Điệu luân vũ dang dở ở Paris
Giấc mơ Olympic hóa ra lại trở thành ác mộng với Kenenisa Bekele và Eliud Kipchoge. Không có câu chuyện cổ tích nào, chẳng có khoảnh khắc vàng nào dưới thời tiết ấm áp ở Paris. Cũng không có hy vọng thắp lên ngọn đuốc để viết một chương mới trong sự nghiệp lẫy lừng của 2 chân chạy vĩ đại. Cuộc tranh tài được chờ đợi giữa 2 huyền thoại chạy bộ đã không diễn ra như mong đợi khi không có cái chết của con thiên nga nào trên cung đường dốc kỷ lục trong lịch sử các kỳ Thế vận hội. Thứ người hâm mộ thấy chỉ là những đốm lửa tàn dần trên sân khấu thể thao lớn nhất.
Kenenisa Bekele về thứ 39 với thời gian 2:12:24, chậm hơn nhà vô địch Tamirat Tola gần 6 phút. Đấy không phải là điều chân chạy 42 tuổi này mong đợi ở lần đầu tiên tham dự nội dung marathon Olympic. Về đích trong top 10 và cạnh tranh được với nhóm dẫn đầu mới là điều anh muốn. Nhưng ở mốc 10km, anh cảm nhận được “gân ngỗng” (hamstring) căng cứng và từ đó bắt đầu cuộc chiến vật lộn với cơn đau và thể lực cạn kiệt.
Anh vui với nỗ lực hoàn thành chặng đường vì “Tôi không muốn bỏ cuộc” nhưng không phải để che giấu sự thật là anh thi đấu không tốt. Khi được hỏi: “Anh có tiếp tục chạy marathon nữa không?” thì Bekele nhìn thẳng vào mắt người hỏi và đáp ngay “tất nhiên”.
Đó không phải là một câu hỏi đi quá giới hạn với người đã giành 3 HCV Olympic và 5 HCV thế giới, vô số danh hiệu băng đồng thế giới cùng những lần vô địch các giải marathon Major. Với sự nghiệp lẫy lừng đó anh không cần phải chứng minh điều gì nữa cả.
Vẫn có những khoảnh khắc chứng minh tài năng thiên bẩm của Bekele trong thời gian gần đây. Ai cũng thấy được anh mở tốc độ và dẫn đầu giải London Marathon đầu năm nay rồi giành ngôi á quân. Không ai không vui mừng vì những khoảnh khắc như thế.
Anh đạt thành tích 2:04.15 và lập kỷ lục thế giới nhóm tuổi trên 40, và có lẽ anh cho rằng mình có thể tiếp tục viết lên lịch sử với các kỷ lục nhóm tuổi. Có thể anh chỉ chạy vì tình yêu với marathon. Hoặc có thể anh chưa muốn dừng lại dù thừa nhận rằng cực khó để theo kịp những chân chạy trẻ tuổi khác.
Trước Thế vận hội Paris, người ta hy vọng nhiều vào trận so tài cuối cùng hấp dẫn giữa Bekele và Eliud Kipchoge. Paris là nơi chân chạy người Kenya lần đầu bước ra ánh sáng ở sân khấu quốc tế, vượt qua Hicham El Guerrouj và Bekele ở cự ly 5000m để giành HCV giải VĐTG năm 2003. Viễn cảnh về khoảnh khắc vinh quang tái hiện – cơ hội cho Kipchoge giành HCV Thế vận hội lần thứ 3 liên tục – thật sự khó cưỡng với bất kỳ ai.
Nhưng những fan hâm mộ mơ mộng đã thất vọng. Kipchoge rõ ràng có vấn đề về sức khỏe, tụt lại so với nhóm dẫn đầu rồi hoàn toàn tuột mất cơ hội đó. Cảnh quay trên truyền hình cho thấy anh chuyển dần sang đi bộ, chờ cho chân chạy cuối cùng vượt qua mình ở mốc 31km trở thành những tiếng thở dài đầy nuối tiếc.
2024 là năm khó khăn với Kipchope. Anh bị ảnh hưởng không nhỏ từ cái chết của người kế nhiệm kiêm kỷ lục gia Kelvin Kiptum, kèm theo là những lời đe dọa đến canh và gia đình. Rõ ràng thể trạng của anh cũng đi xuống: nửa sau giải Tokyo Marathon cho thấy anh chạy một cách rất lấy lệ.
Ở Olympic Paris 2024, cơn đau lưng khiến Kipchoge phải dừng lại, bao nhiêu kế hoạch và tính toán tỉ mỉ thành công dã tràng.
“Cũng như khi thi đấu boxing. Bạn tập luyện chăm chỉ suốt 5 tháng và bị knock out trong 2 giây. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn”, anh chia sẻ. “Đây là giải marathon tệ nhất của tôi. Tôi chưa bao giờ DNF. Như một tay đấm bốc chưa bao giờ bị hạ gục, tôi đã chiến thắng, đã về thứ 2, thứ 8 và thứ 10 – giờ thì tôi DNF. Đời là thế mà”
Kipchoge cũng được hỏi về tương lai và anh vẫn trả lời đầy triết lý: “Tôi không muốn bàn về những gì xảy ra trong tương lai. Tôi muốn thay đổi, nếu không thể, tôi sẽ làm việc khác. Tôi không biết tương lai của mình thế nào. Tôi sẽ suy nghĩ về điều đó trong ba tháng tới. Tôi vẫn muốn thử sức ở một vài giải marathon nữa”.
Liệu anh có phấn đấu chạy thêm một kỳ Olympic nữa ở Los Angeles 2028? Kipchoge cho rằng: “Các bạn sẽ thấy tôi một cách khác, có thể là truyền cảm hứng cho mọi người, chỉ là tôi không chạy ở Olympic nữa. Tôi không biết điều gì tiếp theo với mình. Tôi cần về [nhà], tính toán lại 21 năm chạy bộ đỉnh cao. Tôi cần phát triển mình và làm gì đó khác đi”.
Với một người đã cống hiến rất nhiều cho cự ly chạy bộ kinh điển này, người từng khiến cả thế giới chú ý đến nghệ thuật chạy marathon thì kết cục ở Paris chắc chắn không phải là cách phù hợp để từ giã đường chạy.
Nhưng có lẽ đành vậy. Ai từng chạy marathon đều hiểu rằng quy tắc đầu tiên là tôn trọng cự ly này vì quãng đường 42,195km như một con quái thú khó lường, sẵn sàng cắn trả bạn cứ lúc nào, đặc biệt là ở cung đường thách thức như năm nay. Đó cũng là một phần làm nên nét quyến rũ của marathon.
Điệu luân vũ ở Paris thành dang dở. Hai vị thần chạy bộ đã xuống phàm trần. Cuộc đua của họ không hoàn thành và có lẽ không còn như hình dung trước đó kể từ khoảnh khắc họ chật vật với những cơn đau, nhưng đó là hiện thân khắc nghiệt của marathon. Và dang dở thì vẫn có vẻ đẹp riêng.
(VnRun tổng hợp)