Thế vận hội Paris và ước mơ cháy bỏng của ông hoàng marathon

Thế vận hội Paris và ước mơ cháy bỏng của ông hoàng marathon

Khi bắt đầu cất những bước chạy ở những năm đầu thập niên 2000, chàng thanh niên Eliud Kipchoge chỉ đơn giản muốn lên máy bay để được tới châu Âu. Hai thập kỷ sau, huyền thoại marathon người Kenya này sẽ tới Paris để thực hiện ước mơ cháy bỏng và cũng là thử thách cuối cùng của anh tại Thế vận hội 2024.

Ở tuổi 39, anh hy vọng mình sẽ đi vào lịch sử đúng ngày 11/8 với tư cách “người đầu tiên” vô địch nội dung marathon ở Olympic ba lần liên tục, vượt qua hai huyền thoại khác là Abebe Bikila của Ethiopia (về nhất tại Thế vận hội các năm 1960, 1964) và Waldemar Cierpinski của Đức (giành HCV Thế vận hội các năm 1976, 1980).

Cũng tại Pari, vào năm 2003, chàng trai 18 tuổi có màn ra mắt quốc tế gây chấn động khi giành tấm HCV 5000m tại giải vô địch thế giới, vượt qua 2 ứng viên nặng ký Hicham El Guerrouj của Morocco và Kenenisa Bekele của Ethiopia.

Những chức vô địch lớn đầu tiên của Kipchoge cũng là cuối cùng của anh ở đường chạy trong sân vận động. Những năm sau đó, dù cố gắng thế nào anh cũng không vượt qua được đại kình địch Bekele.

Và chỉ khi chuyển sang chạy ngoài đường, sau lần thất bại ở vòng tuyển chọn đội tuyển Kenya tham dự Olympic London 2012 thì vinh quang mới đến với anh.

Với sải chân dài và giữ nhịp cực tốt, anh hai lần phá kỷ lục marathon thế giới – 2:01:39 năm 2018 và 2:01:09 năm 2022 (đều ở giải Berlin Marathon).

Anh cũng là chân chạy duy nhất từng hoàn tất cự ly 42,195 km dưới mốc 2 giờ trong một giải không chính thức được tổ chức một cách đặc biệt Vienna (Áo) năm 2019.

Anh cũng vô địch 16 trong 20 lần chính thức đứng trước vạch xuất phát một giải marathon kể từ khi bắt đầu sự nghiệp chạy cự ly dài vào năm 2013, trong đó có tới 11 chiến thắng tại các giải Major (5 lần ở Berlin, 4 lần ở London, Tokyo và Chicago đều 1 lần), đặc biệt là hai HCV Olympic năm 2016 (Rio de Janeiro) và năm 2021 (Tokyo).

Phong cách quyết tâm

Là con út trong gia đình gồm bốn người con, Kipchoge được một tay mẹ – một giáo viên mầm non – nuôi lớn ở ngôi làng Kapsisiywa nằm dưới chân những ngọn đồi vùng thung lũng Rift của Kenya. Cha anh mất từ khi anh còn rất nhỏ.

Cậu bé Eliud yêu thích chạy bộ nhưng không dám mơ mộng đến thành công hay vinh quang gì. “Chạy bộ là chuyện quá bình thường ở làng tôi, ở cộng đồng tôi sống. Chúng tôi đều chạy đến trường, ra chợ mua đồ“, anh từng giãi bày như vậy trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AFP.

Anh quyết định thử sức với điền kinh: “Nhưng không phải với mục tiêu trở thành chân chạy nổi tiếng… Tôi chỉ muốn được lên máy bay tới châu Âu. Tôi không biết rằng trở thành vận động viên lại giúp gia đình có thêm lương thực, giúp anh chị em được ăn no hơn“.

Ở tuổi thiếu niên, trong các buổi tập luyện, anh thường đặt mình vào vị trí một người anh xóm mà anh thấy trên TV: VĐV giành HCB 3000m vượt chướng ngại vật ở Olympic1992: Patrick Sang.

Năm 2001, Kipchoge lấy hết can đảm đến hỏi xin chương trình tập luyện và được Patrick Sang viết lên cánh tay. “Thế rồi cậu ấy đến gặp tôi thường xuyên hơn“, Sang kể lại. “Lúc đó, tôi không dám nói rằng có điều gì đặc biệt ở cậu trai trẻ này. Nhưng khi nhớ lại… Tôi dám chắc rằng đây là người biết mình muốn đi tới đâu. Cậu ấy thực sự quyết tâm“.

Kể từ đó, hai người đàn ông này sát cánh cùng nhau, xây dựng mối quan hệ không khác gì cha con.

Lối sống khổ hạnh

Kipchoge dâng hiến cả đời cho chạy bộ, luôn ghi lại mỗi bài tập vào sổ tay.

Từ năm 2002, anh sống 9 tháng mỗi năm ở trại huấn luyện do Global Sports Communications mở tại Kaptagat – ngôi làng ở phía Tây Kenya với độ cao 2.500m.

Anh luôn dậy sớm, ăn uống hay mua sắm, nghỉ ngơi đều theo đúng phong cách tu hành. Anh về gặp vợ và ba con vào cuối tuần tại gia đình ở thị trấn láng giềng Eldoret.

Lối sống khổ hạnh đó ngược với thu nhập của anh, ước tính lên tới nhiều triệu đô la – thành quả của những chiến thắng, của những lần phá kỷ lục thế giới, và từ tiền tài trợ của những nhãn hàng lớn như Nike, INEOS và Isuzu.

Đúng với xuất thân nông dân, Kipchoge sở hữu một trang trại bò sữa, một nông trại trồng ngô và một vườn chè.

Khẩu vị đọc sách (các tác giả yêu thích là Paulo Coelho và Stephen Covey) và phương châm sống, cũng như vẻ ngoài điềm tĩnh khiến anh có biệt danh là “triết gia”. 

Anh là cổ động viên nhiệt thành của thể thao: thích đua mô tô, CLB Tottenham, quyền anh và võ thuật đối kháng – hai môn yêu thích ngang với marathon vì: “Họ tập luyện sáu tháng chỉ để thi đấu 15 phút, thậm chí thua cuộc chỉ trong vài giây“.

Vượt qua đe dọa chết chóc

Trong sự nghiệp chạy marathon, Kipchoge ít khi nếm trải thất bại ngoài giải vị trí thứ 6 ở giải Boston 2023 và vị trí thứ 10 ở giải Tokyo 2024 diễn ra tháng Ba năm nay – thành tích tệ nhất của anh.

Ở Tokyo, tôi không ngủ được ba ngày liền“, anh trả lời BBC vào tháng Năm sau nhiều tháng bị sỉ nhục trên mạng, thậm chí bị dọa giết. Người ta buộc tội anh dính líu đến cái chết của ngôi sao đang lên Kelvin Kiptum (qua đời vì tai nạn ô tô ở Kaptagat vào tháng Hai) chỉ vài tháng sau khi phá kỷ lục thế giới của Kipchoge. “Tôi hứng chịu nhiều thứ thật tồi tệ: họ dọa sẽ đốt tài sản của tôi, đốt nhà tôi, thậm chí đốt chết gia đình tôi“, Kipchoge cho biết anh mất “khoảng 90 phần trăm” bạn bè.

Kipchoge bị ảnh hưởng rõ rệt nhưng anh cho biết mình phải phấn chấn trở lại. “Marathon là cuộc sống, có thăng có trầm, bạn mệt mỏi hay đâm đầu vào đá thì rồi cũng phải quay đầu lại“. Mọi nỗ lực của anh là hướng đến mục tiêu cao nhất ở Thế vận hội Paris vào tháng 8 tới đây. Nếu trở thành người đầu tiên 3 lần lên ngôi ở cự ly 42,195 km, anh sẽ thỏa nguyện và không còn gì để tiếc nuối nữa. Vì ước mơ đó, anh đã vượt qua cả những lời đe dọa, vượt qua mọi sức ép để tiếp tục dồn sức tập luyện, hướng tới vinh quang.

HLV sang nói về hy vọng của cậu học trò tại Paris: “Giấc mơ của cậu ấy là thế, là tạo nên lịch sử, là chiến thắng lần thứ 3 ở Olympic. Nhìn vào thời gian cậu ấy ở trên đỉnh cao mà xem. Hơn 20 năm. Chỉ thế cũng là lịch sử rồi“.

(VnRun tổng hợp)

vietnammarathon

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *