Home Các chân chạy truyền cảm hứng Runner không có quốc gia

Runner không có quốc gia

0

Khi băng qua vạch đích cự ly 5000m tại Olympic Paris 2024 với vị trí thứ 4, gương mặt Dominic Lobalu (đội tuyển điền kinh tị nạn) tràn đầy tiếc nuối. Anh chỉ cách bục nhận huy chương có hơn 10% giây sau khi nỗ lực tột độ ở vòng chạy cuối cùng để từ vị trí thứ 7 vươn lên tranh chấp huy chương. Nhưng với những runner không được đại diện cho đội tuyển quốc gia nào tại ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh này, đó còn hơn cả thất vọng. Nhưng Lobalu vẫn là người may mắn trong số họ, còn rất nhiều chân chạy tị nạn tài năng khác thậm chí không có cơ hội tỏa sáng vì không có quốc gia để đại diện.

oOo 

Sinh ra ở Nam Sudan vào năm 1998, nhưng năm Lobalu 9 tuổi (2007), cậu mất cả cha lẫn mẹ sau một trận tấn công của phiến quân vào làng và được đưa tới Kenya sống trong trại tị nạn Kakuma. Lobalu học rất giỏi môn lịch sử nhưng môn cậu bé 9 tuổi này thích nhất là thể dục. Cậu thích chu du khắp thế giới và cho rằng trở thành nhà báo là “cách dễ nhất để thực hiện ước mơ đó”. Ngoài giờ học, cậu bé thích nghe nhạc reggae và dancehall (âm nhạc đặc trưng của Jamaica). Một thầy giáo ở trường tiểu học là người đầu tiên nói rằng cậu có năng khiếu chạy bộ. Lobalu thường la cà ở những bãi đất trống tại Nairobi với nhiều cậu bé Nam Sudan khác. Nơi này là chỗ các trường tư thường tới tìm kiếm tài năng điền kinh để cấp học bổng. Cậu không nhận được học bổng bóng đá nhưng muốn được xem xét học bổng chạy bộ. Các tuyển trạch viên cho rằng cậu trông không giống người chạy bộ nhưng vẫn cho cậu cơ hội. Lobalu đến trường mỗi sáng, tập luyện và bắt đầu chiến thắng các giải băng đồng. Năm 2015, Lobalu nhận ra mình có tương lai nếu theo đuổi thể thao.

Đến thời điểm được đội tuyển tị nạn phát hiện qua một giải ở Kenya, cậu bắt đầu hiểu được giá trị của theo đuổi sự nghiệp chạy bộ. Đó là năm 2017. Cậu lấy làm may mắn vì “ở lại trại tị nạn Kakuma lâu” trước khi có được học bổng đầu tiên để đi học ở Nairobi. “Chạy bộ giúp bạn khỏe mạnh, mang lại thức ăn lên bàn, trong lúc tôi có quá nhiều người thân cần giúp đỡ”. Cậu cũng biết trong trại trẻ mồ côi có nhiều cậu bé khác có tiềm năng không không được hỗ trợ hoặc không có cơ hội.

Đội tuyển điền kinh tị nạn ra mắt năm 2016 ở Olympic Rio với tư cách là một phần của đội tuyển Olympic tị nạn thuộc IOC (Ủy ban Thế vận hội Quốc tế); các thành viên gần như tham dự đủ mọi giải vô địch thế giới kể từ đó, kể cả Olympic Tokyo 2021 và Olympic Paris vừa qua. Năm thành viên tới Rio là các chân chạy đến từ Nam Sudan và sống ở trại Kakuma. IOC và Liên đoàn Điền kinh Quốc tế hỗ trợ hộ các đợt tập huấn và học bổng. “Những hoạt động đó để giúp họ tìm được vị trí trong thế giới này và cảm nhận được họ thuộc về nơi đó”, Giám đốc các dự án đặc biệt của Liên đoàn Điền kinh Quốc tế Jackie Brock-Doyle cho biết.

Trong buổi sáng Chủ nhật năm 2019 ở Geneva đó, Lobalu ăn mừng với các đồng đội trước khi trở lại Nairobi vào hôm sau. Cả đội hoàn tất 2 giải vào cuối tuần. “Đó là lần đầu tiên tôi lên bục nhận giải”, Lobalu giờ đã 25 tuổi hồi tưởng lại. Cả đội ăn mừng với hamburger và pizza.

Nhưng khi niềm vui qua đi, Lobalu nghĩ đến việc không quay về Kenya. “Nếu bạn tự do và sống cho mình thì đó là nơi tuyệt vời. Vấn đề là nếu bạn ở dưới quyền ai đó thì câu chuyện rất khác”. Anh cảm thấy mình bị kiểm soát về cả thời gian và điều kiện sống khi ở trại tị nạn. Lúc lãnh đội kiểm tra phòng vì không thấy Lobalu xuống ăn sáng, cậu đã biến mất.

oOo

Năm 2019, lúc Lobalu rời khỏi khách sạn ở Geneva, anh không biết mình sẽ đi đâu. “Tôi lên tàu, đi khắp Geneva”, anh nhớ lại. Hành trình mới chỉ bắt đầu. Anh dừng lại ở văn phòng của tổ chức Chữ thập đỏ, biết được thông tin về cách nộp đơn tị nạn. Anh sẽ tới một trung tâm ở Lausanne, và biết được các thủ tục cần thiết.

Trong những tháng chờ xét duyệt, Lobalu sống ở trại tị nạn phía nam Thụy Sĩ (lần thứ 2 trong đời). Sau khi được chính phủ Thụy Sĩ cấp giấy phép lao động ngắn hạn, anh được trung tâm tị nạn kết nối với một người đàn ông tên Hagmann để anh tiếp tục chạy bộ.

Hagmann (một giáo viên trung học) thậm chí chưa từng huấn luyện toàn thời gian nhưng bị thuyết phục và muốn xem cả hai sẽ đi xa được đến đâu. 

Lobalu không phải là VĐV duy nhất rời đội. Gatkuoth Puok Thiep – một thành viên khác của nhóm tị nạn Nam Sudan – cũng trốn cùng thời gian Lobalu ở Geneva và cho biết bầu không khí rất bất ổn ở trung tâm tập huấn.

Các VĐV đều thất vọng với khoản tiền nhận được hàng tháng từ trung tâm do Loroupe (được Liên đoàn Điền kinh Quốc tế, IOC và Cao ủy của Liên Hợp Quốc về Người tị nạn -UNHCR tài trợ) vận hành. Trải nghiệm đó “thay đổi cuộc đời của nhiều người”, theo Gai John Nyang, một người tị nạn Nam Sudan rời nhóm năm 2017 khi tới Đức. Nhưng anh nhận thấy khoản tiền hàng tháng 40 USD là không đủ sống.

Nhiều thứ không như dự định” HLV Volker Wagner lãnh đội năm 2016 cho biết. “Tiền là vấn đề, thức ăn cũng là vấn đề, chuyện gì cũng có vấn đề cả. Tegla nghe sai lời tư vấn. Bạn phải sống sót với 40 USD mỗi tháng, tất nhiên không thể hỗ trợ gia đình”.

Anna Legnani là phó giám đốc truyền thông của Liên đoàn Điền kinh Quốc tế từ năm 1994 đến năm 2020. Với cương vị đó, bà là người đại diện của cơ quan này và đội tuyển tị nạn. “Một mặt, họ là nội dung của những tin tức hấp dẫn nhưng đồng thời đời sống thường ngày không có gì thay đổi. Lợi ích của họ với tư cách là vận động viên phải được đặt lên hàng đầu”, Legnani thừa nhận.

oOo

Kể cả với cơ hội đội tuyển tị nạn mang lại thì khả năng thành công với người tị nạn vẫn rất phức tạp – nhất là so với những chân chạy ở thung lũng Rift thuộc Kenya và nước láng giềng Ethiopia. Các chân chạy ở đó được tập luyện trong môi trường mát mẻ, độ cao lớn từ lúc còn bé, trong khi người tị nạn Nam Sudan phần lớn là trẻ mồ côi, phải đương đầu với sang chấn tâm lý và bất định vì xung đột, mất gia đình, luôn bị chuyển qua chuyển lại giữa các trại và trường học trong suốt những năm xây dựng nền tảng và cũng không có một quốc gia để gọi là nhà. Trở thành công dân Kenya là bất khả thi, và có tới hơn một triệu người vô gia cư từ Nam Sudan, Somali… ở đây thì người tị nạn rất khó có được cuộc sống ổn định.

Theo UNHCR, có tới 117 triệu người mất nhà cửa trên thế giới. “Với chúng tôi, thông điệp luôn là người tị nạn cũng giống chúng ta. Họ có tài năng, và chỉ cần cơ hội”, Bernard Rono, trợ lý thông tin đối ngoại của UNHCR, làm việc với các VĐV tị nạn ở Kenya cho biết. “Chúng tôi cố gắng để người tị nạn nhận được sự bảo vệ. Nói đến cùng, chúng tôi không phải là một tổ chức về thể thao”.

Sau khi Lobalu rời đội, Loroupe cố gắng thuyết phục anh thay đổi suy nghĩ, đến đại sứ quán Kenya ở Geneva. Cô cho biết người tị nạn ở Thụy Sĩ còn khó khăn hơn ở Kenya. Họ sẽ bị đẩy vào tình trạng bấp bênh cho đến khi có được quốc tịch mới. Rất nhiều người không thể có được quốc tịch đó. “Thời gian không chờ đợi bạn”, Loroupe nói về những VĐV từ bỏ vị trí tương đối có đặc quyền trong đội. Hiện Loroupe không quản lý trại tập huấn nữa và các VĐV chuyển sang trung tâm khác ở thung lũng Rift.

oOo

Lúc mới bắt đầu hợp với Hagmann, mục tiêu của Lobalu là rèn sức bền và tốc độ. “Không rút ngắn được thời gian, tôi không thể tham dự các giải quan trọng”.

Với Hagmann, trọng tâm là sức khỏe và tinh thần của Lobalu. “Cậu ấy chạy nhanh nhưng phải trải qua nhiều vất vả. Cơ thể cậu ấy chưa sẵn sàng. Tập luyện chừng 20-30 dặm là cậu ấy chấn thương”. Năm đầu tiên, Lobalu lấy lại cả sức khỏe thể chất và tinh thần, bắt đầu tin tưởng vào HLV mới. “Mất rất nhiều thời gian cậu ấy mới hiểu rằng có người đang giúp mình mà không kỳ vọng gì”, Hagmann nói.

Phong cách chạy của Lobalu khá đặc biệt. “Chuyển động của cậu ấy rất mềm mại. Cơ thể mảnh mai nên gót chân hất rất cao khi chạy”. Năm 2022, Lobalu bắt đầu gặt hái thành quả. Anh đánh bại ngôi sao người Uganda Jacob Kiplimo để vô địch cự ly 3.000m tại giải Stockholm Diamond League với thời gian 7 phút 29 giây 48.

Tôi không ngờ cậu ấy lên nhanh như thế, vô địch Diamond League”, Hagmann cười. “Chúng tôi bắt đầu với con số không. Nên tôi rất tự hào”. Mùa thu năm đó, Lobalu đạt thành tích 59:12 tại giải Copenhagen Half Marathon. Nếu anh được đại diện cho Thụy Sĩ, đó là kỷ lục mới của châu Âu. Lobalu trên con đường xác lập vị thế của một trong những chân chạy cự ly trung bình và dài tốt nhất thế giới. Anh lẽ ra có thể lên kế hoạch tham dự giải VĐTG và Olympic. Nhưng năm 2022, anh vẫn chưa có quốc gia nào để đại diện.

Lobalu muốn tham dự Olympic hơn cả. Tháng 7 năm 2023, anh đợi xem mình có được đại diện cho Thụy Sĩ ở giải VĐTG tại Budapest hay không. Nếu không, anh không đủ điều kiện tham dự Olympic hay dự các giải hàng đầu do Liên đoàn Điền kinh Quốc tế tổ chức. Hầu hết các nước châu Âu yêu cầu người nhập cư phải sống ở quốc gia đó từ 5-10 năm thì mới đủ điều kiện trở thành công dân. Để trở thành công dân Thụy Sỹ, Lobalu cần sống 10 năm ở đây.

Với chạy bộ, đó không phải lựa chọn tốt”, Hagmann cho biết. “Chúng tôi không định đổi sang nước khác. Nếu Thụy Sĩ cấp quốc tịch, cậu ấy sẽ thi đấu. Nhưng có vẻ sẽ không thể”. Thông qua Liên đoàn Điền kinh Thụy Sĩ, hai thầy trò nộp đơn xin Liên đoàn Điền kinh Quốc tế cho phép Lobalu thi đấu dưới màu áo Thụy Sĩ mà không cần quốc tịch. Họ không cần ngoại lệ do Lobalu là tài năng thể thao mà muốn thay đổi cách đối xử với các VĐV tị nạn trong tương lai. “Nên là một quá trình công bằng với tất cả”, Hagmann nói.

Các VĐV thường đổi quốc tịch để thi đấu cho nước khác. Nhiều chân chạy Đông Phi thi đấu dưới màu áo quốc gia khác vì quá trình cạnh tranh ở tại nước họ quá khắc nghiệt, đến mức những chân chạy hàng đầu cũng có nguy cơ bị loại. Thông lệ này khiến Liên đoàn Điền kinh Quốc tế đưa ra yêu cầu các VĐV phải đợi 3 năm sau khi có quốc tịch mới được thi đấu. Quy định này là để giảm mức độ lạm dụng nhập tịch vì ở giải vô địch điền kinh châu Âu năm 2016, đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ có tới 7 người Kenya, một người Ethiopia, hai người Jamaica, một người Nam Phi, một người Cuba, và nhiều người từ các nước khác. “Như thế khác nào buôn người”, Brock-Doyle thuộc Liên đoàn Điền kinh Quốc tế chia sẻ. “Người ta lấy các tài năng từ nước này sang nước khác, khi họ bị thương hoặc không đạt thành tích tốt là bị ném trở lại”.

Với Lobalu, “anh ấy là một tài năng lớn… nhưng nếu cho phép những VĐV có vấn đề thi đấu cho đội tuyển tị nạn thì chúng tôi không thể có được một đội tuyển tị nạn đúng nghĩa. Chỉ nhờ có thiện chí của cả UNHCR và chính phủ các nước mà chúng tôi mới có thể thành lập được đội tuyển này. Một phần những gì chúng tôi thảo luận với các VĐV là chúng tôi hỗ trợ họ thông qua giáo dục và tập huấn. Nguyên tắc là họ không được biến mất. Chúng tôi không thể làm ảnh hưởng đến một chương trình đã giúp anh ấy và nhiều người khác”.

Trong lúc chờ đợi quyết định, Lobalu không dự giải nào vì đang phục hồi chấn thương. “Kế hoạch vẫn là giải VĐTG”, Hagmann chia sẻ. “Nếu được phép thì chúng tôi đã sẵn sàng. Nếu không, 5 ngày sau chúng tôi dự giải ở Zurich. Sẽ dự thêm các giải Diamond League sau giải Zurich, rồi đến Copenhagen Half Marathon vào tháng 9”.

oOo

Giải VĐTG kết thúc cuối tháng 8 nhưng Lobalu vẫn chưa nhận được quyết định. Ngày 31/8, anh xếp thứ 5 nội dung 5.000m giải Diamond League Zurich với thời gian 13 phút 7,02 giây.

Đầu tháng 9, Liên đoàn Điền kinh Quốc tế tuyên bố Lobalu có thể thi đấu cho Thụy Sĩ trước khi có quốc tịch. Dù là tin tốt thì điều đó đồng nghĩa với việc anh sẽ bỏ lỡ nhiều giải quan trọng, kể cả Olympic Paris 2024. “Tôi thích được thi đấu ngay. VĐV nào cũng muốn tham giải giải thế giới và giành huy chương Olympic”, Lobalu chia sẻ.

Khi mới làm việc cùng Hagmann, Lobalu đạt thành tích 14:02 cho 5km và 29:14 cho 10km. Ngày 31/12/2023, anh lập kỷ lục châu Âu 5km với thời gian 13:12 tại Tây Ban Nha; và chỉ 2 tuần sau là kỷ lục 10km (27:13). Tháng 2, anh đạt thành tích cá nhân tốt nhất cự ly 3000m trong nhà (7 phút 39,32 giây) ở Pháp. “Khi bạn nói ‘tôi là người tị nạn’, hầu hết mọi người… nhìn bạn như thế bạn chả là gì cả, chẳng làm được gì hết”, Lobalu nói. “Tôi cố gắng cho họ thấy rằng họ đã nhầm”.

Ngày 11/1/2024, Liên đoàn Điền kinh Quốc tế giải thích quyết định vào tháng 9 năm 2023, cho biết Lobalu đủ điều kiện xác lập kỷ lục quốc gia Thụy Sĩ và châu Âu. Vào tháng 5, Liên đoàn Điền kinh Thụy Sĩ tuyên bố anh có thể đại diện nước này tham gia giải vô địch châu Âu tại Rome (Italia) vào tháng 6. “Dominic Lobalu có mối liên hệ gần gũi và lâu dài với đất nước chúng tôi trong tư cách người tị nạn dưới sự bảo vệ của Thụy Sĩ. Chúng tôi cho rằng anh ấy có thể đại diện cho Thụy Sĩ tham gia Olympic Paris”.

Ngày 12/6, tại Rome, Lobalu là VĐV tị nạn đầu tiên trong lịch sử giành HCV châu Âu, về nhất cự ly 10.000m với thời gian 28:00. Ngày hôm nay, anh được IOC mời tham gia Olympic Paris với tư cách thành viên đội tuyển tị nạn.

Tôi vẫn muốn thi đấu cho đội tuyển của quốc gia mới”, Lobalu thừa nhận, “Tôi vui vì mình có cơ hội tham gia Olympic. Tôi biết mình đến từ đâu và thuộc về nơi nào. Ở Paris, tôi sẽ thi đấu với niềm tự hào Thụy Sĩ trong tim”.

Trong số các chân chạy rời đội tuyển tị nạn và hiện đang sống ở Đức, Anh, Thụy Sĩ, chỉ Lobalu hiện thực hóa được giấc mơ.

Gatkuoth Puok Thiep cũng sống ở Thụy Sĩ nhưng không còn thi đấu nữa. Anh cho biết tâm lý mình không đặt vào thi đấu chuyên nghiệp và đang làm việc cho một công ty giày.

Nyang, sống ở Đức, thỉnh thoảng vẫn chạy khi rảnh rỗi nhưng không có HLV, nhà tài trợ hay tham gia các giải. Anh biết điều đó không bao giờ xảy ra. Mất nhiều năm và rất khó khăn để trở thành công dân Đức: yêu cầu ngày càng cao, cần có chứng chỉ thông thạo tiếng Đức. “Trong 5 người rời đội tuyển cùng Lobalu, chúng tôi có tiềm năng nhất”, Nyang kể. “Nhưng chúng tôi không thể tiếp tục chạy. Không dễ tí nào”.

Giọng anh pha chút buồn lẫn đắng cay. Hiện giờ anh làm việc cho một nhà máy sản xuất cốc nhựa. Anh không muốn nghĩ về cuộc sống và sự nghiệp chạy bộ sẽ thế nào nếu vẫn còn ở lại Kenya – nhưng cuộc sống ở Đức không phải điều anh mong chờ.

(VnRun lược dịch từ RW)

NO COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Exit mobile version