và sẽ ghi những dấu ấn của mình trên những giải chạy hàng đầu thế giới.
Thành tích chạy bộ phong trào tăng vọt
Năm 2024, thành tích của chạy bộ phong trào Việt Nam tịnh tiến theo đà phát triển của các giải chạy. Tính đến hết tháng 12/2024, số lượng sub 3 đã đạt con số 370 chân chạy (thống kê chưa chính thức), sub 4 là hơn 6100 – vượt rất xa mục tiêu 1000 sub4 mà cộng đồng chạy bộ hướng tới từ 3-4 năm trước. Kỷ lục sub của 1 giải chạy cũng được xác lập với 93 runner đạt mốc ở giải VnExpress Marathon Hải Phòng.
Trong số này, Huỳnh Anh Khôi là cái tên đáng chú ý nhất. Khôi được chú ý khi về nhì giải Đà Nẵng International Marathon với thành tích 02:37:14, rồi vươn lên mạnh mẽ, liên tục chiến thắng các chân chạy Kenya tại các giải VnExpress Hạ Long và Đất Sen Hồng Marathon, trước khi đạt PR 2:32:45 tại giải Standard Chartered Marathon Hà Nội – Heritage Race. Sub 2:40 vốn chỉ vài ba chân chạy đạt được thì nay thành mốc mới của giới phong trào với nhiều chân chạy đạt được. Cao Ngọc Hà, Đào Bá Thành, Đào Duy Thạch, Phạm Đức Thọ, Hà Văn Dược, Lê Quang Hội, Nguyễn Văn Sáng, Nguyễn Đức Quang… trở thành những cái tên mới gia nhập nhóm, bên cạnh những cái tên đã khẳng định được thành tích ở mốc này như Trương Văn Tâm, Đan Quyết, Trịnh Đình An, Đỗ Huy Hoàng.
Sub3 với nữ vốn rất hiếm hoi, khi ngoại trừ các chân chạy chuyên nghiệp (ăn cơm tuyển) thì chỉ có Chi Nguyễn, Hà Thị Hậu và Lê Minh Tuân đạt được từ 2023, và năm 2024 có thể 3 chân chạy mới gia nhập hàng ngũ này là Nông Thị Chang (2:58:16), Lê Thị Phượng (2:59:16), Nguyễn Thị Trà Giang (2:59:47) đều ở giải VnExpress Marathon Hải Phòng. Ngoài ra còn hàng chục chân chạy nữ khác đạt sub 3:10, vốn không dễ đạt được ngay cả với những chân chạy nam. Qua đó chứng tỏ runner phong trào Việt Nam đã đạt được bước tiến về chất trong năm 2024. Doãn Thị Oanh cũng là cái tên đáng chú ý, sau khi giành chức vô địch giải chạy đêm TPHCM hồi đầu năm thì chân chạy người Vĩnh Phúc này giành hàng loạt chức vô địch cự ly half marathon khác trong năm 2024, nổi bật là thành tích 1:21:01 tại giải VnExpress Marathon Hải Phòng.
Những khoảng lặng
Năm 2024, chạy bộ Việt Nam cũng chứng kiến nhiều khoảng lặng. Đúng ngày cuối cùng của tháng 6, làng chạy bộ mất đi một tên tuổi lớn sau sự ra đi của huyền thoại Bùi Lương. Hơn 60 năm gắn bó với chạy bộ, “Bố Lương” (tên gọi thân thương mà cộng đồng chạy bộ vẫn gọi ông) ghi dấu ấn với chiến tích 9 lần vô địch giải việt dã báo Tiền Phong (hiện có tên chính thức là giải Vô địch Quốc gia marathon và cự ly dài), đào tạo ra nhiều chân chạy xuất sắc cho điền kinh Việt Nam như Đặng Thị Tèo, Đoàn Nữ Trúc Vân, Nguyễn Chí Đông, Nguyễn Thị Hòa, Hoàng Nguyên Thanh… Nhưng hơn hết, ông đã truyền cảm hứng cho cộng đồng chạy bộ, là một trong những người đặt nền móng cho phong trào chạy bộ Việt Nam phát triển như hiện nay. Ông được coi là tượng đài đầu tiên và lớn nhất của chạy bộ Việt Nam.
2024 cũng là năm chạy bộ Việt Nam ghi nhận những tin không vui. Ngày 14/4, một chân chạy đột ngột ngừng tim khi gần về đích giải Tây Hồ Half Marathon và sau đó đã không qua khỏi. Ngày 28/7, hai chân chạy tham gia giải Quảng Bình International Marathon phải nhập viện do suy thận cấp. Tiếp đó ngày 13/10, sáu runner tham gia giải VP Bank International Marathon được đưa đi cấp cứu trong tình trạng sốc nhiệt dẫn tới rối loạn ý thức, hạ huyết áp, suy giảm chức năng thận. Trước đó một ngày, 3 người tham gia một giải chạy đêm được tổ chức ở TP.HCM tối 12/10 cũng nhập viện vì bị ngất do gắng sức.
Ngoài ra, do số lượng các giải chạy bùng nổ, nhất là ở 2 thành phố lớn (Hà Nội và Thành phố HCM) dẫn tới không ít giải bị cộng đồng phản đối. Sau mỗi giải, chỉ cần dạo một vòng quanh các diễn đàn mạng xã hội sẽ thấy vô vàn những lời chỉ trích, bức xúc từ người dân. Cũng có thể thông cảm vì quả thật, nhiều khi mật độ các giải tổ chức quá dày, trong vòng 1 tháng có thể có tới 3-4 giải đều tổ chức ở khu vực trung tâm khiến người dân bị ảnh hưởng vì tiếng ồn, vì cấm đường phục vụ giải.
Những trường hợp cấp cứu, thậm chí tử vong ở trên là lời nhắc nhở đến cộng đồng chạy bộ rằng không thể chạy một cách bất chấp sức khỏe mà cần một cách tiếp cận phù hợp hơn. Chạy bộ để có sức khỏe là một hành trình chứ không phải cuộc đua nước rút, cần lắng nghe cơ thể nhiều hơn để những trường hợp đáng tiếc đó không tái diễn nữa. Đó cũng là lời nhắc nhở các đơn vị tổ chức giải cần chú ý hơn đến khâu cấp cứu khi tổ chức giải, đào tạo kỹ lưỡng cho đội ngũ sơ cứu ban đầu.
Và không thể phủ nhận việc công tác tổ chức các giải chưa đạt kỳ vọng, ảnh hưởng tới đời sống người dân, mong rằng các đơn vị tổ chức giải sẽ rút kinh nghiệm để các giải thật sự là những ngày hội của runner chứ không phải là dịp để nghe phê phán/sỉ vả. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, theo thời gian, các giải sẽ dần hoàn thiện và những gì là cát sẽ trôi đi, thứ còn lại là vàng mười lấp lánh.
(VnRun tổng hợp)