Chiến thắng cho điền kinh nữ – 40 năm sau chiến thắng của Joan Benoit
Sáng Chủ nhật đầy nắng ngày 11/8 vừa qua, Sifan Hassan của Hà Lan và Tigist Asefa của Ethiopia đã thể hiện một màn đua nước rút ngoạn mục trong những mét cuối cùng trước khi về đích ở điện Invalides ở thủ đô nước Pháp hòng giành tấm HCV danh giá. Đó là một bước tiến dài của marathon nữ thế giới khi nội dung này chỉ mới được đưa vào chương trình thi đấu của Thế vận hội đúng 40 năm trước (1984). Và chiến thắng của huyền thoại Joan Benoit tại Los Angeles (Hoa Kỳ) năm đó vẫn còn nguyên giá trị cho đến nay: đánh dấu chiến thắng chung của điền kinh nữ.
40 năm đã qua nhưng với Joan Benoit, kỷ niệm về đích và bước lên bục nhận huy chương Olympic Los Angeles 1984 vẫn sống động như mới hôm qua. Ngày 5/8/1984, chân chạy kiêm huấn luyện viên đại học nhỏ thó đến từ bang Maine này đã khắc tên mình lên mình một vị trí quan trọng trong biên niên sử thể thao với tư cách là người chiến thắng trong cuộc thi marathon đầu tiên dành cho phụ nữ tại một kỳ Olympic. Nhưng lúc đó, trông bà khá lạc quẻ với vẻ ngoài không giống ai trên sân vận động ở Los Angeles, với chiếc mũ họa sĩ màu trắng đội ngược trên mái tóc đen được cắt ngắn.
Trước lúc xuất phát (8 giờ sáng) ở trường Santa Monica College, sau khi mãi không thể đi vào ngủ và phải phát đi phát lại bản nhạc Chariots of Fire trên máy Walkman, Benoit cuối cùng cũng trôi dạt vào giấc mơ khó chịu rằng bà bị lạc vào một cửa hàng bách hóa trong khi giải bắt đầu mà không có mặt mình. Bà mơ thấy mình xô đổ những giá treo quần áo, lao vụt qua các thang cuốn, nghe thấy tiếng súng lệnh xuất phát vang lên rồi chạy như điên điên để bắt kịp tốp dẫn đầu.
Khi thức dậy giữa buổi sáng Los Angeles ấm áp và đầy sương mù, bà Benoit mới chắc rằng mình không phải đuổi theo ai để có thể ghi tên mình vào lịch sử chạy dài của nữ.
Chân chạy lúc đó 27 tuổi này đứng trên vạch xuất phát trong trang phục màu xám của Hoa Kỳ và với tư cách người chạy nhanh nhất cự ly 42,195km nhờ thông số 2:22:43 ở giải Boston Marathon năm trước đó (1983).
Ngoài ra, trong số 50 người đứng trên vạch xuất phát lúc đó không thiếu những anh tài khác. Chẳng hạn chân chạy người Na Uy Grete Waitz mới vô địch giải điền kinh thế giới ở Helsinki (Phần Lan). Hay người đồng đội Ingrid Kristiansen của Waitz – mới trở thành chân chạy nữ đầu tiên phá mốc 15 phút cho cự ly 5000m (14 phút 58,89 giây) và nhà vô địch marathon châu Âu năm 1982 người Bồ Đào Nha Rosa Mota.
Trong khi các đối thủ giữ chân, lo lắng về nhiệt độ và thời tiết sương mù khét tiếng ở Los Angeles, bà Benoit chuyển sang chế độ siêu tốc 5 phút 40 giây/dặm từ km thứ 5 để dẫn trước khoảng 20m. Bà tỏ ra hơi ngần ngại khi nhìn qua vai để thấy khoảng cách.
“Tôi nghĩ: ‘Đây là giải marathon đầu tiên ở Olympic, không cẩn thận sẽ rơi vào cảnh một con chim dodo dẫn đầu suốt nửa chặng thứ nhất, rồi mọi người đều vượt qua’”, bà nhớ lại.
“Nhưng tôi không chạy nhanh đến thế và tốc độ vẫn trong tầm kiểm soát. Tôi chỉ muốn chạy một giải của riêng minh, nên cứ thuận theo tự nhiên và không nghĩ gì đến những lấn cấn lúc trước nữa”.
Đẩy tốc độ lên 5:20/dặm, kết thúc 10km đầu tiên trong thời gian 35:24, bà Benoit thậm chí còn chạy 10km thứ hai nhanh hơn, chỉ mất 33:08. Lúc đó các đối thủ như Mota chậm hơn bà 1:12 còn hai chân chạy Na Uy bị bỏ cách tới 60m.
Lúc đó, hai bình luận viên Marty Liquori và Bill Rodgers ngồi trong buồng chuyên dụng của đài ABC TV đều tỏ ra lo lắng rằng bà tăng tốc quá sớm vì tai nạn mà gặp trong quá trình chuẩn bị.
Trong một buổi tập luyện chạy dài 32km vào tháng Ba, bà nghe thấy tiếng cục ở gối phải “như thể một chiếc lò xo bung khỏi mối nối”. Sau khi chật vật duy trì thể lực bằng đạp xe, bà phải phẫu thuật nội soi để loại bỏ một nếp gấp khớp gối bị viêm (plica bao hoạt dịch).
Chỉ 10 ngày sau ca phẫu thuật, bà Benoit chiến thắng giải tuyển chọn của Hoa Kỳ với thời gian 2:31:04. Bà còn dính chấn thương gân ngỗng (hamstring) ở chân trái và vẫn phải chú ý đến vết thương này cùng với hồi phục đầu gối phải trong suốt quá trình chuẩn bị cho Olympic với khối lượng tập luyện lên tới 180km mỗi tuần.
Tình cờ thay, sức bền được tôi luyện qua việc chạy 33km mỗi cuối tuần với tốc độ ngày càng nhanh trong tháng 6 và tháng 7 nóng ẩm bất thường ở Maine đã giúp bà Benoit – và cơ thể đang hồi phục – có được thành quả xứng đáng.
Lúc bà Waitz muốn vượt lên thì đã quá muộn.
Vẫy chiếc mũ ăn mừng cùng đám đông 77.000 người ở sân vận động Los Angeles Coliseum, bà Benoit về đích với thời gian 2:24:52 – bà Waitz chậm hơn 1:26 giành HCB còn bà Mota giành HCĐ. Chân chạy đang lên Kristiansen chỉ về thứ 4.
“Tôi quá phấn khích lúc phá băng về đích, tưởng như mình có thể quay lại cạy thêm 42km nữa – dù có thể không phải là thông số 2 giờ 24 phút và hơn Grete Waitz tới gần một phút rưỡi”, bà Benoit hưng phấn hồi tưởng.
Nhìn vào bối cảnh lúc đó mới thấy chiến thắng của bà có tầm quan trọng thế nào. Năm 1896, một phụ nữ Hy Lạp tên Melpomene không được phép chạy cùng nam trong lần đầu tiên marathon được đưa vào thi đấu ở Olympic. Bà chạy một mình suốt cung đường, phía sau người chiến thắng Spiridon Louis và các chân chạy nam khác. Bà về đích sau 4 giờ 30 phút, chạy quanh phía ngoài sân vận động Panathenaic cổ kính.
Trước Thế vận hội Los Angeles 1984 (nội dung 3000m cũng được đưa vào thi đấu), thì Olympic vẫn giới hạn cự ly cho nữ ở 1500m.
“Đó là chiến thắng cho điền kinh nữ”, bà Benoit chia sẻ: “Chúng tôi chứng tỏ được rằng mình có thể chinh phục được cự ly marathon đầy khắc nghiệt”.
Và phần còn lại là lịch sử.
(VnRun tổng hợp)