Những điểm nhấn chạy bộ thế giới năm 2024

Những điểm nhấn chạy bộ thế giới năm 2024

Năm 2024 khép lại với những sự kiện chạy bộ lớn như Olympic hoặc Sydney được công bố chính thức trở thành giải Major thứ 7 vào năm 2025… nhưng đây cũng là một năm có điểm nhấn: cả vui và buồn. Hãy cùng VnRun điểm lại những điểm nhấn đó.

Đứng đầu có lẽ cái chết của đương kim kỷ lục gia Kelvin Kiptum. Trung tuần tháng 2, làng chạy bộ thế giới rúng động với tin ngôi sao đang lên Kelvin Kiptum qua đời đột ngột vì tai nạn. Mới chỉ chào sân marathon từ năm 2022 ở giải Valencia với thông số 2:01:51, rồi lập kỷ lục giải London Marathon 2023 với thời gian 2:01:25, trước khi lập kỷ lục thế giới 2:00:35 tại Chicago Marathon 2023. Ba lần chạy marathon là 3 chức vô địch đều với chiến thuật negative split, Kiptum là trường hợp chưa từng có trong lịch sử marathon thế giới và được kỳ vọng là chân chạy đầu tiên phá mốc sub2 tại một giải chính thức. Nhưng mọi ước mơ đó đều trở thành dang dở sau tai nạn thảm khốc ngày 11/2. Làng chạy bộ thế giới có lẽ còn phải chờ một thời gian nữa mới có thể phá được kỷ lục thế giới anh đang giữ, chứ chưa nói đến mốc sub2.

Cựu kỷ lục gia kiêm huyền thoại Eliud Kipchoge cũng là cái tên đáng nhắc tới dù có một năm rất đáng quên. Sau chức vô địch Berlin Marathon lần thứ 5 trong sự nghiệp cùng với việc được chọn vào đội tuyển Kenya tham dự Olympic thì anh chỉ về thứ 10 tại Tokyo Marathon 2024 với thời gian 2:06:50 – vị trí thấp nhất trong những lần anh tham gia marathon dù thời gian thi đấu thì không (anh về đích với thời gian nhiều hơn ở Boston Marathon 2023). Tiếp đó, anh lần đầu DNF khi không thể hoàn thành đường đua marathon nam Olympic Paris 2024. Sau khoảng 15km chạy cùng nhóm dẫn đầu thì anh xuống sức, đi bộ ở km thứ 28 km trước khi bỏ cuộc ở thứ km 31. Đây là kỳ Olympic cuối cùng của chân chạy 40 tuổi này nên giấc mộng trở thành người đầu tiên trong lịch sử đoạt HCV marathon nam ba kỳ Olympic liên tiếp sẽ không thể thành hiện thực. Kipchoge là người thứ 3 trong lịch sử giành 2 HCV marathon ở hai kỳ Olympic liên tục, sau huyền thoại người Ethiopia Abebe Bikila (năm 1960 và 1964) và Waldemar Cierpinski (năm 1976 và 1980).

Sifan Hassan trở thành dấu ấn nổi bật của Olympic Paris, khi cô là VĐV nữ đầu tiên và là VĐV thứ hai (cố huyền thoại Emil Zatopek) giành ba huy chương ở các cự ly 5.000m, 10.000m và marathon trong một kỳ Thế vận hội. Cho đến trước khi Olympic khai màn, người hâm mộ mới biết cô sẽ tham dự 3 cự ly trên. Hassan đã thi đấu xuất sắc, giành 2 HCĐ 5.000m và 10.000m, trước khi có một bứt tốc kinh điển ở những mét cuối cùng để vượt qua ứng cử viên số 1 kiêm kỷ lục gia marathon (ở thời điểm đó) Tigst Assefa để giành HCV marathon với thời gian 2:22:55 giây, phá kỷ lục 2:23:07 của chân chạy Ethiopia Tiki Gelana lập tại London 2012. Thành tích này rất đáng nhớ vì cô chỉ kết thúc chung kết 10.000m chỉ chưa đầy 48 giờ trước đó.

Cũng tại Olympic, Tamirat Tola phá dớp cho Ethiopia khi giành HCV và lập kỷ lục marathon nam Olympic với thời gian 2:06:26, phá kỷ lục cũ 2:06:32 do Samuel Wanjiru lập ở Bắc Kinh 2008. Trên cung đường dốc được đánh giá khó bậc nhất lịch sử Thế vận hội, Tola có màn trình diễn chói sáng để trở thành chân chạy nam đầu tiên của Ethiopia vô địch marathon Olympic sau chiến thắng của Gezahegne Abera ở Sydney (Australia) đúng 24 năm trước. Cần lưu ý rằng anh chỉ được chọn vào đội hình chạy marathon của Ethiopia ngay trước thềm Olympic do đồng hương Sisay Lemma bị chấn thương.

Một điều có khó không kém, không muốn nói là hơn, sub2 của marathon nam là sub-2:10 với marathon nữ đã được Ruth Chepngetich xác lập tại Chicago Marathon 2024. Không giành được vé tới Olympic nhưng Ruth Chepngetich cho thấy quyết tâm cùng phong độ phi thường khi dẫn đầu từ lúc rời vạch xuất phát cho tới khi về đích, giành chức vô địch thuyết phục cùng thông số 2:09:56, trở thành chân chạy nữ đầu tiên phá mốc 2 giờ 10 phút. Chỉ hơn một năm sau khi Tigst Assefa thiết lập kỷ lục 2:11:53 Berlin Marathon 2023 thì kỷ lục marathon nữ lại bị phá vỡ. Hiện giờ cả kỷ lục marathon nam và nữ đều do các chân chạy Kenya năm giữ. Chỉ riêng nửa đầu của Chepngetich (1:04:02) cũng đủ lọt top 5 các thành tích chạy half marathon nữ nhanh nhất lịch sử. Đây là chức vô địch giải Chicago lần thứ 3 của Chepngetich sau các năm 2021 và 2022. Chân chạy Kenya này còn có trong bộ sưu tập danh hiệu chức á quân London Marathon 2020, vô địch thế giới năm 2019, vô địch Istanbul Marathon 2017 và 2018, Dubai Marathon 2019, Nagoya Marathon (chỉ cho nữ) các năm 2022 và 2023.

Sebastian Sawe chứng minh sự thống trị của các chân chạy nam Kenya với các giải marathon khi đạt thành tích tốt nhất năm tại Valencia Marathon 2024. Ở lần đầu tham gia cự ly 42,195 km, Sawe đạt thông số 2:02:05, giành chức vô địch thuyết phục và chỉ kém thành tích ra mắt của Kiptum có 14 giây, đặc biệt là anh chạy 5km cuối cùng chỉ trong 14:06. Sawe có thành tích ra mắt marathon nhanh thứ hai trong lịch sử (sau thông số 2:01:51 của Kiptum ở chính giải Valencia 2022), và trở thành chân chạy marathon nhanh thứ năm trong lịch sử, xếp sau Kelvin Kiptum (2:00:35, Chicago 2023), Eliud Kipchoge (2:01::09, Berlin 2022), Kenenisa Bekele (2:01:41, Berlin 2019) và Sisay Lemma (2:01:48, Valencia 2023). 

Năm 2024 cũng ghi nhận một kỷ lục nữa, thuộc về Peres Jepchirchir của Kenya. Cô lập kỷ lục thế giới ở giải marathon toàn nữ, tức là không có các chân chạy nam xuất phát cùng hoặc có pacer (người dẫn tốc) nam. Ở giải London Marathon 2024, Jepchirchir đã xuất sắc vượt qua các đối thủ nặng ký như Tigst Assefa, Ruth Chepngetich, Alemu Megertu dể lên ngôi vô địch với thời gian 2:16:16, vượt 45 giây so với kỷ lục cũ (2:17:01) do đồng hương Mary Keitany lập tại London Marathon 2017. Bảng thành tích của Jepchirchir khá đồ sộ với tấm HCV Olympic Tokyo 2020, các chức vô địch New York Marathon 2021, Boston Marathon 2022.

(VnRun tổng hợp)

vietnammarathon

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *