5 dấu hiệu cho thấy cần thay giày chạy bộ
Khi mua một đôi giày chạy, thường thì các runner coi đó là bạn đồng hành trong tập luyện cũng như thi đấu nên sẽ cố gắng tận dụng tốt nhất giá trị, sử dụng càng lâu càng tốt. Tuy nhiên mọi đôi giày chạy bộ đều có thông số kỹ thuật riêng cho và có thời hạn sử dụng phù hợp (tùy theo từng dòng và các nhà sản xuất đều có khuyến cáo). Dĩ nhiên trong một số trường hợp, bạn vẫn có thể dùng một đôi giày đã “hết đát” để tập luyện hoặc thi đấu nhưng cần lường trước hậu quả không nhẹ, thậm chí bạn có thể dính chấn thương. Về cơ bản, có một số dấu hiệu cho thấy đến lúc runner nên thay giày.
Đầu tiên là khi bạn thấy đế giày bị mòn hoặc nứt thì nên cân nhắc mua giày mới. Đế giày nên được kiểm tra thường xuyên ở phần gót và mũi giày – nhưng nơi tiếp xúc nhiều nhất với nền đường chạy. Đế giày mòn không đều, giảm độ bám hoặc có những vết nứt chân chim hoặc bị rách sẽ ảnh hưởng đến lực tác động lên chân bạn, làm tăng nguy cơ chấn thương. Trung bình, một đôi giày chạy bộ có tác dụng tốt trong khoảng 400 – 700 km, tùy cường độ, địa hình chạy và cả công nghệ của đôi giày bạn mua nữa (dĩ nhiên bạn có thể dùng lâu hơn con số trung bình này).
Một dấu hiệu khác thường khó quan sát hơn bằng mắt là tình trạng xuống cấp của lớp đệm giữa (nằm giữa đế giày và bàn chân). Lớp đế giữa này nén lại rồi bật lên, hóa giải lực tác động khi bạn tiếp đất nên đóng vai trò quan trọng, bảo vệ bàn chân của các runner. Nhưng theo thời gian, lớp đế giữa này sẽ xuống cấp. Khi bạn có cảm nhận khó chịu hoặc nhận thấy áp lực tăng lên ở gót chân hay nửa trước bàn chân thì bạn nên kiểm tra xem lớp đệm giữa đó có còn tốt hay không bằng cách cho ngón tay vào trong giày rồi ấn vào giữa đế. Nếu bạn có cảm giác cứng và không nảy thì có nghĩa là đã đến lúc thay giày .
Ngoài ra, bạn nên kiểm tra các phần khác của giày như thân có bị rách hay thủng không, đế có bị bong keo không, phần upper có bị giãn hoặc biến dạng hay không. Nếu có thì nên thay giày vì những hư hại trên sẽ khiến các bài chạy của bạn giảm hiệu suất, thậm chí dễ chấn thương.
Dấu hiệu nữa là mùi hôi khó chịu ở chân sau mỗi lần. Mùi hôi này bắt nguồn từ mồ hôi và vi khuẩn tích tụ lâu ngày trong giày và khiến bạn khó chịu. Nếu vệ sinh giày và phơi khô sau mỗi lần sử dụng mà vẫn không thể rũ bỏ mùi hôi thì bạn nên cân nhắc đổi giày mới.
Cơ thể cũng là dấu hiệu cảnh báo cho bạn khi thời điểm đổi giày đến. Những dấu hiệu như bàn chân bị phồng rộp, cẳng chân đau nhức, đầu gối hoặc lưng đau sau chạy dù bạn nghỉ ngơi đầy đủ cũng cho thấy đôi giày đã không còn đủ mức hỗ trợ cần thiết cho các bài chạy, đến lúc bạn cần đổi một đôi giày mới.
Khi gặp ít nhất một trong các dấu hiệu trên thì rõ ràng bạn cần mua giày chạy mới, nhưng hãy nhớ cân nhắc mua đôi giày nào phù hợp với bàn chân, dáng chạy và mục tiêu luyện tập của bạn. Một đôi giày chạy chất lượng là khoản đầu tư xứng đáng vì bạn đang đầu tư cho sức khỏe và sự thoải mái trong mỗi bài luyện tập.
(VNRun dịch từ Running Magazine)