Hoàn thành một giải chạy, nhất là ở nội dung marathon, không phải là việc dễ dàng với bất kỳ chân chạy nào. Để đi tới vạch đích, các runner đều phải dốc hết sức lực, đổ mồ hôi trên đường chạy, và thậm chí phải vượt qua nhiều chướng ngại tâm lý vốn luôn xui khiến người chạy bỏ cuộc. Còn khi về đích cuối cùng một giải chạy – một giải thuộc hệ thống World Majors – và lại với một người chưa chạy bộ thực sự bao giờ thì nỗ lực ấy còn gấp bội. Gian nan nhưng cũng đầy cảm hứng.
oOo
Lúc Bailey Quinn về tới vạch đích giải New York City Marathon là khoảng 8:15 tối, cô cho rằng cuộc đua của mình sẽ kết thúc như cách đã vượt qua khoảng gần 17km cuối cùng đã từng: một mình và kiệt sức. Cô dự định sẽ ăn màng với bạn trai và mẹ qua FaceTime. Nhưng ở những bước chạy cuối cùng, cô được một đám đông ầm ĩ chào đón: mọi người hét tên cô, ánh đèn, máy ảnh và cảm giác giống như một bữa tiệc chỉ dành cho cô.
“Ôi Chúa ơi, có người, rất nhiều người, có vạch đích, máy ảnh và video”, Quinn nhớ lại những gì mình nhận ra khi chạm vạch đích. “Đó có lẽ là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất với cảm giác như thể sự kiện này đã diễn ra cả ngày. Mọi người bắt đầu chạy lúc 7h30 sáng. Và vẫn còn có người ở đây vì tôi”.
Khoảnh khắc này được lan tỏa, cùng với việc Quinn đang mặc một chiếc váy xòe cầu vồng và nụ cười rạng rỡ, dễ gây thiện cảm. Trong một video được đăng trên Instagram của New York City Marathon, bài hát “Firework” của Katy Perry vang lên cùng Quinn giơ nắm đấm hét lên “Ồ, vâng!” Còn có thể làm gì ngoài cổ vũ cho cô.
Bất chấp niềm phấn khích ra mặt của Quinn trong video, vẫn có những bình luận chỉ trích thời gian về đích của cô và đặt câu hỏi về tính hợp lệ của việc cô có một suất tham gia giải. Mặc dù phong trào ủng hộ những người chạy chậm đang tăng và các giải chạy cần sự đa dạng tốc độ, nhưng những bình luận trên Instagram lại gây ra nỗi sợ hãi với những người chạy chậm hoặc những người mới tập chạy marathon rằng họ về đích muộn hoặc về cuối cùng.
Quinn hiểu những nỗi sợ đó nhưng không cho rằng bất cứ ai nên để điều đó ngăn cản họ trải qua những gì cô đã làm. Cô nói: “Đó là một nỗi sợ hãi rất, rất xác đáng, ‘Tôi không muốn là người cuối cùng, tôi không muốn trở thành người bị chỉ trích’. Nhưng khi bạn nhìn lại cuộc đời mình và những thành tựu của mình, liệu bạn có thực sự bận tâm vì mình đã về đích cuối cùng không? Hay bạn sẽ hào hứng hơn khi nói với bạn bè, gia đình, con cái rằng tôi đã làm điều này. Tôi đã làm điều đó với tư cách là chính tôi”.
oOo
New York City Marathon 2022 là cuộc đua đầu tiên của Quinn. Cô chưa chạy 5km, 10km hay bán marathon, thậm chí còn không coi mình là một người chạy bộ. Nhưng cô muốn thực hiện thử thách cá nhân để quyên tiền cho tổ chức từ thiện Team for Kids chuyên hỗ trợ chương trình dành cho thanh thiếu niên của New York Road Runners và để tận hưởng niềm vui.
Vào thời điểm đó, Quinn đang là sinh viên y khoa năm thứ tư. Ban đầu cô đặt ra vài mục tiêu về thời gian, nhưng chấn thương buộc cô phải đánh giá lại động lực để quyết định rằng mục tiêu là tự mình về đích.
Đó là khoảnh khắc tái định hình mà Quinn đã trải qua trước đây. Cô chơi nhiều môn thể thao tử nhỏ và coi việc học trường y như một nhiệm vụ để hoàn thành “lớp 21”. Cô xác định mình là một vận động viên các các môn cần sức bền vì thường đạp xe và bơi (và hiện thêm chạy bộ) cự ly dài. Nhưng năm 2014, cô nhận ra rằng để duy trì niềm yêu thích vận động, thi thố không còn là nhân tố quyết định mối quan hệ của cô với tập luyện. Đó là lúc cô quyết định đạp xe dọc đất nước.
“Có một thời điểm trong hành trình tìm kiếm sức khỏe, thể chất và thể thao của mình, tôi đã ngồi xuống và tự vấn rằng mình làm việc này vì ai?” Quinn kể. “Tôi có quan tâm đến việc tôi có nhanh không? Không. Tôi có lấn cấn gì nếu tôi đánh người khác không? Không. Điều tôi quan tâm là tôi đã có mặt vì chính tôi và tôi đã làm điều gì đó mà mình cho là xứng đáng”.
oOo
Tinh thần đó, những bông hoa giấy của khán giả và adrenaline thuần túy đã đưa Quinn vượt qua nửa đầu của giải chạy marathon. Cô mô tả thời điểm bắt đầu chạy qua Brooklyn là khoảng thời gian vui vẻ thuần khiết và cô thậm chí còn thấy chạy marathon không có gì khó khăn. Cho đến km thứ 19.
Đến giữa cuộc đua, thực tế của việc chạy ở nhóm cuối, số giờ phải dốc sức cùng hiện trạng ngày càng có ít người trên đường trở nên có tác động gay gắt hơn.
“Có những khoảnh khắc tôi nghĩ, ‘Ôi trời, mình thua xa những người khác. Làm thế nào mình vượt qua được điều này?’ Tôi biết mình sẽ là người chậm. Tôi biết mình sẽ vẫn tuân theo chiến lược riêng trong giải. Nhưng thật sự rất khó khăn”, Quinn nhớ lại.
Chìa khóa để vượt qua là thái độ, sự hỗ trợ và chuẩn bị. Quinn tự nhắc nhở rằng cô không quan tâm đến việc mình chạy sau tất cả; cô chỉ muốn về được đích. Bạn trai đã tiếp nước và đồ ăn nhẹ cho cô tại nhiều điểm trong suốt cung đường, đồng thời động viên cho cô. Cuối cuộc đua, khán giả còn lại dúi những lát cam vào tay cô. (Quinn hét lên “Tôi yêu bạn” để đáp lại.) Cô luôn mang theo điện giải và gel năng lượng.
“Một khía cạnh của việc trở thành người về đích cuối cùng là chuẩn bị sẵn sàng và nhận thức về tình huống. Trong đầu tôi biết rằng, tôi cần nhiều điện giải, nhiều tinh bột vì trên thực tế, sau khoảng 18-20km là tôi có thể sẽ chỉ chạy một mình mà không có đồ sơ cứu, không được nghỉ ngơi. Và tôi cần phải được an toàn về mặt thể chất nếu muốn hoàn thành cuộc đua này”, Quinn kể.
Hoàn thành mục tiêu không phải là điều hiển nhiên. Một chút hiểu sai trong lúc trao đổi thông tin với bạn trai nên cả hai lỡ mất lần gặp ở những km cuối, vì vậy cô càng thấy cô độc và chật vật. Ở km thứ 41, khi họ gặp lại nhau, cô nói rằng không biết mình có về đích được hay không vì đã quá mệt mỏi. Bạn trai tiếp thêm năng lượng và khuyến khích cô tiếp tục di chuyển. Một động lực nữa để chạy tiếp là selfie ở mỗi dặm đường – ngay cả khi các cột mốc ngăn đường đã được gỡ xuống – để tận hưởng từng khoảnh khắc đạt được thành tích và thúc đẩy cô cất bước tiếp theo. Chính Quinn thừa nhận: “Tôi thực sự thích ghi lại hành trình ngay cả khi hành trình đó đầy đau đớn”.
Cuối cùng, cô cũng về đến đích, bao nhiêu bất an, nghi ngờ và mệt mỏi mấy giờ trước đó đã tan biến. Quinn nói: “Không ai nhìn vào thời gian, không ai cho biết tôi đã hoàn thành với thông số nào. Ai cũng giống như, ‘Ôi Chúa ơi, bạn đã hoàn thành.’ Và tôi thì kiểu, ‘Ôi Chúa ơi, mình đã làm được rồi’.”
oOo
Lời khuyên của Quinn cho những người chạy bộ tay ngang:
Nếu bạn là một “người chạy chậm” hoặc một người mới tập chạy có dự định tham gia một giải marathon, và thấy sợ hãi trước việc về đích cuối cùng, chạy một mình, sợ cảm giác bị bỏ lại phía sau thì cũng bình thường. Quinn khuyên rằng bạn nên nhận thức được thực tế và lên kế hoạch để được hỗ trợ đầy đủ khi đối mặt với những nỗi sợ đó – cụ thể là dưới hình thức một hoặc nhiều người hỗ trợ trong suốt chặng đường. Biết rằng các ưu tiên (như đường chạy riêng) có thể không còn nữa và bạn có thể phải hoàn thành những km cuối cùng trên vỉa hè nếu về đích sau thời gian giới hạn chính thức.
Tuy nhiên, cũng có một số ưu điểm: Các mốc ngăn đường được dỡ bỏ vì vậy bạn thực sự có thể ăn mừng cùng bạn bè và gia đình khi về đích. Tại một số giải, các tổ chức hỗ trợ như Project Finish tại New York City Marathon sẽ tổ chức một bữa tiệc ở đích vào cuối ngày. Và Quinn gọi thái độ vui vẻ của những người về đích muộn và những người hỗ trợ họ là “không gì sánh bằng”.
Nhưng yếu tố quan trọng nhất quyết định liệu bạn muốn tham gia một giải chạy hay không chính là động lực. Bạn ở đó để làm gì? Mục tiêu của bạn là gì? Ngoài về đích đầu tiên hoặc về đích trong một thời gian nhất định, đối với bạn thì “chiến thắng” là như thế nào?
Quinn nói: “Không bao giờ là không có rủi ro khi đặt mình vào đó. Nhưng tôi thực sự thách thức những người thiếu tự tin để họ thử thách [chính mình] rằng Tôi có thể làm điều này thú vị đến mức nào? Tất cả là do chính bạn mà thôi. Học cách khiêu vũ dưới mưa, tất cả chỉ cần có thế”.
(VnRun tổng hợp)