Khát vọng từ Mount Elgon

Khát vọng từ Mount Elgon

Dưới sự dẫn dắt của bộ đôi giữ kỷ lục thế giới, các chân chạy từ Mount Elgon của Uganda đang nuôi khát vọng thách thức ngôi thống trị chạy dài của Kenya và Ethiopia vốn kéo dài nhiều thập kỷ qua.

Còn 1,6 km (1 dặm) nữa là kết thúc cự ly của Giải vô địch việt dã thế giới năm 2017, trong đầu Joshua Cheptegei chỉ canh cánh một điều: giành HCV cho đất nước khi giải tổ chức trên sân nhà.

Đó là một buổi chiều dịu mát ở thủ đô Kampala của Uganda, và dù đối đầu với những vận động viên dày dạn kinh nghiệm hơn nhiều, Cheptegei vẫn đang tiến sát mục tiêu. Sau nửa chặng đua của sự kiện diễn ra hai năm một lần, các vận động viên chạy dài hàng đầu thế giới tranh tài trên quãng đường 10km đầy cỏ, bùn và thỉnh thoảng có rào cản, anh vượt lên bằng một cú bứt tốc thanh lịch đến mức trông như thể đang bay trên không.

Hai giờ trước đó, người đồng hương Jacob Kiplimo đã giương cao lá cao quốc kỳ màu đỏ và đen có hình con sếu vàng và xám sau khi vô địch nhóm tuổi dưới 20. Đám đông cuồng nhiệt, có cả tổng thống Yoweri Museveni, mong đợi Cheptegei cũng làm được điều tương tự.

Giờ đây, anh đang cố gắng hết sức, quyết tâm chứng minh rằng Uganda, vốn bị lãng quên từ lâu trong giới chạy dài, có thể cạnh tranh với các cường quốc của môn thể thao này là Kenya và Ethiopia. Nhưng đời không như là mơ: Trong nửa dặm cuối cùng, khi cơ thể rơi vào tình trạng mất nước, Cheptegei tắt ngóm động cơ. Anh chạy chậm lại một cách đau đớn, về đích thứ 30 trong số 136 người hoàn thành cuộc đua.

Chiến thắng sát gần của Cheptegei dù sao cũng chứng tỏ là khúc dạo đầu cho thời kỳ phục hưng môn chạy bộ của người Uganda bắt đầu. Hai năm sau, anh vô địch Giải việt dã thế giới 2019 tại Đan Mạch. Uganda giành luôn chức vô địch đồng đội.

Kể từ đó, Cheptegei đảm bảo được vị trí trong danh sách những vận động viên chạy dài xuất sắc nhất bằng tấm huy chương vàng Olympic và 3 danh hiệu vô địch thế giới 10000m (mới nhất là chức vô địch giành được tại Budapest và là chức vô địch chia tay của anh) cũng như kỷ lục thế giới ở cự ly 5.000 và 10.000m. Kiplimo – người đã truất ngôi vô địch việt dã thế giới của Cheptegei vào tháng 2 – hiện đang giữ kỷ lục thế giới bán marathon. Năm 2019, Halimah Nakaayi giành chức vô địch Thế giới ở nội dung 800m và năm 2021, Peruth Chemutai giành HCV Olympic ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật.

Trong và xung quanh Kapchorwa (một thị trấn nhỏ ở chân núi Elgon – một ngọn núi lửa đã tắt cao hơn 4.000m nằm ở biên giới Kenya), hàng trăm thanh niên đang sải bước trên đường với ước mơ về vinh quang trong tương lai. Mặc dù số lượng nhân tài của Uganda vẫn kém Kenya và Ethiopia, nhưng mức độ gia tăng là rất đáng chú ý.

Mỗi năm, với tư cách là một quốc gia, chúng tôi ngày càng trở nên tốt hơn,” Cheptegei phân tích. “Khu vực Mount Elgon luôn là ngôi nhà của những tài năng chạy bộ và chúng tôi chỉ mới bắt đầu biến điều đó thành hiện thực”.

Theo nhiều cách, đà thăng tiến của Uganda là kết quả tự nhiên phái sinh từ thành công lâu dài ở Kenya. Kể từ năm 1964, Kenya giành được 105 huy chương Olympic trong các nội dung chạy từ 400m đến marathon và cũng đã sản sinh ra 6/10 chân chạy marathon nam nhanh nhất trong lịch sử và 5/10 chân chạy nữ nhanh nhất.

Hầu hết họ là người Kalenjin – một cộng đồng gồm 9 bộ lạc có quan hệ gần gũi vì cùng là hậu duệ của dân du mục từ Thung lũng sông Nile di cư về phía nam trong vài nghìn năm qua. Phần lớn trong số bảy triệu người Kalenjin ngày nay sống ở cao nguyên phía Tây của Kenya với độ cao từ 1800-2700m, nhờ thế cơ thể họ phát triển nhiều tế bào hồng cầu mang oxy hơn và dung tích phổi lớn hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người Kalenjin thường có ống quyển đặc biệt mỏng và tỷ lệ chiều dài chân – thân mình rất cao nên đạt hiệu suất chạy tốt hơn hoặc khả năng sử dụng oxy hiệu quả hơn.

Ở Uganda cũng có người Kalenjin, nếu không phải vì nhân tố lịch sử thuộc địa thì có lẽ còn đông hơn: Biên giới ban đầu của Vùng bảo hộ Uganda thuộc Anh được xác định vào năm 1894, bao trùm phần lớn lãnh thổ của người Kalenjin mà hiện là một phần của Kenya. Những điều chỉnh về ranh giới vào năm 1902 xuất phát từ mong muốn thống nhất quản lý tuyến đường sắt từ vùng duyên hải nhưng vô tình mở đường cho những thành công chạy bộ rực rỡ trong tương lai của Kenya. Tuy nhiên, ranh giới mới chạy qua đỉnh Elgon và chia đôi một bộ lạc Kalenjin mang tên Sabao. Hậu duệ của những người thuộc phía Uganda, với số lượng khoảng 300.000 người, sống chủ yếu ở ba quận thuộc sườn phía tây Elgon – một khu vực có vẻ đẹp tự nhiên nổi bật với thác nước, khung cảnh bao la và rừng trên núi cao.

Chính tại đây, chạy bộ của người Uganda nảy nở, mặc dù tài năng của khu vực cần thời gian để phát triển. Trong khi Kenya tương đối ổn định trong những thập kỷ sau khi giành được độc lập vào năm 1963, thì Uganda chìm trong chiến tranh gần như suốt thập niên 1970 và 1980. Luật rừng thống trị vùng Mount Elgon cho đến đầu thế kỷ 21: Băng đảng từ các bộ lạc lân cận sẽ tràn tới vào ban đêm để cướp bóc gia súc, thường giết chết người dân địa phương trong lúc hành động.

Khu vực này hiện đại hóa khá chậm. Cho đến những năm 1990, tổ tiên của nhiều vận động viên hiện tại như Cheptegei, Kiplimo và Chemutai, vẫn sống trong các khu rừng ở vành đai trên của Elgon – họ là một phần trong một nhóm nhỏ thuộc bộ lạc Sabaot sống nhờ sữa, mật ong, thịt linh dương và trâu rừng săn được. Ở đây, ở độ cao gần 3000m, không có đường sá, trường học và không có yếu tố nào của hệ thống các môn điền kinh đầy cạnh tranh. Nhưng theo Moses Kiptala – bậc trưởng lão của cộng đồng này – giá trị rất lớn thu được là sức bền: Phương pháp săn bắt nhất quán của cộng đồng là đuổi theo động vật trong nhiều giờ cho đến khi chúng kiệt sức.

Kiplimo xuất thân từ một gia đình chạy bộ và dự định kế hoạch thi đấu cự ly 5.000 và 10.000m ở Budapest trước khi phải ngồi ngoài vì chấn thương gân khoeo, là một người đặc biệt nổi tiếng. Kiptala cho biết ông nội của Kiplimo là một thợ săn cừ khôi đến nỗi cộng đồng gọi ông là Simba (có nghĩa là Sư tử).

Nhiều thứ đã thay đổi vào thời điểm các ngôi sao ngày nay ra đời: Năm 1983, chính phủ Uganda bắt đầu tái quá trình định cư nhóm người (được gọi là Mosopisiek) xuống dưới chân núi để mở đường cho vườn quốc gia. Hầu hết hiện nay là các nông hộ nhỏ. Kiptala cho biết, quá trình tái định cư rất vất vả nhưng cũng khơi nguồn các tài năng chạy bộ. Thông qua trường học, trẻ em có thể tham gia các cuộc thi và đến đầu những năm 2000, các chân chạy từ vùng Elgon bắt đầu góp mặt trong các trận chung kết Giải vô địch thế giới và Olympic.

Nhà vô địch đầu tiên của Uganda trong giai đoạn này là vận động viên điền kinh đến từ phía Bắc Dorcus Inzikuru: anh giành chiến thắng nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật tại Giải vô địch thế giới năm 2005 ở Helsinki (Phần Lan). Khoảnh khắc bước ngoặt của Elgon đến vào bảy năm sau đó, khi Stephen Kiprotich – người gốc Kapchorwa – giành chiến thắng đầy bất ngờ ở nội dung marathon Thế vận hội London 2012. Dây là tấm huy chương vàng Olympic đầu tiên của Uganda kể từ năm 1972. Và chỉ một năm sau, anh nhân đôi danh hiệu với chức vô địch thế giới marathon tại Moscow.

Trong số những người được truyền cảm hứng từ các màn trình diễn đó có thiếu niên Cheptegei, người cũng lớn lên ở Kapchorwa với ước mơ giành được vinh quang từ chạy bộ. Cha mẹ anh – những người khăng khăng muốn anh phải vào đại học – tỏ ra hoài nghi. Nhưng sự tiến bộ của anh, nổi bật là danh hiệu vô địch 10.000m giải điền kinh trẻ thế giới, ấn tượng đến mức ngay cả Tổng thống Museveni cũng thúc giục anh tập trung toàn thời gian cho điền kinh.

Giống như nhiều chân chạy tiền bối người Uganda, Cheptegei đến Kenya – nơi có nhiều chân chạy ngôi sao hơn để tập luyện cùng và được huấn luyện bài bản hơn. Năm 2016, với quyết tâm nâng cao danh tiếng của môn thể thao này tại quê nhà, anh đã thuyết phục công ty quản lý mình, Global Sports Communication có trụ sở tại Hà Lan, thành lập một nhóm chạy ưu tú ở Kapchorwa.

Bảy năm sau, Cheptegei không chỉ là một biểu tượng quốc gia mà còn là động lực phát triển tài năng. Cùng với huấn luyện viên Addy Ruiter, anh tập hợp được một đội gồm hai chục vận động viên ở cấp độ toàn cầu – những người sống cùng nhau trong một cơ sở mang tên Trung tâm Huấn luyện Joshua Cheptegei tọa lạc trên sườn núi phía trên thị trấn. Một trại huấn luyện dành cho các vận động viên trẻ sắp ra mắt ở quận lân cận Kween chỉ cách đó một quãng lái xe ngắn.

Các nhóm quản lý khác, kể cả Rosa & Associati có trụ sở tại Ý quản lý Kiplimo, cũng đã mở các trại huấn luyện ở khu vực này, thu hút nhân tài tụ về và thúc đẩy môi trường huấn luyện. Mặc dù Kapchorwa nằm ở độ cao thấp hơn một chút các trung tâm huấn luyện chính ở Kenya và Ethiopia, nhưng vị trí lưng chừng núi lại cho phép các bài tập linh hoạt hơn. Ruiter (một cựu vận động viên ba môn phối hợp 60 tuổi) đã rời bỏ công việc bàn giấy tại hãng IKEA để chuyển từ Hà Lan đến đây năm 2019, cho biết các vận động viên của ông được hưởng lợi từ những cữ chạy dài lên tới 3000m, cũng như các buổi tập nhanh hơn ở độ cao khoảng 1200m.

Mặc dù cơ cấu để tiếp tục thành công hiện hình thành nhưng Ruiter nhấn mạnh rằng quy mô nguồn nhân tài của Uganda sẽ không bao giờ sánh được với Kenya hay Ethiopia. Ông cũng mô tả Cheptegei và Kiplimo là “những tài năng cả một thế hệ mới có” và có thể phải mất một thời gian nữa Uganda mới chứng kiến một vận động viên khác đạt tầm cỡ như họ. Tuy nhiên, cuối cùng thì ông tin rằng sẽ xuất hiện nhiều nhà vô địch nữa từ Mount Elgon.

Vẫn còn các rào cản khác. Trong những năm gần đây, ưu thế chạy bộ của Kenya đã bị hủy hoại bởi bóng ma doping: Tính đến ngày 9 tháng 8, có 64 vận động viên Kenya không đủ điều kiện tham gia giải Vô địch Điền kinh Thế giới vì vi phạm liên quan đến chất cấm. Không có VĐV Uganda nào rơi vào trường hợp này, mặc dù đầu tháng 8, chân chạy 1500m Janat Chemusto đang tập luyện ở trại Cheptegei bị Ủy ban Liêm chính Điền kinh đình chỉ tạm thời. Trong một tuyên bố, Erik van Leeuwen của Global Sports Communication cho biết Chemusto sẽ làm rõ vụ việc nhưng không đưa ra bình luận gì thêm.

Đối với Cheptegei, sau danh hiệu 10.000m lần thứ 3 liên tục thì trọng tâm của anh là tháng 12 với màn ra mắt marathon ở Valencia – chính thành phố anh lập kỷ lục 10.000m vào năm 2020. Kiplimo cũng có kế hoạch sẽ chuyển sang thi đấu marathon vì kiếm được nhiều tiền hơn và các cơ hội phá kỷ lục mới đang chờ đón.

Cheptegei từng nói anh biết ơn hành trình mà mình và đất nước đã thực hiện cho đến nay – ngay cả những khi mọi thứ không suôn sẻ lắm.

Đó là một trong những sự cố giúp tôi bồi đắp tinh thần”, anh nói về cuộc đua năm 2017 ở Kampala. “Tôi có hai lựa chọn: để nó đánh gục tôi; hoặc gom các mảnh của mình lại và viết lên một câu chuyện đầy cảm hứng”.

(VnRun dịch từ New York Times)

vietnammarathon

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *