Những trăn trở để marathon Việt Nam “cất cánh”
Sau khi xem nội dung thi đấu marathon (42,195 km) ở SEA Games 32, anh Nhơn Trọng (runner phong trào khá đình đám) có cảm xúc đan xen: vừa hồi hộp và tự hào về các VĐV Việt Nam (Hoàng Nguyên Thanh, Trịnh Quốc Lượng, Lê Thị Tuyết, Nguyễn Thị Ninh) vừa thấy tiếc nuối. Những trăn trở đó được anh đúc kết thành những chia sẻ dưới đây, chỉ với mục tiêu được thấy trong tương lai, marathon Việt Nam sẽ cạnh tranh sòng phẳng hơn nữa với các bạn trong khu vực ở các kỳ SEA Games.
“Thứ nhất, không nên cho phép các VĐV đã nằm trong đội tuyển quốc gia tham gia thi đấu marathon chỉ 6 tuần trước một kỳ đại hội thể thao quan trọng như SEA Games. Chúng ta đều thấy Hoàng Nguyên Thanh phải dốc sức đến mức nào ở Lai Châu trước đối thủ cạnh tranh như Nguyễn Văn Lai. Từ kinh nghiệm của một người chạy việt dã, mình hiểu rõ chạy full marathon khắc nghiệt đến thế nào, sức khỏe người chạy bị bào mòn đế thế nào sau mỗi CUỘC ĐUA. Thế nên trong vòng chỉ 6 tuần sau đó mà phải vừa phục hồi, vừa tập luyện tiếp để đảm bảo các chỉ số, vừa nghỉ ngơi chuẩn bị cho ngày thi đấu SEA Games là điều không dễ dàng với ngay cả các chân chạy hàng tinh hoa của thế giới, với đầy đủ đội ngũ hỗ trợ đến tận răng, chứ nói gì đến các VĐV Việt Nam?!!!
Cảm nhận của một người chạy phong trào như mình, sau mỗi lần chạy giải FM là cơ thể rất yếu và mong manh, lúc nào cũng canh cánh nỗi lo nghỉ ngơi nhiều sẽ không kịp tập cho giải tới, mà quay lại tập sớm thì dễ chấn thương và cơ thể cũng không thể sung sức nhất nếu phải thi đấu một giải tiếp theo trong vòng 2 tháng sau đó. Với VĐV chuyên nghiệp thì dĩ nhiên khả năng phục hồi tốt hơn, chịu áp lực tốt hơn VĐV phong trào, nhưng đối thủ đặt lên bàn cân để so sánh thể trạng của họ là các VĐV chuyên nghiệp “đồng cân đồng lạng” khác.
Thực tiễn của NN Running team (quy tụ các VĐV marathon xuất sắc nhất thế giới hiện nay, trong đó có Eliud Kipchoge hay Kevin kiptum) cũng chỉ rõ rằng trung bình mỗi năm một VĐV chỉ nên tham dự khoảng 2 giải marathon thì mới mong thi đấu tốt nhất để phá kỷ lục cá nhân, và nên lưu ý rằng 2 giải đó thường diễn ra ở đầu năm và cuối năm. Với các VĐV Việt Nam, thứ chúng ta cần là điểm rơi phong độ ở những giải quan trọng như SEA Games (tất nhiên không cần phải có kỷ lục cá nhân nhưng những pha bứt tốc mạnh mẽ ở những thời điểm quyết định là điều cần hướng tới trong quá trình chuẩn bị). Thế nên thay vì chọn đội tuyển marathon qua các giải sát nút SEA Games như Tiền Phong Marathon thì rõ ràng có rất nhiều cách và nhiều giải khác để tuyển chọn hợp lý hơn.
Thứ hai, cần có chính sách sử dụng các tài năng một cách bền vững hơn. Hoàng Nguyên Thanh, Trịnh Quốc Lượng, Lê Thị Tuyết, Nguyễn Thị Ninh… mới trên dưới 20 tuổi, đang hoặc sắp ở độ chín, không nên coi họ là lực lượng nòng cốt để cạnh tranh thứ hạng giữa các tỉnh, thành trong các giải Vô địch Quốc gia như: Tiền Phong Marathon, Vô địch leo núi Quốc gia, Đại hội TDTT toàn quốc… Các em cần được quy hoạch theo hướng là thành viên đội tuyển quốc gia, chỉ tập luyện đảm bảo các chỉ số và làm nhiệm vụ quốc gia. Nhiệm vụ tranh huy chương của các tỉnh, thành hãy trao cơ hội cho lớp năng khiếu kế cận, tạo thêm cơ hội thi đấu cho các VĐV trẻ, để họ chín dần và tạo thành lực lượng nòng cốt mới trong tương lai.
Tất nhiên sẽ có câu hỏi đặt ra là: không thi đấu cho tỉnh, thành thường xuyên thì lấy đâu ra vị trí tốt cho địa phương, không có thứ hạng tốt thì lấy đâu ra đầu tư của địa phương, lấy gì để làm căn cứ trả lương – tăng lương- giảm lương? Câu hỏi này xét có thể được trả lời nếu chúng ta làm tốt vấn đề thứ ba.
Thứ ba, phải XÃ HỘI HÓA nếu muốn marathon Việt Nam tiến bộ hơn. Từ sau dịch Covid-19, phong trào chạy bộ ở Việt Nam xuất hiện những điểm sáng để làm nền tảng cho đà phát triển nhanh hơn: đó là sự ra đời của các TEAM ELITE được các DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN thành lập hoặc tài trợ. Có thể kể tới một vài cái tên tiêu biểu và chính thức truyền thông là một team như team Boidapchay, team Garmin, team adidas, team Lefruit sports, team T-Coaching,… Đặc biệt là dấu ấn của việc thành lập Liên đoàn Thể thao ba môn phối hợp (Vietnam Triathlon Federation) từ nguồn vốn xã hội hóa.
Với tiềm năng của marathon Việt Nam cùng phong trào chạy bộ ngày càng mở rộng thì chắc chắn rằng còn rất nhiều đơn vị khác sẽ thành lập team elite trong tương lai, chủ yếu từ các nhãn hiệu đồ thể thao (quần áo, giày dép, dinh dưỡng, dụng cụ thi đấu..), hoặc các đơn vị tổ chức sự kiện thể thao. Những người yêu chạy bộ Việt Nam mong chờ những điều tuyệt vời sẽ đến từ cách làm đổi mới của những đơn vị này. Đó là các nhân tố:
– Mức lương đủ sống,
– Huấn luyện khoa học,
– Hỗ trợ tập huấn và thi đấu ở nước ngoài,
– Đào tạo kiến thức, kỹ năng và công việc cho VĐV sau khi họ hết thi đấu đỉnh cao.
Sẽ thật tuyệt vời nếu các VĐV thi đấu SEA Games 32 được hỗ trợ như vậy trong cả một chặng đường dài chuẩn bị bởi chừng nào họ còn phải loay hoay trong vòng xoáy muôn thuở của cơm, áo, gạo, tiền thì sự tập trung cho việc tập luyện và thi đấu sẽ không bao giờ tuyệt đối.
Và chắc chắn là phong độ thi đấu của các VĐV marathon Việt Nam tại Đại hội thể thao khu vực chưa phải là ‘điểm rơi’ mà các bạn mong muốn”.
Nhơn Trọng Runners