Hành trình đến với World Marathon Majors của một tù nhân chung thân
Dù ở trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất thì mỗi người vẫn có thể phát triển bản thân, và chạy bộ, cho dù xung quanh hồ hay sân nhà tù, có sức mạnh để thay đổi cuộc sống. Hai mươi năm trước, Rahsaan Thomas nhận án tù chung thân nhưng nhờ chạy bộ, anh đã thay đổi rất nhiều, và trở thành người mang lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
oOo
Rahsaan “New York” Thomas lớn lên ở Brownsville, một khu vực có diện tích một dặm vuông thuộc phía đông Brooklyn, nằm giữa Crown Heights và East New York. Khi còn bé, anh luôn bỏ ra hàng giờ trên chiếc máy tính Commodore 64 để mã hóa các trò chơi riêng. Anh thích trượt patin trong sân và vào cuối tuần lại cùng bạn bè chơi khúc côn cầu ở đó, lấy cành cây làm gậy và lon soda bóp bẹp làm bóng.
Rahsaan được mẹ, bà Jacqueline, nuôi lớn và không bao giờ thực sự biết về người cha mang tên Carlos – người đã ở tù trong phần lớn thời thơ ấu của Rahsaan. Anh mô tả gia đình mình là “hộ nghèo trong tầng lớp thượng lưu”. Họ có điều kiện hơn rất nhiều gia đình, nhưng không đủ để ở cách xa các loại thuốc phiện và bạo lực.
Một vài sang chấn tuy nhỏ, nhưng tích tụ lâu ngày và có những việc tuy xảy ra đơn lẻ nhưng có ý nghĩa đến mức định hình cuộc đời của một người. Rahsaan vẫn nhớ lời kể của bà rằng cha anh đã được tìm thấy đã chết trong một con hẻm trong tình trạng cổ họng bị cắt, ví bị mất. Rahsaan lúc đó 12 tuổi, và anh hiểu điều đó có nghĩa là cha anh đã bị sát hại vì số tiền mặt mang theo. Giờ anh không bao giờ về nhà.
Lần đầu tiên Rahsaan cầm một khẩu súng là để trả thù cho cậu em trai tên Aikeem, lúc đó 14 tuổi, đã bị một anh chàng ở gần nhà bắn vào chân trong lúc trấn lột hai anh em Rahsaan. Vài tháng sau, Rahsaan nhìn thấy người bắn em mình trên đường phố, anh chạy đến căn hộ của một kẻ buôn bán ma túy mình quen biết để mượn một khẩu súng. Rahsaan, sắp 18 tuổi, quay lại bắn ba phát vào anh chàng kia. Anh bị bắt và đưa đến Đảo Rikers rồi được thả ra sau ba ngày: anh chàng mà anh bắn đang bị truy nã vì nhiều tội và từ chối làm chứng chống lại Rahsaan.
Ban ngày, Rahsaan đã cố gắng sống một cách bình thường. Anh tốt nghiệp trung học năm 1988 và làm nhân viên đặt vé cho Pan Am Airways. Nhưng rồi anh mất việc sau khi chuyến bay 103 bị đánh bom khủng bố ở Scotland vào tháng 12 khiến công ty phải co lại. Rahsaan tìm được công việc mới tại công ty luật Debevoise & Plimpton ở Midtown Manhattan.
Rahsaan mang theo một khẩu súng đi làm vì chuẩn bị sẵn cho điều tồi tệ nhất xảy ra khi quay về Brownsville vào ban đêm. “Nếu liên tục bị sang chấn, thì bạn cũng liên tục cảm thấy không an toàn, thật khó để giữ cho tâm trí yên bình và trở thành một người tốt. Ý tôi là, bạn phải phi thường”, anh chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp trung học, vài người bạn của Rahsaan đến học ở trường đại học Old Westbury với khuôn viên xanh mướt trên Long Island. Thỉnh thoảng anh đến thăm họ, và trong một bữa tiệc Halloween, anh mâu thuẫn với một số người khác và nổ súng. Rahsaan bị đưa vào nhà tù của hạt để chờ xét xử trong năm tới, một năm tại nhà tù Cayuga ở ngoại ô New York, và 22 tháng quản thúc nữa. Anh kiếm được việc làm tại Nhà hát Astor Place, nhưng tiền lương không đủ để nuôi hai đứa con anh có không lâu sau khi rời Cayuga.
Anh bắt đầu bán ma túy cò con vào khoảng năm 1994, khi 24 tuổi. Khi 27 tuổi, anh sống bằng nghề này nhưng thực tâm không muốn trở thành một kẻ buôn bán ma túy. “Tôi cảm thấy tuyệt vọng”, anh kể lại. Rahsaan học cắt tóc ở Cayuga, và anh hy vọng sẽ tiết kiệm đủ tiền để mở một tiệm hớt tóc.
Anh không bao giờ có cơ hội đó. Mùa hè năm 1999, mọi thứ ở New York trở nên quá khó khăn nên Rahsaan dạt sang California. Lần đầu tiên sau 28 năm, Rahsaan Thomas “chạy”.
oOo
Rahsaan lái xe về phía tây với tham vọng đột tiến quân vào ngành âm nhạc. Anh muốn trở thành một người quản lý, có thể bắt đầu nhãn hiệu của riêng mình. Trước tiên, anh đến Big Bear – một thị trấn nhỏ nằm sâu ở dãy núi San Bernardino – cách Los Angeles 100 dặm về phía đông, để đấu quyền anh với người bạn tên Shannon Briggs đã hai lần vô địch hạng nặng của tổ chức Quyền anh thế giới.
Briggs chạy ba dặm mỗi ngày để rèn thể lực. Tuyến đường của anh khá đơn giản dọc theo một con đường mòn trong rừng, và vào một trong những ngày đầu tiên ở đây, Rahsaan quyết định tham gia. Rahsaan không tập luyện các động tác như chống đẩy kể từ khi ra tù, nhưng anh muốn bắt nhịp được với bạn mình. Briggs và người tập cùng chạy theo tốc độ bình thường; trong vài phút, họ đã khuất bóng và khi họ quay lại thì Rahsaan còn chưa chạy được nửa dặm.
Rahsaan không bao giờ thích cảm giác kém hơn về thể chất. Vì vậy, trở lại La Jolla, anh bắt đầu chạy vài lần một tuần, đi đến phòng gym, đến bất cứ chỗ nào có thể. Chẳng bao lâu, anh chạy được năm dặm; nhưng quan trọng hơn: lần tới chạy cùng Briggs, anh có thể theo kịp. Sau đó, anh nói, “Chạy bộ chỉ trở thành một phần của tôi”.
oOo
Trong nhiều năm, Rahsaan cứ lấn cấn trách nhiệm về vụ giết người đã đưa anh vào tù. Những người khác cũng có súng, nếu anh không bắn họ, họ đã bắn anh ta. Đó là tự vệ.
Lúc đó, anh không có lý do để nghĩ khác. Đó là tháng 4 năm 2000. Một người bạn thu xếp bán “cỏ” trị giá 50.000 đô la, và Rahsaan đã đi cùng để hỗ trợ. Họ gặp nhau trong bãi đậu xe của một trung tâm thương mại ở Los Angeles, giữa ban ngày ban mặt. Người mua mang súng thay vì tiền mặt, mọi thứ chệch hướng, và, trong một tích tắc bốc đồng, Rahsaan đã sử dụng khẩu 9mm mang theo để tự vệ, giết một người đàn ông và một người khác rơi vào tình trạng nguy kịch. Anh 29 tuổi và mới ở California tám tháng.
Sau khi chờ xét xử trong ba năm ở các nhà tù quận Los Angeles, Rahsaan bị kết án 55 năm. Anh trải qua 10 năm tiếp theo trong các cơ sở giam giữ nghiêm ngặt nhất, phần lớn tại nhà tù Calipatria, cách biên giới Mexico 30 dặm. Khi đến San Quentin, anh đã 42 tuổi.
oOo
Đó là vào cuối mùa thu năm 2017, Claire Gelbart bắt đầu công việc tình nguyện với Hiệp hội báo chí San Quentin – một sáng kiến để dạy cho người bị giam giữ các nguyên tắc cơ bản của kỹ thuật phỏng vấn và viết tin tức.
Rahsaan đang ở trong phòng tin tức viết bài cho The San Quentin News – anh là cây viết của tờ này. Gelbart và Rahsaan bắt đầu trò chuyện, và trong vài phút cả hai đã gắn kết qua chủ đề chạy bộ. Họ nói về giải marathon San Quentin – Rahsaan tự hào xếp thứ 13/13 với thành tích 6:12:23 – còn Gelbart có kế hoạch chạy giải bán marathon đầu tiên vào mùa xuân năm đó.
Trong các chuyến thăm hàng tuần trong năm sau đó, Gelbart và Rahsaan đã nói về gia đình, về hy vọng cho tương lai. Gelbart vừa tốt nghiệp Đại học Tufts với ước mơ trở thành một nhà văn. Rahsaan đang nỗ lực để có bằng đại học, viết cho nhiều cơ quan như Dự án Marshall và Vice, tìm hiểu về podcast và làm phim tài liệu. Năm 2019, khi được mời làm việc ở New York, Gelbart nói với Rahsaan rằng cô cảm thấy đau lòng vì sẽ rời đi – họ đã trở thành bạn thân. Cả hai thống nhất rằng nếu Rahsaan ra khỏi tù, họ sẽ cùng nhau tham gia giải New York City Marathon.
Khi Rahsaan bị kết án, anh vẫn có hy vọng kháng cáo thành công. Nhưng khi kháng cáo bị từ chối vào năm 2011, anh nhận ra mình không bao giờ được về nhà. Ngày tha bổng được ấn định vào năm 2085.
Mùa thu năm 2018, Thống đốc Brown chấp thuận giảm án cho Rahsaan nhưng người kế nhiệm Gavin Newsom sẽ tiếp tục vụ việc. Và cho đến khi ngày trả tự do được xác định, không có gì là đảm bảo.
Trở lại San Quentin, Rahsaan bận rộn hơn bao giờ hết. Anh đang thực hiện bộ phim thứ tư mang tên “Friendly Sign” – một bộ phim tài liệu được Dự án Marshall và Viện Sundance tài trợ. Anh cũng mới được bổ nhiệm làm chủ tịch khu vực San Quentin của Hiệp hội các nhà báo chuyên nghiệp và trở thành đồng sản xuất kiêm đồng chủ trì của Ear Hustle – một podcast nổi tiếng về cuộc sống ở San Quentin (chương trình này lọt vào vào chung kết giải thưởng Pulitzer năm 2020). Anh cũng đang phác thảo các kế hoạch cho một tổ chức phi lợi nhuận Empowerment Avenue nhằm kết nối các cây viết và nghệ sĩ bị giam giữ khác với thế giới bên ngoài, đồng thời vận động cho bồi thường công bằng. Và sau 5 năm, anh chỉ cần xong nốt bộ môn lịch sử là lấy được tấm bằng liên kết từ trường Mount Tamalpais College.
Tháng 1 năm 2020, Rahsaan bắt đầu học kỳ cuối cùng, háo hức chờ ngày tốt nghiệp vào tháng 6. Nhưng rồi Covid-19 ập đến. Tất cả các lớp học bị hủy bỏ. Câu lạc bộ 1.000 dặm cũng dừng các bài tập luyện và các giải, 70 thành viên phân tán khắp nhà tù, không chắc chắn khi nào hoặc họ có thể gặp nhau một lần nữa hay không.
Lần đầu tiên kể từ khi đến San Quentin, Rahsaan cảm thấy ngột ngạt trong căn phòng giam nhỏ xíu 4. Tất cả những gì anh có thể làm là đọc và viết, một mình. Các nhà báo bên ngoài không thể vào nhà tù trong đại dịch, nhưng các ấn phẩm rất khát những câu chuyện Covid trong nhà tù. Rahsaan nhìn thấy cơ hội. Từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 2 năm 2023, anh đã xuất bản 42 bài báo và kiếm được 30.000 đô la.
Tháng 2 năm 2023; cần 23 năm sau khi chịu án chung thân, Rahsaan Thomas được thả. Anh chuyển đến một ngôi nhà chuyển tiếp ở Oakland và bất chấp tất cả sự phấn khích và hỗn loạn, Rahsaan không bao giờ quên hiệp ước với Claire Gelbart. Anh tìm thấy cô ấy trên Facebook và gửi một tin nhắn hai dòng đơn giản: Bắt đầu tập luyện. Chúng ta sẽ dự một giải marathon.
oOo
Người chạy nhanh nhất trong lịch sử Câu lạc bộ 1.000 dặm là Markelle “The Gazelle” Taylor – được tạm tha năm 2019 và đạt thành tích 2:52 ở giải Boston Marathon 2022. Rahsaan là người chậm nhất. Anh thường về đích cuối cùng nhưng thích ở ngoài sân với những chân chạy khác. Điều đó mang lại cho anh cảm giác thân thuộc, và không chỉ với Câu lạc bộ 1.000 dặm, mà còn cho cộng đồng chạy bộ.
Giống như mọi thành viên CLB 1.000 dặm được rời San Quentin, Rahsaan có một tuyến đường để chinh phục. Ngày 7 tháng 5, anh gặp một số chân chạy khác từ câu lạc bộ và một vài huấn luyện viên tình nguyện ở Mill Valley. Sau một thập kỷ chỉ biết nhìn chằm chằm vào đỉnh Mount Tam từ sân khi hoàn thành từng vòng chạy 400 mét khác, Rahsaan cuối cùng đã được chạy vượt ngọn núi để đến Thái Bình Dương.
Một trong những huấn luyện viên, Jim Maloney, chạy cùng Rahsaan để hướng dẫn và giúp đỡ nếu anh trượt hoặc ngã. Markelle Taylor cũng đến, nhưng hẹn gặp nhau ở Bãi biển Stinson. Markelle hiểu được con đường mòn nguy hiểm như thế nào, và thề sẽ không bao giờ chạy nó nữa.
Rahsaan hiện ghi lại hầu hết quãng đường chạy trên máy do anh gặp vấn đề về đầu gối, nhưng đôi khi anh mạo hiểm thực hiện vòng lặp hơn 5km quanh Hồ Merritt – một đầm phá ở trung tâm Oakland. Anh quyết định coi giải New York City Marathon như một cơ hội gây quỹ cho Empowerment Ave, và nhận quyên góp cho đến khi anh vượt qua vạch đích ở Công viên Trung tâm. Gelbart soạn kế hoạch tập và cho anh một đôi giày mới.
Tháng 6, Gelbart đến Bay Area thăm gia đình và gặp Rahsaan để chạy 10km quanh hồ Merritt. Họ nói về công việc, các mối quan hệ, và tất nhiên New York City Marathon. Rahsaan thất vọng khi biết rằng mình có lẽ sẽ không phải là người về đích cuối cùng vì như thế sẽ có thêm thời gian cho mọi người quyên góp cho Empowerment Ave.
Ngày 5 tháng 11, Gelbart và Rahsaan lên đường đến Staten Island. Trong lúc chờ đợi ở chân cầu Verrazzano, Gelbart đã thu âm Rahsaan hát bài “New York, New York” của Frank Sinatra để đăng lên Instagram và chú thích là “trở lại nơi anh ấy thuộc về”. Họ ghi lại phần lớn quãng đường chạy khi băng qua Brooklyn, Queens, Manhattan và The Bronx, làm quen bạn bè dọc đường chạy, tận hưởng một cây kẹo mút trên cầu Queensboro, giảm pace từ 11:45 mỗi dặm xuống 16:30 cho những km cuối cùng. Rahsaan kết thúc sau 6:26:21, xếp hạng 48.221/51.290 runner. Hơn nữa, anh nhận được hơn 15.000 đô la tiền quyên góp để trao quyền cho Empowerment Ave, đủ để bắt đầu một chương trình viết bài một nhà tù dành cho phụ nữ ở Texas.
Mỗi người chạy có một câu chuyện. Mỗi người chạy tìm một lý do để tiếp tục. Tại Calipatria, Rahsaan thích đùa rằng anh chạy vì nếu một trận động đất xuất hiện và làm đổ các bức tường nhà tù thì anh cần khỏe mạnh để có thể chạy trốn đến Mexico. Ở San Quentin, anh chạy cho cộng đồng. Hiện giờ anh có một lý do mới. “Tôi nghe nói rằng chạy bộ giúp kéo dài cuộc sống của bạn thêm 10 năm. Mà tôi đã bỏ đi 22 năm”, anh tâm sự. Bây giờ anh ra tù, động lực chạy bộ chưa bao giờ cao như thế vì anh còn rất nhiều việc phải làm.
(VnRun dịch từ RW)