Vận động viên nhí chạy Half Marathon: Nên hay không nên?
Tại VnExpress Marathon Imperial Huế 2023, một VĐV nhí (7 tuổi) đã hoàn thành cự ly 21,095 km một cách ngoạn mục với thời gian 3:10:20 khiến không ít runner kỳ cựu phải ngạc nhiên.
Không chỉ tại giải đấu này, nhiều giải khác chúng ta vẫn thường chứng kiến không ít em nhỏ tham gia chạy các cự ly dài theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, sau khi những bài đăng trên nền tảng MXH ngày hôm qua được lan tỏa thì đã có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Những câu hỏi được quan tâm hơn cả là: Nên hay không nên cho trẻ quá nhỏ chạy cự ly dài? Trách nhiệm của BTC cũng như người giám hộ đến đâu? Liệu họ có “vượt rào” để vi phạm được hợp thức hóa hay không?
Điền kinh Việt Nam hiện đang là số 1 tại khu vực Đông Nam Á nếu nhìn vào thành tích của những kỳ SEA Games gần đây và một phần nguyên nhân là nhờ có các giải thi đấu ở mọi cấp độ xuất hiện như nấm sau mưa trong vài năm qua. Các giải chạy này cổ súy phong trào chạy bộ trong cộng đồng phát triển một cách mạnh mẽ, tạo nền tảng cho thành tích đỉnh cao của điền kinh. Minh chứng là bên cạnh các cuộc thi điền kinh tại Hội khỏe phù đổng thì nhiều VĐV trẻ trong đội tuyển được tìm kiếm và phát hiện qua các giải đấu này… Đơn cử như 2 VĐV nhí Bùi Đức Phát và Hoàng Thế Nghĩa của tuyển Bình Phước là hai VĐV nhí nhỏ tuổi nhất (13 tuổi) trong số gần 70 VĐV thi đấu hệ đội tuyển nam, cự ly 10km năm 2022 được phát hiện từ các giải phong trào. Không có những giải này, rất có thể chúng ta đã bỏ lỡ hai tài năng trẻ của quê hương chân chạy marathon từng giành HCV SEA Games 31 – Hoàng Nguyên Thanh. Như thế đủ cho chúng ta thấy được vai trò của các giải phong trào là đãi cát tìm vàng cho điền kinh thành tích cao.
Trên thế giới cũng có không ít các tài năng nhí từng giành thứ hạng cao hoặc tham gia các giải đấu với cự ly phù hợp theo quy định. “VĐV điền kinh nhí” là một chương trình nhằm phát triển thể thao thành tích cao được Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) giới thiệu vào năm 2000. Mục tiêu chương trình hướng tới là khơi dậy khả năng của các VĐV từ 7 – 12 tuổi cũng như dạy cho các VĐV này những kỹ năng cơ bản của môn thể thao nữ hoàng như: chạy, nhảy, ném, chạy nước rút. Chương trình điền kinh cho trẻ em của IAAF được thành lập vào năm 2005 được triển khai ở 134 liên đoàn thành viên và đạt số lượng trẻ em theo dõi và tham gia tập luyện lên đến 13 triệu trẻ.
Như vậy có thể thấy, cho trẻ tham dự các giải đấu trong khuôn khổ các giải việt dã tại Việt Nam không nằm ngoài xu thế trên thế giới. Trong các giải đấu hiện nay đều xuất hiện nội dung KIDS RUN là giải chạy thiếu nhi thuộc chuỗi sự kiện chính thức của giải. Theo như thông điệp mà các giải việt dã đưa ra thì đây là cơ hội để khơi gợi tinh thần thể thao cho trẻ, giúp các em hình thành thói quen rèn luyện sức khỏe và xây dựng lối sống lành mạnh ngay từ sớm. Các bé cũng được gặp gỡ nhiều bạn bè đồng trang lứa, mang đến cho bé trải nghiệm ở một sân chơi cộng đồng chất lượng.
Road Runners Club of America (RRCA), một trong những tổ chức lớn và uy tín nhất về chạy bộ, có đưa ra nguyên tắc cơ bản về chạy bộ dành cho trẻ em. Các giới hạn cự ly chạy dựa trên các độ tuổi, cụ thể như sau: Trẻ em từ 5 tuổi trở xuống thì chỉ nên chạy giới hạn trong các sự kiện “chạy nước rút” đến cự ly 400 mét; Trẻ em 6-11 tuổi có thể chạy vui vẻ từ 1/2 đến 1 dặm (khoảng 1,6 km); Trẻ em 12-14 tuổi có thể chạy 5 km; Trẻ em 15-18 tuổi có thể chạy cự ly 10 km một cách an toàn; Trẻ em từ 18 tuổi trở lên có thể cân nhắc chạy marathon trở lên.
Trở lại vụ việc của bé gái tham dự chạy cự ly Half Marathon vừa qua, theo quy định của ban tổ chức (BTC) thì “VĐV chỉ được chọn một cự ly thi đấu và phải đủ yêu cầu về độ tuổi tương ứng với mỗi cự ly đăng ký. Tuổi được tính đến ngày thi đấu chính thức. Cự ly Full Marathon (42 km) từ 18 tuổi trở lên; Cự ly Half Marathon (21 km) từ 16 tuổi trở lên; Cự ly (10 km) từ 12 tuổi trở lên”.
Ở đây chúng ta phải hiểu rằng: VĐV dưới 16 tuổi (các cự ly HM, 10km, KIDS RUN) phải có người giám hộ chịu trách nhiệm và ký vào biên bản “Miễn trừ trách nhiệm” do BTC cung cấp. BTC có quyền từ chối với các VĐV chưa hoàn tất thủ tục này. Vì lý do an toàn, các VĐV dưới 6 tuổi phải có phụ huynh hoặc người bảo hộ tham gia cùng trong suốt thời gian thi đấu. BTC có quyền hủy bỏ số BIB đối với các cá nhân không đủ điều kiện tham gia chương trình tại bất cứ thời điểm nào mà BTC đánh giá có thể ảnh hưởng tới công tác tổ chức hoặc sự an toàn của VĐV.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao cháu bé vẫn có số BIB và vẫn được tham dự giải chạy?
Dưới góc nhìn của chính phụ huynh bé gái 7 tuổi tham dự cự ly Half Marathon thì: “2 bé con em đã chạy bộ cùng em 4 năm, bắt đầu từ cự ly nhi đồng như những bé khác. Sau thời gian dài đồng hành cùng con thì em thấy sau race 2 bé hồi phục nhanh, vào nhịp học và sinh hoạt bình thường, kiểm tra thể chất định kỳ vẫn phát triển cân đối. Mẹ con em vẫn lượng theo sức mình và chạy Half Marathon trên tinh thần vui vẻ nhất trong cuộc đua. Em cũng chỉ cho bé chạy HM tối đa 2 lần trong năm để tập longrun, còn lại là 2 bé chỉ chạy 10km trong trang phục Cosplay”.
Việc tập luyện và dinh dưỡng được bố mẹ là những runner kiểm soát, tuy nhiên cần áp dụng các nguyên tắc khoa học chuyên sâu về vấn đề này. Hầu hết các đề xuất về chạy cự ly chỉ dựa trên tuổi theo thời gian của trẻ em, nhưng trước khi quyết định cho trẻ tham gia cự ly nào phù hợp thì chúng ta nên tham vấn bác sĩ nhi khoa và cả các bác sĩ, chuyên gia khoa học thể theo nếu thấy tuổi sinh học của trẻ khác biệt đáng kể so với tuổi theo thời gian. Theo các nghiên cứu khoa học thì những đứa trẻ trưởng thành nhanh hơn có thể xử lý được quãng đường chạy dài hơn so với độ tuổi của chúng, trong khi những đứa trẻ trưởng thành chậm hơn thì cần thận trọng về khoảng cách chạy vì chúng vẫn còn nhiều dư địa phát triển trong tương lai.
Không có giới hạn hay hướng dẫn tuyệt đối nào để trả lời câu hỏi: trẻ có thể chạy bao xa? Ngay các chuyên gia nhi khoa và các nhà khoa học thể thao vẫn còn bất đồng về độ tuổi phù hợp với quãng đường chạy của trẻ. Tuy nhiên, như nhiều nghiên cứu khoa học và khuyến nghị của các tổ chức có uy tín về chạy bộ thì mức độ và thời gian chạy của trẻ em có cần dựa trên các yếu tố: độ tuổi, tình trạng sức khỏe, và tâm lý. Quả chín ép sẽ không ngọt, quả chỉ thật sự ngọt nếu được phát triển trong điều kiện tự nhiên phù hợp.
Không thể phủ nhận rằng luôn có những trường hợp đặc biệt, những tài năng thiên bẩm về chạy bộ, với những trường hợp này, chúng ta cần tạo điều kiện tốt nhất cho các em phát huy tài năng thay vì ngăn cấm các em do những nỗi lo được mất một cách quá đáng. Chạy bộ là vì sức khỏe và niềm vui thì không có lý do gì chúng ta ngăn cản con trẻ vận động nhưng cũng đừng nhân danh khuyến khích hay phá vỡ giới hạn để ép buộc chúng chạy những quãng đường quá sức. Hãy để các em chạy, chạy vì niềm vui, đừng chạy vì thỏa “khao khát” hay “hào quang ảo vọng” của người lớn.
(VnRun tổng hợp)