Sifan Hassan – Hành trình đi tìm giấc mơ

Sifan Hassan – Hành trình đi tìm giấc mơ

Câu chuyện về Sifan Hassan – nhà vô địch marathon tại Olympic Paris 2024 – là hành trình đầy cảm hứng đi tìm giấc mơ. Chân chạy đang viết lại lịch sử chạy dài thế giới này cho tất cả thấy rằng: dù không bao giờ dễ dàng, nhưng sau bóng tối luôn là ánh sáng, chỉ cần không từ bỏ thì sẽ đạt được giấc mơ. 

oOo

Câu chuyện của Hassan khởi đầu ở quốc gia Đông Phi Ethiopia đầy những sườn đồi dốc và những thung lũng sâu thẳm – yếu tố khiến chạy bộ được đan cài vào cuộc sống. Sinh ra ở Adama – một thành phố nhỏ gần thung lũng Rift (một trong những thánh địa chạy bộ của thế giới) nhưng tuổi thơ của Hassan không liên quan đến chạy bộ mà tất cả đều hướng tới một mục tiêu tối thượng: sống sót. Cuộc sống khắc nghiệt với những mơ ước về bữa ăn đủ no khiến cô hiểu được thế nào là kiên cường. Chạy bộ với cô không chỉ là một môn thể thao mà còn là tự do, là cách để thoát khỏi những trói buộc của cuộc sống thường ngày. Cô không hề biết rằng chính tình yêu chạy bộ này sẽ đưa có vượt qua nhiều đại lục, đến với tương lai mà cô bé đang lao mình vượt qua gió bụi trên những con đường làng không thể hình dung nổi.

Nhưng số phận luôn chưa đựng những điều khó lường. Ở tuổi 15, cuộc đời Hassan rẽ sang một hướng đầy kịch tính. Cô bỏ lại sau lưng ngôi nhà duy nhất để tới tị nạn ở Hà Lan. Một cô bé còn niên thiếu đến một nước cách quê hương rất xa, chung quanh toàn những gương mặt xa lạ, lại không biết gì về ngôn ngữ đầy trúc trắc của xứ sở cối xay gió. Cú sốc văn hóa là điều dĩ nhiên, hơn nữa điều chỉnh lối sống cho phù hợp với văn hóa Hà Lan chưa bao giờ dễ dàng. Có điều với Hassan, đó chỉ là chuyện vặt.

Cô đến một nước mà mọi thứ đều khác, từ thức ăn, thời tiết cho tới con người. Những ngôi nhà cao tầng ở Hà Lan như vây quanh cô, trái ngược với không gian mênh mông ở Ethiopia. Rào cản ngôn ngữ cũng là thách thức, kiểu phát âm của tiếng Hà Lan không dễ tí nào cho người mới học. Nhưng giữa muôn trùng khó khăn đó, có một thứ vẫn không phai nhòa: Tình yêu chạy bộ của Hassan. Nếu chạy bộ là con đường để vươn lên ở Ethiopia, thì ở Hà Lan nó là nguồn sống.

Đường chạy trong sân vận động là nơi cô tìm đến. Nhịp đáp chân là một thứ thân thuộc. Khi Hassan tìm được vị trí cho mình ở thế giới lạ lẫm này, chạy bộ không chỉ là thể thao mà là cách cô hòa mình vào xung quanh, tìm thấy sự cân bằng giữa cũ và mới.

oOo

Ngôi sao nào cũng cần khoảnh khắc được phát hiện, với Sifan Hassan, khoảnh khắc đó đến vào lúc cô ít mong chờ nhất: một giải chạy địa phương ở Hà Lan, không phải lớn hay tầm quốc tế gì mà chỉ là một giải cho các chân chạy trẻ tuổi có cơ hội tranh tài. Hassan vốn tập luyện khá lặng lẽ cũng đứng trên vạch xuất phát nhưng khi tiếng súng khai cuộc vang lên, cô không chạy mà bay. Đôi chân dài đầy sức mạnh đưa cô vượt hẳn lên. Cô không chỉ chiến thắng mà thống lĩnh cả giải.

Vài HLV đến xem học trò thi đấu đều ngỡ ngàng, hỏi nhau “cô bé đó là ai?” mà không nhận ra rằng họ được chứng kiến giây phút trình làng của một nhà vô địch thế giới trong tương lai. Họ lập tức tiếp cận và đề nghị giúp cô bé phát triển sự nghiệp. Thứ họ thấy không chỉ tốc độ mà là tiềm năng thô mộc đang chờ được mài giũa.

Hassan dĩ nhiên chấp nhận. Cô đã chạy bộ để sống sót và hiện giờ, lần đầu tiên cô thấy một con đường từ chạy bộ: nghề nghiệp và cả tương lai. Việc chuyển dịch sang chạy bộ chuyên nghiệp không diễn ra lập tức nhưng rất rõ ràng. Có các HLV hỗ trợ, Hassan bắt đầu được biết đến ở địa phương. Những chiến thắng ban đầu chỉ là khởi điểm nhưng đủ để khơi lên ý tưởng rằng có lẽ cô có thể tranh tài ở tầm thế giới.

Bước ngoặt đến khi cô vô địch quốc gia Hà Lan. Chiến thắng này có ý nghĩa lớn, không chỉ là giành được huy chương mà đánh dấu khoảnh khắc Hassan bắt đầu tin rằng mình không chỉ chạy nhanh, mà cô có tài năng để trở thành chân chạy hàng đầu.

Nhưng mọi thứ không đến dễ dàng. Vẫn có những thất bại, chấn thương, và cả những lúc nghi ngờ. Nhưng với mọi trở ngại, Hassan chỉ đưa ra một câu trả lời: chăm chỉ hơn, tập luyện thông minh hơn, và không bao giờ bỏ cuộc. Quy tắc nghiêm khắc đó mang lại kết quả, cô thu hút chú ý không chỉ ở Hà Lan mà khắp châu Âu. Cô gái trẻ tị nạn từ Ethiopia này đang trên đường trở thành một thế lực của làng điền kinh quốc tế.

oOO

Năm 2013, hành trình của Hassan đạt được bước tiến quan trọng khi cô trở thành công dân Hà Lan. Khoảnh khắc này không chỉ mang ý nghĩa cô được công nhận hợp pháp mà còn đầy cảm xúc. Trở thành công dân Hà Lan đồng nghĩa với đủ điều kiện đại diện quốc gia cho cô cơ hội và khởi đầu mới để tranh tài ở các giải quốc tế.

Quá trình nhập tịch luôn khó khăn với vô vàn thủ tục giấy tờ, phỏng vấn và trắc nghiệm. Nhưng với Hassan, khó khăn nhất là cảm xúc, Cô rất tự hào về di sản Ethiopia trong con người mình nên không dễ để chấp nhận một định danh quốc gia mới. Không phải là từ bỏ nguồn cội mà vun bồi một cội rễ mới ở Hà Lan, cô có thể hướng tới tương lai mà không cần quên đi xuất thân.

Có hộ chiếu Hà Lan đồng nghĩa với những cánh cửa mở ra. Đột nhiên, cô đủ điều kiện tranh tại tại các giải lớn nhất thế giới. Giải vô địch châu Âu, vô địch thế giới, Olympic – tất cả đều không ngoài tầm với nữa. Cô bắt đầu xuất hiện trên sân khấu thế giới cũng đồng nghĩa với cô không chỉ đại diện cho Hà Lan mà còn là biểu tượng cho vượt lên nghịch cảnh, nắm lấy vận mệnh của chính mình.

Trong quãng thời gian này, cô theo học nhiều ngôi sao trong làng điền kinh Hà Lan, được họ chỉ dẫn rõ hơn về các cuộc tranh tài cấp độ cao. Các HLV không chỉ coi cô là VĐV, họ thấy ở cô hình mẫu để truyền cảm hứng cho người khác, nhờ vào câu chuyện kiên trì đi tới chiến thắng của cô.

Ngay từ lần đầu tiên thấy Sifan Hassan chạy, HLV Tim Rowberry đã nhận thấy ở cô ngọn lửa đặc biệt, cô không chỉ chạy nhanh mà còn có khả năng thúc đẩy mình vượt những ngưỡng không ai nghĩ tới. Cô luôn hết mình trong luyện tập đến mức HLV phải nghĩ cách giảm bớt cường độ. “Cô ấy có động lực để vượt qua các cơn đau, qua mỏi mệt, hay bất kỳ thứ gì. Học trò như thế là giấc mơ nhưng cũng là ác mộng của mọi HLV”.

Rõ ràng rằng thành công của Hassan không chỉ đến từ thiên bẩm thể chất. Tâm lý vững vàng, khả năng thích ứng và ý chí tập luyện là những yếu tố giúp cô vượt trội. Hassan không chỉ chạy vì huy chương mà hướng tới những thứ sâu xa hơn – cuộc sống cô muốn xây dựng, con người cô muốn trở thành. Từ một người tị nạn, cô đang vươn lên cống hiến cho môn thể thao cô theo đuổi, và cho cả thế giới.

oOo

Sifan Hassan là chân chạy thách thức quy luật về thể chất, thời gian và đôi khi cả logic. Dù chạy nước rút ở cự ly 1500m như thể sắp muộn họp hay thong thả chạy 10.000m như đang đi dạo công viên, cô làm chủ nghệ thuật chạy dài, luôn biết cách chiến thắng và rồi nở nụ cười: “Cuộc đua luôn vất vả hơn những gì nhìn thấy”.

Thứ độc nhất vô nhị ở Hassan là cô rất linh hoạt với các cự ly chạy. Hầu hết người khác chỉ giỏi ở cự ly trung bình hay cự ly dài, còn cô là cả hai. Khi chạy 1500m, cô đốt cháy đường chạy bằng tốc độ, còn khi chạy 10.000m, cô vượt lên hẳn so với đối thủ. Như thể cô có cần gạt nội tại, chỉ cần gạt là biết sẽ chạy thế nào.

Như ở giải VĐTG 2019 tại Doha (Qatar). Các VĐV khác tập trung cho một nội dung thì Hassan bật mode siêu anh hùng, chiến thắng cả cự ly 1500m và 10.000m. Khán giả được chứng kiến một người bật từ chế độ chạy nước rút sang chạy bền, chỉ đơn giản như bấm điều khiển từ xa. Với cự ly 1500m, cô không chỉ vô địch mà chạy vòng cuối với tốc độ khiến đối thủ hoài nghi chính mình, còn với 10.000m thì cô chứng minh cho tất cả thấy rằng tốc độ và sức bền có thể song hành.

Bí quyết? Là kết hợp giữa thể chất tuyệt vời là chiến thuật trong ngày chạy. Hassan biết lúc nào nên hãm lại và khi nào nên dốc sức. Cô là bậc thầy chiến thuật, giữ tốc độ cực tốt để chờ đợi khoảnh khắc bứt phá đúng lúc. Khi cô tăng tốc, cũng như cá mập ngửi thấy mùi máu dưới nước – không gì ngăn được.

oOo

Sifan Hassan không chỉ hướng đến chiến thắng các giải chạy mà muốn viết lại lịch sử. Tên cô được khắc nhiều lần vào sách kỷ lục, không chỉ vì cô chạy nhanh. Một trong những thành tích ấn tượng nhất là chạy 1 giờ khi cô lập kỷ lục thế giới với quãng đường 18,93 km. Rồi cả kỷ lục châu Âu ở cự ly 5.000m và 10.000m. Phá kỷ lục ở cấp độ này cũng như dùng lông gà phá tường gạch, sẽ cần tới tài năng, kiên nhẫn và nỗ lực tột cùng, thậm chí một chút điên rồ. 

Kỷ lục của Hassan không chỉ phản ánh thể chất của cô mà là kết quả của chế độ tập luyện tỉ mỉ đến khốc liệt. Chạy dài, chạy dốc, chạy biến tốc – bài nào cô cũng tập, đến mức HLV Tim Rowberry nói rằng cô có khả năng chịu đau đớn hiếm thấy, với những cơn đau khiến các chân chạy kêu cha khóc mẹ thì cô vẫn nuốt gọn bài tập.

Hassan đạt kỷ lục cũng với sự nghiêm túc như khi chạy giải, không chỉ để chiến thắng mà còn tái định nghĩa chiến thắng có ý nghĩa gì. Cô luôn chuẩn bị rất kỹ về tinh thần, trực quan hóa đường chạy, tính toán từng bước, từng hơi thở và thực hiện đúng như thế. Nên không ngạc nhiên khi các kỷ lục của cô đều ấn tượng.

oOo

Trong số những khoảnh khắc đáng nhớ của các kỳ Olympic có màn trình diễn của Sifan Hassan ở Tokyo 2021. Cô quyết định tham gia 3 cự ly 1500m, 5.000m, 10.000m. Kết quả? 2 HCV và 1 HCĐ.

Màn trình diễn ở cự ly 1500m rất đáng nhớ. Ở vòng loại, cô vấp ngã lúc chỉ còn 1 vòng sân. Với hầu hết các chân chạy, đó là kết thúc của giấc mơ Olympic nhưng không phải với Hassan. Cô bật dậy như có ai bấm nút “tái khởi động” và làm được điều không ai ngờ: chiến thắng lượt chạy. Nhưng đó không phải là cự ly duy nhất cô tỏa sáng. Ở cự ly 5.000m, cô sử dụng chiến thuật giữ nhịp trứ danh để bỏ xa đối thủ, giành HCV đầu tiên. Ở cự ly 10.000m, cô một lần nữa khiến các đối thủ hoài nghi vì lại giành thêm HCV.

Thành công ở Thế vận hội Tokyo khẳng định vị thế của Hassan là một trong những VĐV xuất sắc nhất mọi thời đại. Cô là chân chạy nữ đầu tiên trong lịch sử giành huy chương ở 3 nội dung tại một kỳ Olympic. Bước sang Olympic Paris 2024, Hassan thậm chí thử thách bản thân mình hơn nữa khi tham dự 3 cự ly 5000m, 10.000m và marathon. Sau 2 HCĐ 5000m và 10.000m, cô có màn thể hiện trên cả xuất sắc, vượt qua đương kim kỷ lục gia Tigist Assefa để giành HCV. Chưa có VĐV nữ nào trong lịch sử Thế vận hội tham gia 3 cự ly này trong một kỳ đại hội, không tính đến việc giành huy chương ở cả 3. Tính cả lịch sử Olympic thì chỉ có huyền thoại nam Emile Zatopek làm được điều tương tự. Và cần nhớ rằng Hassan vô địch marathon chỉ với hơn 30 giờ phục hồi sau khi tham gia chung kết 10.000m. 

Chiến thắng ở cả 2 kỳ Olympic không chỉ cho riêng Hassan mà cho bất kỳ ai bị phán xét rằng họ không thể làm được điều gì đó. Hassan không chỉ làm được điều không thể mà cô làm điều đó một cách tuyệt vời và đầy cảm xúc.

oOo

Nếu muốn tìm hiểu kiên cường là gì thì bạn nên nhìn vào sự nghiệp của Sifan Hassan. Không chỉ những tấm huy chương hay các kỷ lục khiến cô rực sáng mà chính là cách cô khắc phục với nghịch cảnh để trở nên mạnh mẽ hơn. Cự ly 1500m tại Olympic Tokyo, cú vấp ngã khiến cô mất HCV 10.000m giải VĐTG 2023 tại Budapest là những ví dụ tiêu biểu.

Nhưng nghịch cảnh không chỉ có thể. Hassan phải đương đầu với cả những chấn thương đe dọa kết thúc sự nghiệp của cô, với những ngày lê thê trong quá trình hồi phục. Có điều chấn thương không hạ gục được Hassan, cô biến chúng thành năng lượng với tâm niệm rằng mỗi chấn thương là cơ hội để trở nên mạnh mẽ hơn, điều chỉnh cơ thể để thích ứng.

Cân bằng giữa cội nguồn Ethiopia với mối dây liên hệ ở quốc gia mới không hề dễ dàng. Đó là một vũ điệu tinh tế giữa trân trọng nguồn gốc và nâng niu cơ hội đại diện cho Hà Lan ở đấu trường thế giới. Hassan luôn tự hào về nơi mình xuất phát, nhưng cũng tự hào không kém về quốc gia cho cô cơ hội mới để thể hiện tài năng. Điều này định hình thế giới quan, giúp cô có được quan điểm độc đáo về cuộc đời và thể thao.

Tôi tự hào được đại diện cho Hà Lan nhưng Ethiopia luôn ở trong tôi. Đó là nơi tôi sinh ra, nơi tôi học những bước chạy đầu tiên. Bản chất của tôi gắn bó với mảnh đất Ethiopia, dù cho tôi đứng trên bục nhận giải thưởng ở cách nơi đó nửa vòng trái đất”, cô chia sẻ.

Trách nhiệm biến Hassan trở thành hình mẫu lớn hơn là một chân chạy. Cô là công dân toàn cầu, sử dụng ảnh hưởng để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn cho những người có hoàn cảnh tương tự. Dù trước đại chúng hay âm thầm lặng lẽ, cô luôn nỗ lực để xóa đi khoảng cách giữa nguồn gốc và thành công ở quốc gia mới, hòa trộn những thứ đó thành bản ngã. 

Cũng có những khoảnh khắc áp lực ập tới, những khoảnh khắc cô tự hỏi có đáng để phấn đấu vì những điều đó không. Nhưng lần nào nghĩ đến từ bỏ thì trong sâu thẳm luôn có động lực đưa cô vượt lên trong mọi giải đấu, mọi thất bại, mọi thử thách. Đó là niềm tin dù khó khăn đến thế nào thì luôn có con đường để vươn lên.

oOo

Không chỉ tập luyện chăm chỉ, tinh thần chính là yếu tố khác biệt của Hassan. Cô luôn giữ tâm thái tĩnh lặng ở mức Thiền để rũ bỏ những phiền nhiễu và vươn tới mục tiêu. Với cô tiếng hò hét của đám đông khán giả hay sức ép của lượt chạy chung kết Olympic cũng chỉ là động lực để cô cố gắng về đích đầu tiên.

Khả năng đứng lên sau thất bại và khó khăn là phần quan trọng trong sức mạnh tinh thần của Hassan. “Bạn phải tiếp tục. Cuộc đời kéo bạn xuống thì bạn đứng dậy và chạy nhanh hơn”.

Quan điểm đó không chỉ là kiên trì mà là kiên cường. Hassan có niềm tin không gì lay chuyển được vào năng lực bản thân. Cô hiểu rằng dù chuyện gì xảy ra thì mình cũng có sức mạnh vượt qua, sau từng giải chạy, sau từng mùa giải.

Kiên định là động lực chính giúp cô không gục ngã. “Đó là lý do tôi luôn bảo mọi người đừng dừng lại“, Hassan nhớ lại khoảnh khắc quan trọng nhất sự nghiệp. “Tôi dừng lại và bảo HLV rằng mình không chạy nữa”.

Khoảnh đó là sau Olympic Rio 2016, Hassan 23 tuổi thất vọng cùng cực với vị trí thứ 5 ở cự ly 1500m. Chấn thương trước giải khiến mọi người hoài nghi nhưng màn trình diễn chói sáng ở vòng loại khiến cô tin rằng mình sẽ thắng ở lượt chạy chung kết. Có lẽ vì tập luyện quá mức hoặc quá hưng phấn, mọi thứ diễn ra không như mong đợi. “Thất bại đó khiến tôi đau đớn. Tôi tắm đến bảy lần nhưng vẫn không bình tĩnh nổi”. Thậm chí cô ngừng tập luyện trong 2 tháng mới lấy lại được cân bằng. Những vất vả lúc nhỏ và trong quá trình hòa nhập với cuộc sống ở Hà Lan giúp cô trở lại ngoạn mục bằng 2 tấm HCV 1500m và 10.000m tại giải VĐTG Doha 2019.

Hassan không chỉ chấp nhận những thăng trầm của cuộc sống mà trân trọng cả những điều không đoán trước được. “Chúng ta đều có những lúc thăng rồi trầm, điều đó khiến cuộc sống đẹp đẽ hơn. Ngã rồi thì đứng dậy. Nếu chúng ta hoàn hảo thì tôi cho rằng điều đó thật buồn tẻ”.

Sáu tuần sau cú ngã lịch sử ở Budapest, cô vô địch giải Chicago Marathon 2023 với thời gian nhanh thứ 2 trong lịch sử.

Nếu bạn không từ bỏ, tôi biết những điều tới sau đó sẽ xán lạn và đẹp đẽ. Sau bóng tối luôn là ánh sáng”, cô tâm sự.

oOo

Thật ngạc nhiên là cuộc sống của Sifan Hassan không chỉ có chạy bộ. Cô có nhiều sở thích, đam mê và những giấc mơ nằm ngoài vạch đích.

Một trong những sở thích của cô là vẽ. Đấy là cách cô thư giãn sau một ngày dài thúc đẩy cơ thể đến giới hạn. “Chạy bộ là công việc còn vẽ là cách tôi rũ bỏ áp lực. Khi cầm cọ, tôi không phải nghĩ gì đến thời gian hay các giải thi đấu. Tôi chỉ việc đắm mình vào màu sắc”.

Hassan cũng thích nấu ăn, tường nấy các món Ethiopia truyền thống như món bánh mì dẹt Injera. Đây là cách cô kết nối với nguồn cội trong lúc sống ở châu Âu. Cô dừng đùa rằng nếu không chạy, cô có thể sẽ mở một nhà hàng Ethiopia ở Amsterdam. “Có thể một ngày nào đó, khi tôi dừng chạy bộ thì sẽ phục vụ injera cho mọi người”.

Đó không chỉ là thú vui. Hassan luôn tính toán cho tương lai. Cô từng nói về ý định chuyển sang huấn luyện hoặc vận động cho những VĐV trẻ thiệt thòi. Với cô, đấy là cách đáp đền lại những cơ hội nhận được.

Dù là huấn luyện hay mở nhà hàng, có một điều rõ ràng: cuộc sống của Hassan sau khi dừng chạy bộ sẽ luôn sống động và đầy ý nghĩa. Cô sẽ không nghỉ hẳn mà có kế hoạch cho tương lai, sẽ để lại di sản dài lâu.

oOo

Trong một quán cà phê nhỏ ở trung tâm Amsterdam, một nhà phân tích thể thao trò chuyện say sưa với một người hâm mộ nhiệt thành Sifan Hassan. Người hâm mộ cô là một phụ nữ chứng kiến Hassan từ những ngày đầu sự nghiệp và thể hiện niềm ngưỡng mộ qua từng ngụm cà phê. “Với tôi, Sifan không chỉ là một chân chạy. Cô ấy là những gì tôi muốn trở thành. Cô ấy mạnh mẽ, kiên cường, không bao giờ từ bỏ. Tôi không chạy bộ nhưng có xem các giải cô ấy tham gia, như chung kết VĐTG”.

Nhà phân tích từng chứng kiến vô số tài năng, gật đầu đồng tình: “Đúng thế. Cô ấy là phương cách kết nối mọi người, kể cả không liên quan đến thể thao. Cách cô ấy thể hiện mình cũng vậy, cô ấy chạy bộ không chỉ vì huy chương. Cô ấy chạy vì mục đích khác cao hơn”.

Người hâm mộ chia sẻ tiếp: “Cô ấy rất đời, đúng không? Khi cô ấy chia sẻ về những ngày khó khăn, những lúc thăng trầm nhưng cô ấy không để điều đó đánh gục mình. Khi cô ấy ngã ở Olympic, tôi lo lắng, nhưng khi cô ấy vừng dậy và về nhất, tôi bật khóc. Tôi cảm thấy chiến thắng đó là cho tất cả những người từng vấp ngã và phải tự đứng dậy”.

Nhà phân tích mỉm cười: “Điều đó khiến cô ấy đặc biệt. Cô ấy không chỉ là nhà vô địch trên đường chạy mà cả trong cuộc sống. Người ta thấy mình qua câu chuyện của cô ấy. Vì thế Sifan sẽ được nhớ tới sau khi ngừng chạy bộ”.

Câu chuyện tiếp nối, về ảnh hưởng của Hassan, về dấu ấn và di sản của cô với thế giới. Với người hâm mộ, cô không chỉ là VĐV mà là nguồn cảm hứng, nhắc nhở họ rằng dù cuộc sống khó khăn nhường nào thì vẫn phải tìm cách đi tiếp. Với nhà phân tích, rõ ràng Hassan có ảnh hưởng hơn nhiều thành tích đạt được, định hình tương lai của chạy bộ và cuộc sống những người noi gương.

Trong quán cà phê nhỏ đó, giữa tiếng lanh canh của những cốc cà phê chạm nhau và câu chuyện, di sản của Hassan hiện lên sống động, chứa đựng trái tim của những người hâm mộ cô và những người cô truyền cảm hứng để theo đuổi giấc mơ, để vượt qua bóng tối và vươn tới ánh sáng, dù họ ở xa cô đến nhường nào.

(VnRun tổng hợp)

vietnammarathon

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *