Mo Farah – Vinh quang và cuộc giằng xé bản ngã

Mo Farah – Vinh quang và cuộc giằng xé bản ngã

Ngày 10/9/2023 đi vào lịch sử khi làng điền kinh thế giới chia tay một trong những tượng đài vĩ đại nhất: Sir Mo Farah. 4 HCV Olympic, 6 chức vô địch thế giới, 1 danh hiệu World Majors Marathon là di sản không thể phủ nhận của chân chạy người Anh này. Nhưng vinh quang đi kèm với cay đắng, sự nghiệp của Mo Farah không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái mà gắn liền với không ít thăng trầm, tuy nhiên cho đến giờ phút từ giã đường chạy thì anh “không có gì phải hối tiếc”.

oOo

Go Mo Go” (Mo Farah tiến lên) là khẩu hiệu in trên những tấm biển màu hồng rực rỡ tung bay đầy phấn khích trên tầng không các tuyến đường từ Newcastle đến South Shields. Khẩu hiệu này cổ vũ mỗi chân chạy trong số 50.000 người tham gia Great North Run bất chấp đợt nắng nóng khủng khiếp đang bao trùm nước Anh.

Nhưng trên hết, nghi thức hoan nghênh đặc biệt được dành cho Sir Mo Farah khi vận động viên từng bốn lần đoạt HCV Olympic sải bước qua vạch đích và giơ cao cánh tay phải chào đám đông, đánh dấu giây phút anh chính thức kết thúc sự nghiệp lừng lẫy của mình với vị trí thứ tư. 

Người Anh không mong đợi anh – ở tuổi 40 – sẽ chiến thắng lần thứ thứ bảy tại cuộc thi bán marathon nổi tiếng này và thực tế là thế. Nhà vô địch marathon thế giới năm ngoái Tamirat Tola của Ethiopia chỉ mất 59 phút 58 giây để chiến thắng, còn Farah bị nhóm dẫn đầu bỏ xa từ km thứ 10.

Điều đó cho thấy ngay cả người vĩ đại nhất cuối cùng cũng đi tới cuối con đường vinh quang. Đó là lý do khiến chân chạy người London gốc Somalia chắc chắn rằng đến lúc anh từ giã: “Với Mo của ngày trước, không ai có thể tạo được khoảng cách như thế. Tôi không phải là một cái máy. Cơ thể không thể cứ mãi làm được điều mình muốn. Sự nghiệp của tôi thật tuyệt vời nhưng điều thực sự quan trọng là đến một thời điểm bạn sẽ biết khi nào nên kết thúc”.

oOo

Mo Farah có tên là Hussein Abdi Kahin, sinh ngày 23 tháng 3 năm 1983 tại Gabiley, Somalia. Khi anh lên bốn, cha anh qua đời trong cuộc chiến tranh giành độc lập Somaliland, và không lâu sau đó, anh bị tách khỏi mẹ. Năm 9 tuổi, anh bị buôn bán bất hợp pháp sang Anh từ Djibouti dưới tên của một đứa trẻ khác – Mohamed Farah – và bị cưỡng ép trở thành người giúp việc gia đình. Trong thời gian này, anh bị tách khỏi người em song sinh tên Hassan. Dù không được phép đến trường trong những năm đầu tiên ở Anh nhưng sau rốt anh vẫn theo học tại Cao đẳng Cộng đồng Feltham. Thông qua giáo viên thể dục, anh tìm được một gia đình nhận nuôi.

Mo Farah bắt đầu sự nghiệp thể thao với Câu lạc bộ điền kinh Hounslow ở London, thi đấu giải xuyên quốc gia ở lứa tuổi U13 tại Thế vận hội Trẻ London 1994. Ba năm sau, anh giành chức vô địch đầu tiên trong số 5 chức vô địch điền kinh các trường học ở Anh. Nhận ra tài năng của anh, nhà từ thiện Eddie Kulukundis (cũng là một ông trùm vận tải biển) đã trả các khoản phí pháp lý giúp Mo Farah nhập tịch Anh để anh có thể thi đấu quốc tế. Anh giành được danh hiệu lớn đầu tiên ở nội dung 5.000m tại Giải vô địch điền kinh trẻ châu Âu năm 2001. Cùng năm đó, anh bắt đầu tập luyện tại Đại học St Mary, Twickenham.

Chưa có vận động viên người Anh nào so được với anh về danh hiệu. Con số 17 danh hiệu lớn trên đường đua và các kỷ lục quốc gia từ 1500m cho đến marathon đủ làm tất cả choáng ngợp. Tuy nhiên, trong sâu thẳm của Mo Farah vẫn là nỗi khắc khoải về định danh bản ngã. Đến mức anh từng thốt lên trong một phim tài liệu do đài BBC thực hiện năm 2022 mang tên “The Real Mo Farah” (Mo Farah thực thụ) rằng “Hầu hết mọi người biết đến tôi với cái tên Mo Farah, nhưng đó không phải tên hay bản ngã của tôi”.

oOo

Trước năm 2022, nếu bạn hỏi bất kỳ người Anh nào Mo Farah là ai, họ sẽ liệt kê những chi tiết họ biết về một trong những vận động viên xuất chúng nhất: Anh đã tự đặt tên cho mình khi còn là một đứa trẻ đến Anh trong vị trí một người tị nạn Somalia, đã luyện tập chăm chỉ trong môn điền kinh và cuối cùng đã giành được HCV ở các nội dung chạy 5.000m và 10.000m tại các Thế vận hội London 2012, Rio de Janeiro 2016. Anh thậm chí còn được Nữ hoàng Elizabeth phong tước hiệp sĩ nên được gọi là Sir Mo Farah.

Ngoại trừ một bí mật anh đã giữ trong nhiều năm.

Năm 2022, lần đầu tiên anh tiết lộ rằng mình đã nói dối về con người thật của mình. Tất cả những câu chuyện anh kể trong các cuộc họp báo và phỏng vấn rằng anh đến Anh cùng gia đình với tư cách là người xin tị nạn đều là nói dối. Ngay cả tên của anh cũng là một lời nói dối. Mo Farah có tên cúng cơm là Hussein Abdi Kahin.

Câu chuyện của anh khá bi thảm khi mới 9 tuổi đã bị chia cắt khỏi mẹ do Nội chiến Somali và bị buôn bán bất hợp pháp. Anh lấy tên của một cậu bé đã gặp ở Somalia và biến Mo Farah thành của riêng mình.

Mặc dù được chuyển đến một môi trường gia đình an toàn hơn sau vài năm nhưng anh vẫn tiếp tục sống với cái tên “Mo Farah”. Năm 1995, khi mới 12 tuổi, anh lần đầu tiên nếm trải cảm giác chạy bộ ở Anh khi về đích thứ 10 giải Mini London Marathon, hoàn thành 4km trong 16 phút. Ở tuổi mười ba, anh đứng thứ 9 giải vô địch việt dã các trường học ở Anh và chỉ năm sau đó đã giành chức vô địch. Sau vài năm giành chức vô địch và giữ kỷ lục ở cự ly 3.000m và 5.000m, Mo Farah được chọn khoác áo nước Anh tham gia Giải vô địch điền kinh trẻ thế giới ở tuổi 14.

Con đường huy hoàng của anh bắt đầu.

Danh hiệu quan trọng đầu tiên của Farah trong là HCB 5.000m Giải vô địch điền kinh châu Âu 2006 khi anh xếp sau Jesus Espana.

Anh thành công tại Giải vô địch việt dã châu Âu từ năm 2006 đến năm 2009, giành được tổng cộng 6 huy chương ở các nội dung cá nhân và đồng đội, trong đó có hai HCV.

Năm 2010, Mo Farah đoạt cú đúp HCV 5.000m và 10.000m tại Giải vô địch châu Âu –  điều thường xảy ra trong thời kỳ đỉnh cao của anh.

Tại Giải vô địch điền kinh trong nhà châu Âu 2011, anh đã bảo vệ thành công danh hiệu 3.000m giành được năm 2009 và giữ vững phong độ đó tại Giải vô địch thế giới diễn ra tại Daegu (Hàn Quốc). Sau khi bị Ibrahim Jeilan của Ethiopia đánh bại ở nội dung 10.000m, anh giành được HCV 5.000m, trở thành người Anh đầu tiên giành huy chương trong cả hai nội dung ở cấp độ thế giới.

Đó là khởi đầu cho một chuỗi dài thống trị được xác định bằng cú đúp 5.000m và 10.000m của anh tại Thế vận hội tổ chức ở quê nhà London vào năm 2012. Thành tích đó đã được lặp lại tại Giải vô địch thế giới 2013 và 2015, cùng với Thế vận hội 2016 ở Rio de Janeiro (Brazil). Khoảng thời gian này, chiến thắng dường như là điều tất nhiên khi anh tham dự các giải điền kinh. Hình ảnh quen thuộc là sau khi xuất phát, Mo Farah sẽ tăng tốc, bỏ cách các đối thủ rồi về đích. Biệt danh “Mobot” được hình thành từ đây.

Mo Farah tuyên bố anh sẽ nghỉ thi đấu điền kinh và chuyển sang chạy marathon sau Giải vô địch thế giới 2017  – giải đấu anh giành HCV 10.000m và HCB 5.000m sau khi thất bại ở lượt chạy chung kết trước Muktar Edris của Ethiopia.

Khả năng chạy đường trường của Farah đã được thể hiện rõ ràng qua 6 chiến thắng liên tiếp tại Great North Run – giải bán marathon lớn nhất thế giới – từ năm 2014 đến năm 2019, còn trước đo anh cũng giành vị trí thứ 2 vào năm 2013. 

Với cự ly full marathon, Mo Farah cũng có thành tích không tệ dù bắt đầu khá muộn màng ở tuổi 34. Anh từng ba lần dự London Marathon với thành tích tốt nhất là về thứ ba năm 2018 và lập kỷ lục mới của Anh. 2018 cũng là năm anh có được thành tích đáng nhớ nhất khi chạy 42km với chiến thắng đầy cảm xúc ở giải Chicago Marathon (2 giờ 5 phút 11) và phá luôn kỷ lục nước Anh mới lập cùng năm.

Tuy nhiên, chân chạy 40 tuổi không thường xuyên dự các giải trong ba năm qua vì chấn thương, và thậm chí chịu thất bại gây sốc trước Ellis Cross – chân chạy nghiệp dư của một CLB phong trào – tại giải Vitality London 10K 2022. Khi đó, Farah cán đích thứ hai với thời gian 28 phút 44 giây, chậm hơn Cross 4 giây và cách thành tích cá nhân tốt nhất gần một phút.

oOo

Những cữ tập luyện không ngừng nghỉ và mệt mỏi ở các thung lũng của Kenya và những ngọn núi ở miền Nam nước Pháp đã trở thành trò may rủi với Mo Farah. Sức khỏe tốt – chấn thương – hồi phục – chạy – chấn thương… chu kỳ này cứ lặp đi lặp lại. Dù đỉnh cao lùi lại sau lưng, anh vẫn đủ sức cạnh tranh, thậm chí có khi còn chiếm ưu thế tại nhiều giải, và giá trị thương hiệu Mo Farah đủ để anh không bao giờ phải lo lắng về tiền bạc, thì thành công và niềm vui cứ xa anh dần, kể cả khi dự các giải như London Marathon và Great North Run.

Và rồi đến ngày vinh quang trên đường chạy không còn sức hấp dẫn quá lớn với Mo Farah nữa. Như trong bộ phim tài liệu Real Mo Farah, anh không chỉ gục ngã trước chấn thương, trước thời gian, mà trước cả sức nặng phải gánh khi sống dưới sự giả vờ giả tạo sau tất cả những thành công cùng cảm giác tội lỗi giằng xé vìi lấy mất cái tên của cậu bé Mo Farah thật sự.

Điều tiếp theo với Farah là gì? Anh nhấn mạnh mình sẽ không chạy nữa sau khi giải nghệ mà muốn tận hưởng thời gian bên gia đình. Anh sẽ không tham dự parkrun – tập hợp các sự kiện chạy 5km miễn phí dành cho người đi bộ, chạy bộ và tình nguyện viên diễn ra vào sáng thứ Bảy hàng tuần tại hơn 2.000 địa điểm ở 22 quốc gia. Với anh, thời gian xỏ giày ra công viên không vui thú bằng một bữa trà, món cà ri giàu năng lượng và đưa con đến trường học vào sáng thứ Hai đầu tuần.

Tôi sẽ rất xúc động vì chạy bộ là tất cả những gì tôi biết. Tôi đã có nhiều niềm vui, rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Tôi chắc chắn sẽ nhớ việc chạy, nhưng bạn sẽ không thấy tôi làm điều đó đâu. Tôi sẽ đến phòng tập, chơi bóng đá, đánh golf. Bây giờ tôi chỉ muốn nghỉ ngơi và tìm kiếm thứ gì đó có thể thúc đẩy mình“, anh chia sẻ.

Sẽ rất khó khăn. Bởi vì tôi là một trong những vận động viên thuộc tuýp phải luôn tiến về phía trước”, anh ấy đi đến chỗ có nhiều người đang chụp ảnh selfie – dấu hiệu đã thúc đẩy anh về đích và ghi dấu cho một thời đại trọn vẹn.

Farah, thừa nhận rằng dù rất vui khi kết thúc sự nghiệp thi đấu tại giải Great North Run, nhưng anh cũng nhớ lần xỏ giày đua cuối cùng tại Thế vận hội. Cho đến giờ, với sự nghiệp đã đạt được, khi giã từ đường chạy thì anh không còn gì để hối tiếc hay phải chứng minh điều gì nữa.

Chạy bộ là điều khiến tôi hạnh phúc trong nhiều năm qua. Chạy là tất cả đối với tôi. Chạy bộ đã cứu rỗi tôi và cho tôi những kỷ niệm tuyệt vời. Tôi không còn điều gì phải chứng minh nữa. Điều thực sự quan trọng là được ra đây và tri ân những người đã ủng hộ tôi”, anh nở nụ cười.

Tạm biệt Mo Farah. Không còn hào quang của đường chạy nữa nhưng có lẽ anh sẽ sống vui vẻ hơn, khi cũng trút bỏ được áp lực từ cái tên không phải của mình đó, để trở về với bản ngã của một cậu bé mang tên Hussein Abdi Kahin trước ngày bị đưa lên tàu rời xa lục địa đen nhiều năm về trước.

(VnRun tổng hợp)

vietnammarathon

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *