Chạy trong nước

Lần đầu DNF 100km

Chia sẻ của một runner tham gia cự ly 100 km tại Cúc Phương Jungle Paths vừa qua.

Hai năm rưỡi từ khi xỏ giày đến với môn chạy bộ, tôi tham gia gần 30 giải chạy với cự ly 42 km đến 160 km, chưa từng DNF dù có thể về rất muộn. Thế nhưng đành bỏ cuộc ở km 73 giải Cúc Phương Jungle Paths này, cách đích 23 km nữa và còn hẳn 9 tiếng thời gian mà không đủ!

Tham gia cự ly trail 70 km rồi lên 160 km, rồi nhiều 70 km khác nhưng tôi chưa tham gia 100 km lần nào. Lần này, giải Cúc Phương Jungle Trail mở thêm 100 km lần đầu tiên. Thường họ chỉ đến 70 km. Khi khảo sát thông tin, gain chỉ khoảng 3000 mét tưởng chừng easy hơn rất nhiều so với VMM (gain trên 4500 mét). Rất nhiều người nói giải khá dễ với dân chạy!

Cũng vì nghe lược đồ đường chạy dễ nên tuần trước tôi vẫn tham gia giải Tiền Phong Marathon 64 trên Lai châu. Cả nhóm hẹn nhau đi chạy từ 5 giờ chiều ở Hà nội, đi xe Võ Đại Phi, nhóm VUT mấy xe, hơn hai chục người các cự ly, nhưng 100 km cả chục người liền, ai cũng háo hức vì dễ. Người dự định 16 giờ, người cẩn trọng mục tiêu 18 giờ. Việt Dũng siêu chạy đặt mục tiêu 12 giờ.

Ăn tối ở Ninh Bình lúc 8 giờ kịp vào vườn Cúc Phương thay đồ, gửi đồ, khởi động để xuất phát lúc 22:00. Cự ly 70 và 100 khoảng 300 runners, 100 km có khoảng hơn tám chục người.

Trời mù sương, ẩm bão hoà quá mù ra mưa khá khó chịu. Xuất phát chục km đầu suôn sẻ, chạy đường bằng, đường nhựa và bê tông. Nhưng chạy nhanh, nhịp tim tăng cao vì thở toàn hơi nước vào phổi “anh phải chạy chậm hạ nhịp tim” một cậu ở trạm check point nhắc khi tôi vào trạm mặt tái mét.

CP 1 mất gần hai tiếng 11:49, thêm mấy km là tới trước khi lên dốc đồi. Đồi keo đang khai thác mùi vỏ cây thối thum thủm. Chỉ mấy km nữa sang CP2 sau các cung đường đồi rồi xuyên xóm làng nhưng không bị dốc lên, chủ yếu đi xuống mất hơn 50 phút. Mấy Checkpoint nghèo nàn chỉ có hai bình nước với chuối và dưa hấu. Lượng runner 100 ít nên vào trạm vài người khá buồn tẻ cho các bạn support. Trừ nhóm 5 người Vũ Tiến Việt Dũng, Sĩ Hiếu, cậu Pilipino… mấy runner nữ nhóm Lan Hương chạy nhanh như road, còn lại túc tắc.

Qua CP3, được gần 20 km, Hà Thu vượt qua, đang men theo bìa rừng rậm rạp thì đèn tự nhiên tắt ngấm không hiểu do nước mưa hay pin kém. Một cậu giọng miền nam dừng lại hỏi và soi giúp, hình như Tuấn, vẫn không bật được. Đành dùng điện thoại bật đèn chạy. Giữa rừng tối om, trail cỏ che kín, đèn điện thoại chỉ sáng vùng nhỏ đủ di chuyển chậm vì không bắt sáng được markers. Chạy chậm hơn nhóm nhanh, nhanh hơn nhóm chậm nên bị 1 mình giữa rừng. May, một lúc sau có cậu người Nhật đi qua có đèn sáng nên tôi bám theo.

Đường vẫn đi xuống dù hơn hai chục km, nhưng không chạy được vì lổn nhổn hố chân bò không vừa bước chân. Cậu người Nhật đ bộ nhanh nên tôi bám theo coi như pacer. Cách CP4 khoảng 1 km gặp lại Hà Thu bị chấn thương khi vẫn trên rừng keo. Cậu người Nhật phát hiện đèn dưới bụng của tôi là điện thoại nên moi cái dự phòng cho mượn. Cậu ta tên Masan, từ Sài gòn ra, hôm nay không chạy được nên đi bộ.

Sang CP5, vào trạm có hai bạn ngồi ngáp vặt, bừng tỉnh thấy có runner tới, đang đi bộ lững thững vào. Mưa phùn trong khu rừng bên dưới các cây cầu đường HCM, giáp Hoà bình. Lúc này trời sáng dần nên khi Masan tới, tôi trả đèn rồi cùng xuất phát. Đã được khoảng 45 km rồi, Masan có vẻ mệt nên tôi đi trước. Từ CP5 sang CP6 là 8 km, nhưng đường bằng ở ruộng đi qua các cột điện 500 kv. Thời tiết độ ẩm bão hoà nên cột điện kêu vo vo phóng điện, đi qua chân cột cảm giác tóc dựng ngược vì điện trường.

Đói, toàn ăn dưa hấu, không khí đặc nước nên khó thở, thở phì phò như con bò, nhịp tim cao mỗi khi chạy. Tới CP6 gần 7 giờ sáng, mới gần 20 runners qua đây. Chỉ có mỳ tôm để ăn. Cậu lái xe thường đưa bọn tôi đi chụp ảnh Tây Bắc hôm nay đưa đội support ở đây nhận ra tôi nên tới hỏi han. Không hàng quán nào quanh rừng để mua nước ngọt nên đành chịu. Ăn nửa cốc mỳ, không thay đồ, tôi xuất phát.

CP6 sang CP 7 khá xa với độ cao 400 mét. Xuyên rừng toàn dốc đá tai mèo sắc nhọn, không thể chạy với địa hình này. Nhích từng bước leo lên, 25 phút 1 km. Mưa rả rích, đá sắc trơn, rất dễ ngã và bị cắt. Dốc lên nhiều khúc, xuyên qua các khu rừng khác nhau của lõi Cúc phương. Những cây chò cao vút, những cây chuối rừng vươn theo trên chục mét. Lá rừng dày cùng cây rậm, vắt nhiều nhưng di chuyển liên tục nó chưa kịp bám vào.

Tưởng chỉ 8-9 km, đi hết dốc lên, xuống rừng nứa, qua khu vực có đường xây bậc cho khách du lịch tưởng ra đến trạm, ai dè đi mãi, 12 km, vắt trên lá búng vèo sang ngón tay bám chặt, ghê quá. Đang đi thì thấy cậu chụp ảnh. “Trạm 100 mét thôi, chạy đi anh.” Cậu ta nói, bảo chạy là diễn để chụp ảnh. Mệt có chạy được đâu.

Đến CP7 gần 10 giờ sáng, điền thêm nước và ăn dưa hấu tiếp vì đói. Nghĩ đã hết dốc nên ngồi nán lại, vắt tấn công thi nhau bám vào giày. Thì ra chỗ ngồi là mọi người gỡ vắt nên tua tủa dưới bùn. Sợ quá, tôi xuất phát. Trạm thông tin là Dũng, Hiếu đã về lại qua đây rồi. Chỗ này là đường lặp hai chiều, đi 8 km về 8 km. Đã được 65 km rồi. “Đoạn lên bậc đá không có marker, mọi người chú ý nhé. Đường rất nguy hiểm.” Cậu cruise nhắc. Chi Mai vừa tới nơi nên tôi đi cùng.

Bùn lép nhép, vắt nhiều nên không dám dừng. Dốc dựng đứng bậc xi măng như phía sau đền Gióng. Cậu vị trí thứ tư đã ra tới đây. Leo lên tưởng chỉ có vậy, rẽ vào núi là dốc đứng đá tai mèo sắc nhọn, xếp như sách sát nhau. Di chuyển từng bước leo lên, khi xuống còn khó hơn. 2 tiếng trôi qua đi gần 3 km. Không gặp bất cứ ai đi ra, nhất nữ là người nước ngoài chưa thấy. Đi được 4 km thì mấy người cùng Masan vượt lên, đồng thời cô nhất nữ đi ra. 1,5 tiếng sau, khi loay hoay bám đá tai mèo xuống dốc từng bước thì gặp Lan Hương, nhì nữ đi ra, sau khoảng 3 km. Lan Hương gặp Chi Mai thì liên miệng kêu: “Đứa nào làm route này, đứa nào làm route này…” nghe cứ như cô nàng đang tụng kinh vậy.

Đói, mệt mà di chuyển bằng tứ chi. Muối, BCAA, gel xài đủ. Chi Mai nói: “lần này em mang bao nhiêu tiền, mơ chai Coca mà chịu!” Giữa rừng già ai bán. Đang leo lên, Chi Mai la toáng, giật mình hốt hoảng tưởng con gì: “Ôi em quên, ba lô em có cái bánh chưng…” như được vào nhà hàng, hai anh em xơi tái cái bánh tươi hẳn luôn.

Mặt núi đá tai mèo lên rồi đu xuồng vực rất nguy hiểm, tuy nhiên khi sang mặt núi bên kia, đá không còn sắc nhưng trơn nhẵn như đá trong cửa hàng phong thuỷ, màu đá lục màu bộ đội vì rêu phong, sẵn sàng trơn tuột khi leo lên hay xuống. Không thấy thêm ai quay lại dù gần 30 người đã sang lượt đi. 1 giờ chiều, bắt đầu gặp người quay ra. “Đông lắm, ngồi dưới CP7.1 DNF” anh ta nói và thêm. “Còn 1 km là tới trạm”. Tôi mất 30 phút nữa cho 1 km. Lúc này Vy bám kịp Chi Mai. Vậy là Dũng đi và lộn lại ra từ rất sớm, trước nhóm tôi phải 5 tiếng, siêu chạy! Bên đá trơn này tôi ngã liên tục, Vy quay lại nói: “anh đói rồi, ăn túi hạt này, chân run không thăng bằng dễ ngã.” Đưa túi hạt rồi Vy bò tiếp.

Tới CP7.1, chân ngọn núi trơn trượt đá và sắc nhọn tai mèo dài 8 km, đi mất 3,5 tiếng. Đã được 73 km. Cần phải quay lại đường cũ, nếu đủ sức 3,5 tiếng nữa. Giờ là 13:30 chiều. 17:00 tới CP7, trong khi COT 15:00 tại đó. “Rất nguy hiểm và không kịp giờ.” Mọi người chia sẻ khi ngồi cả hàng DNF. Ban tổ chức đã nới thêm 2 giờ cho COT CP7 17:00 và tổng 24 giờ cả chặng, không ai dám đi tiếp. Võ Đại Phi về tới đây cũng đồng lòng DNF. Hơn 30 người yêu cầu xe đưa về, cách xuất phát 55 km vì đây là Hoà Bình.

Chỉ có 23 km nữa là hoàn thành, còn tận 9 tiếng mà không đủ vì đường đi quá thách thức và nguy hiểm, lên xe về nhẩm tính mới có 5 người qua 2 vòng CP7 và 2 nữ.

Xe chạy 1 tiếng đưa đoàn DNF về, chưa có ai về đích, kể cả Hiếu, Dũng. Lúc tắm rửa xong, gặp Dũng ra. “Em về 1 tiếng rồi, chơi đằng kia” nhìn quần áo te tua đá cắt rách, giày đá cắt toạc hai bên. Nhất là chân, bên trên tất, phải hơn 20 vết vắt cắn. “Vắt cực nhiều ở CP8 sang CP9, đá ở đây cũng sắc hơn nhiều”, Dũng kêu. Cậu ta về nhì hơn 16 tiếng 20 phút thua Sĩ Hiếu 1 tiếng.

Từ CP7 đi CP8 nhẹ nhàng 8 – 12 km, nhưng tiếp theo CP8 sang CP9 kinh khủng hơn nhiều đoạn CP7 sang CP7.1 tôi đã đi. Nhiều người đi tiếp chiều về rồi fail ở đây. Có hơn 80 người tham gia 100 km nhưng chỉ 8 người về đích đúng đường, một số phải đi short cut cho kịp. Gần 90% DNF.

Giải với gain không cao nhưng là con đường rừng rậm, Jungle Path không đơn giản là trail, đầy thách thức cho những ai muốn tham gia.

Đặng Vân Phúc

Bạn cũng có thể thích..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *