“Doping giày” và tiến trình thay đổi marathon
Hơn 5 năm trước, tại một công viên ở thủ đô Vienna (Áo), Eliud Kipchoge đã chạy một cữ marathon quan trọng nhất. Đồng hồ ở vạch đích điểm mốc 1:59:40 và Kipchoge trở thành huyền thoại. Dù trước đó anh đã vô địch 10 giải marathon liên tục trong khoảng thời gian 2014 – 2019 cùng tấm HCV Olympic Rio de Janeiro 2016.
Tuy nhiên sub:2 vẫn là điều khác biệt, được coi là chiếc chén thánh của thể thao, tầm quan trọng cũng như khi Roger Bannister chạy cự ly 1 dặm trong 4 phút vào năm 1954.
Thiết kế cung đường (xuất phát và vạch đích, độ cao đạt được) đều hoàn toàn hợp lệ nhưng thời gian của Kipchoge không được Liên đoàn Điền kinh Quốc tế công nhận và kỷ lục thế giới vì việc tiếp nước là bằng xe đạp và có tới 42 người dẫn tốc luân phiên nhau hỗ trợ, cùng một chiếc xe ô tô chiếu tia laser hỗ trợ tốc độ.
Tuy thế Kipchoge vẫn là một siêu anh hùng đi siêu giày. Anh đã suýt đạt mốc này 2 năm trước đó với thời gian 2:00:25 tại giải Nike Breaking2 tổ chức ở Monza vào năm 2017 (và cũng không được công nhận kỷ lục).
Anh đi đôi Alphafly khi chạy ở Vienna và đây là công nghệ mới nhất của hãng được phát triển từ mẫu Vaporfly đã đi ở Monza — có lớp đế giữa lớn cùng tấm carbon. Đó cũng là câu chuyện marathon đã thay đổi thế nào, do những người đứng sau cuộc cách mạng công nghệ viết lên.
Các con số thống kê cho thấy marathon đã nhanh hơn rất nhiều. 14 màn trình diễn nhanh nhất của nam và 5 của nữ đều đạt được từ năm 2016. 3 kỷ lục thế giới của nam giảm 144 giây – mức rất đáng ghi nhận – trong khoảng thời gian 2003 – 2014, nhưng từ 2016 thì 8 lần bị phá với thời gian giảm đi 118 giây (tính tới thành tích 2:00:35 của Kelvin Kiptum tại Chicago 2003).
Kỷ lục thế giới ở giải hỗn hợp do Paula Radcliffe lập năm 2003 và ở giải chỉ có nữ tham dự năm 2005 tồn tại hơn một thập kỷ, nhưng đều bị phá 2 lần kể từ 2016, lần lượt giảm 212 và 86 giây: Tigst Assefa đạt 2:11:53 ở Berlin 2023 còn Peres Jepchirchir vô địch London 2024 với thông số 2:16:16.
Đo lường tác động của siêu giày ở các giải sẽ dễ dàng hơn nhưng lợi ích trong tập luyện (giảm thời gian loading, cho phép chạy được xa hơn, nhanh hơn) thậm chí còn quan trọng hơn.
Lửa nóng luyện vàng. Marathon do cá nhân thực hiện nhưng thành công lớn nhất đạt được khi chạy cùng nhau, dù là người dẫn tốc chính thức hay kéo nhau. Một người chạy nhanh hơn sẽ kéo theo những người khác.
Tần suất những màn trình diễn marathon trong mỗi năm dương lịch hiện nay cho thấy những gì xảy ra trong cả thập kỷ.
Có tới hơn 100 lần một chân chạy nữ đạt sub-2:24 và nam đạt sub-2:07 trong năm 2022 – 2023, nhưng ngưỡng đó có lẽ sẽ bị vượt qua trong năm nay. Tổng cộng trong khoảng thời gian 2001 – 2010, chỉ có 105 thành tích marathon nữ đạt sub-2:24 và 138 nam đạt sub-2:07.
Thời gian vô địch một giải Major (Tokyo, Boston, London, Berlin, Chicago, New York) năm 2023 nhanh hơn mức trung bình giai đoạn 2013-2016 4,5 phút với nữ và 3,5 phút với nam.
Thế vận hội mùa hè thể hiện rất rõ lợi ích của siêu giày. Paris được đánh giá là có cung đường khó nhất: 3 con dốc cao cùng thời tiết tháng 8 nóng ẩm. Hệ quả là Kipchoge DNF lần đầu tiên, Kenenisa Bekele về đích thứ 39 với thành tích tệ thứ 2 trong sự nghiệp. Cả hai có lẽ đang ở giai đoạn hoàng hôn sự nghiệp nhưng lần đầu tiên kỷ lục marathon Olympic cả nam và nữ đều bị phá.
Thật ra giày có tác dụng gì? Câu trả lời sẽ dài và phức tạp.
“Khi chạy sẽ có 4 khớp xương được sử dụng nhiều nhất”, chuyên gia về chuyển hóa Maxwell Muttai cho biết. “Đó là hông, gối, mắt cá và xương bàn chân. Điều này đại diện cho đầu các ngón chân.” Khớp xương đó thường được gọi là MTPJ (khớp ngón chân). “Nghiên cứu cho thấy năng lượng dồn vào MTPJ không hồi chuyển. Tấm carbon tăng độ thẳng và giữ cho MTPJ không bị uốn cong – vì thế khiến đôi giày trở nên rất cứng, không có điểm nào bị uốn cong nên không mất năng lượng.”
Nghiên cứu ban đầu do Đại học Calgary thực hiện ở giữa những năm 2000, phân tích hiệu suất của nhảy và rút đích với tấm carbon thẳng. Nhóm sử dụng giày kiểu này vào năm 2006, cho các chân chạy thuộc nhóm tiệm cận elite chạy trên máy và thu được kết quả là mức giảm năng lượng ít hơn 1,3%.
“Rồi không ai làm gì tiếp trong 15 năm. Thật thú vị”, theo Benno Nigg – người sáng lập phòng thí nghiệm hiệu suất thể thao ở con người thuộc đại học Calgary, và đã thực hiện luận án tiến sĩ về đề tài giày chạy với tấm carbon. “Chúng tôi cho rằng tấm carbon càng thẳng càng tốt nhưng kết quả lại khác. Vì thế những nhân sự từ chỗ chúng tôi sang làm việc cho Nike áp dụng điều đó vào dòng Vaporfly. Họ thực hiện nhiều thứ với giày, một trong đó là tấm carbon – không thẳng mà lại uốn cong. Nhưng giờ thì cong hay thẳng có quan trọng không?”
Câu trả lời là: có.
“Nếu bạn sử dụng một tấm phẳng thì thật ra bắp chân sẽ khó đẩy lên. Đó là lúc đường cong cần tới,” theo Wouter Hoogkamer – chuyên gia chính của nghiên cứu của đại học Colorado xuất bản năm 2016 và là căn bản của dòng Nike ‘4%’ Vaporfly. “Nike cho chúng tôi những đôi giày mới kiểu này (còn trong thí nghiệm) và muốn chứng thực xem có tốt thật không. Chúng tôi bắt đầu từ đó, thực hiện một trong những nghiên cứu sâu nhất về giày chạy. Chúng tôi tìm 18 chân chạy xuất sắc đi vừa những đôi giày đó.
Chúng tôi thử nghiệm ở tốc độ không hẳn nhưng gần với mục tiêu sub2 marathon. Khoảng tốc độ là khá rộng, từ mốc sub-3:00 đến sub-2:20”.
Các chân chạy lặp lại thử nghiệm 5 phút chạy với 2 loại giày: loại nhanh nhất lúc đó với ít bọt và không có tấm carbon, cùng mẫu thí nghiệm Vaporfly.
“Mọi chân chạy tốn ít năng lượng hơn khi sử dụng giày Vaporfly. Trung bình khoảng 4%. Nike rất hào hứng và đặt tên cho mẫu giày luôn khi biết kết quả.”
Cần chú ý rằng siêu giày không làm người ta chạy nhanh hơn, mà chỉ hồi chuyển năng lượng tốt hơn, đồng nghĩa với giúp người chạy giảm nhu cầu chuyển hóa khi chạy ở cùng tốc độ. Về bản chất, những người có tố chất là đã có khả năng chạy nhanh sẵn.
So sánh hai loại giày tương tự và với các loại giày khác cho cùng một chân chạy, đại học Colorado thực hiện tiếp một nghiên cứu về dòng Vaporfly vào năm 2018, tập trung vào cơ chế chuyển hóa. Mẫu Vaporfly không thay đổi cách các chân chạy sử dụng hông và gối, dù có giảm chuyển động mắt cá. Thế là đủ để giải thích cho thông số giảm 4%.
“Không cần thắc mắc việc giày tác động đến thành tích. Câu hỏi là tác động đến mức nào và chất liệu tác động đến đâu,” Nigg phân tích. Ông cho rằng mình là người “đơn độc” tin rằng thiết kế giày cùng tấm carbon cong tạo ra hiệu ứng “bập bênh” đẩy người chạy lao đi. Tuy nhiên Hoogkamer không đồng tình vì không có bằng chứng rõ ràng. Câu trả lời là việc tấm carbon được đặt ở đế giữa. Hiệu ứng là không chỉ vượt trội giày chạy truyền thống, tạo ra đôi chân dài hơn, đồng thời chính chất liệu tốt hơn tương tác với tấm carbon. “Lớp bọt thường để giúp giày nảy hơn và đáp chân êm hơn. Thông thường, bọt sẽ theo kiểu cát ướt hoặc bông mềm. Mềm thì mềm thật nhưng người chạy không nhận được gì ngoài mất đi năng lượng.”
Muttai giải thích rõ hơn lợi ích của giày chạy hiện đại “rất êm và nảy, khi người chạy đạt chân thì giày sẽ nương theo chuyển động và giảm đi áp lực lên khớp xương, nên cũng bền bỉ hơn”. Nương theo và bền bỉ là các từ khóa. Nương theo có nghĩa là lớp đế sẽ biến dạng lúc chạm nền, còn bền bỉ là dự trữ và hồi chuyển năng lượng. “Nói chung giày vẫn làm mất năng lượng chứ không sinh ra năng lượng. Bạn mất ít năng lượng hơn khi đi siêu giày vì lớp bọt tốt hơn,” Hoogkamer cho biết. “Thay vì mỗi lần tiếp đất, bạn mất nhiều năng lượng và phải sinh năng lượng mới thì giờ bạn có thể dự trữ lại một ít và được trả lại.”
Theo nghiên cứu năm 2018 của đại học Colorado, nhóm đặt mẫu Vaporfly vào thiết bị truyền động cơ học tương tự máy ép thủy lực để tính toán lượng năng lượng mất đi/thu được. Hai mẫu giày bình thường được trả lại 75,9% và 65% năng lượng trong khi Nike Vaporfly là 87%.
Lớp bọt và tấm carbon có lợi thế riêng nhưng cộng lại thì lợi ích hơn hẳn. Hoogkamer chỉ rõ: “Cả hai kết hợp. Khi bạn đáp gót xuống lớp bọt không có tấm carbon thì lớp bọt sẽ biến dạng, còn có thì sẽ trải ra.” Nhờ thế các chân chạy giữ được nhịp, độ cân bằng và sải ổn định.
Hầu hết người chạy dài trông khá giống nhau: gầy gò, chân dài và bắp sắt lại. Tuy rằng khu biệt về hình thể và cấu phần cơ thể khiến có người thu được lợi ích hơn hẳn với siêu giày, tới 6%, có người lại thu được ít hơn mức 4%.
Soh Rui Yong – kỷ lục gia marathon của Singapore – cho biết thực tế đó xảy ra với bạn anh: Molly Huddle. “Cô ấy không thích hợp với siêu giày. Vì từ chỗ là chân chạy nữ tốt nhất của Hoa Kỳ, lập kỷ lục quốc gia 10000m ở Olympic Rio 2016 (30:13), rồi sub-2:28 ở giải New York City Marathon với giày thường. Nhưng rồi siêu giày xuất hiện và cô ấy không thích ứng được.”
“Sẽ không thể công bằng hoàn toàn được. Không sản phẩm nào tác động hệt nhau đến mọi người. Hệ chuyển hóa mỗi người mỗi khác. Thật không may, đó là một phần của thể thao. Nếu muốn công bằng hoàn toàn thì mọi người chỉ nên chạy chân trần.”
Soh Rui Yong cho rằng nơi sinh, gen, tài chính và thần tượng đều tác động lớn đến thành tích và có thể coi là không công bằng. VĐV điền kinh những năm 1960 được lợi nhờ đường chạy nhân tạo xuất hiện. Thể thao và công nghệ tiến bộ ở thời điểm không ngờ tới nhất chứ không theo đường thẳng tuyến tính. Bản thân anh nhận tài trợ của Asics từ 2016 đến 2020. “Asics ra mắt siêu giày năm 2021, nên tôi chưa từng đi mẫu đó. Kỷ lục quốc gia của tôi là với giày thường của họ.”
Các nhãn hàng đã bắt kịp Nike nên làn sóng thứ hai của các kỷ lục và những thông số thời gian nhanh hơn đang mở ra.
Điều này cũng rất cần thiết vì tính độc quyền của các hợp đồng chạy chuyên nghiệp, ngăn cản các chân chạy dùng giày của các nhãn đối thủ, mặc dù các mẫu thử nghiệm phải mất nhiều năm mới hoàn thiện. Giày phải có mặt trên thị trường trong vòng một tháng trước khi được Liên đoàn Điền kinh Quốc tế cho phép.
Cân bằng cuộc chơi sẽ làm giảm bớt mối lo ngại chung. Giống như Công thức 1, sự mất cân bằng về nguồn lực và cơ hội có thể tạo ra một phiên bản giải marathon dành cho các nhãn hàng – người chiến thắng có thể không phải là người chạy tốt nhất mà là người có đôi giày tốt nhất.
Liên đoàn Điền kinh Quốc tế đã điều chỉnh với chạy trong SVĐ, hạn chế chiều cao khung giày (tính từ bàn chân đến nền chạy) từ 40mm xuống 20mm, nhưng với marathon thì vẫn được phép giữ mức 40mm cùng một tấm carbon.
Giới phê phán cho rằng Liên đoàn đặt ra quy định dựa theo mẫu Nike Vaporfly đầu tiên: khung giày 39mm và một tấm carbon.
Dự đoán xem các chân chạy marathon sẽ thế nào trong năm năm tới là vô ích. Chỉ có vài điều chắc chắn: Kipchoge sẽ đứng ngoài cuộc chơi thành tích, giới nghiên cứu có nhiều câu trả lời hơn, và thời gian sẽ nhanh hơn.
Có trời mới biết giày chạy của họ sẽ trông thế nào?
(VnRun tổng hợp)