Chia sẻ của runner Đặng Vân Phúc về trải nghiệm của anh trên cung đường 100km – cự ly khắc nghiệt nhất của VMM 2023.
“Sau giải lần chưa hoàn thành cự ly 100 km tại Cúc Phương Jungle Paths hồi tháng Tư, tôi làm lại ở VMM 2023. Trong nhiều lần chạy trail, 70km và cả 163km, chưa lần nào DNF cho đến giải Cúc Phương, nên đồng nghĩa là tôi chưa có huy chương 100km.
Tôi đăng ký mua BIB cùng Vietnam Ultra Trail (VUT), rồi đăng ký hỗ trợ từ VUT, xe cộ, khách sạn cũng qua VUT luôn. Nhưng đăng ký từ sớm mà tôi vẫn mắc sai sót là không để ý lịch, bắt đầu chạy xuất phát lúc 21:00 mà đăng ký xe từ Hà Nội 9:00 sáng, tức là tôi sẽ lên Sapa vào 15:00 và không có thời gian ngủ trước. May mắn là tôi liên hệ được với Việt Anh, xe còn chỗ nên tôi đi trước từ thứ Năm.
Năm nay VMM trùng với mấy giải khác nên lượng vận động viên giảm, chỉ khoảng 4000 người. Cự ly 100km có 512 người tham gia – gần gấp đôi năm ngoái – và ai cũng háo hức, vì mấy giải gần đây quá thách thức và nhiều người DNF. Các nhóm đều tập luyện rất chăm chỉ, đặc biệt hằng tuần các thành viên VUT đã mài mòn các cung đường trên Hàm Lợn (điểm luyện tập chạy trail ưa thích của các runner ở Hà Nội).
Dự báo thời tiết là có thể mưa, quả thật hôm trước mưa sáng nhưng đến trưa lại chuyển nắng to. Xe lên Sapa kịp giờ cho chúng tôi đi ăn cùng nhóm, tình cờ gặp nhóm T8 của Tiến Dũng, Lan Hương đang uống bia trong quán. Trùng ngày lễ hội, sự kiện 120 năm thành lập Sapa nên vị trí tổ chức VMM 10 năm chuyển sang bên cạnh, đối diện nhà thờ đá. Chiều tối chưa phát BIB nên Sapa khá vắng vẻ, nhóm chúng tôi đi dạo chơi một vòng rồi về ngủ sớm, sẵn sàng cho ngày mai.
“Anh ơi, nhớ đặt vòng nhé!” Bích, phụ trách hỗ trợ dặn. Vòng ở đây là vòng tay VUT để nhận dạng support với vận động viên.
Thứ Sáu, tôi dậy sớm, thời tiết Sapa thật dễ chịu, các hàng quán ăn đã dần vào quy củ, không có kiểu bắt chẹt khách. Vào quán phở Lý Quốc Sư, thực sự mới đầu tôi khá nghi ngờ, nhưng lúc bát phở được bê ra thì nghi ngờ tan hết, ăn ngon hơn hẳn ở Hà Nội. La cà chút buổi sáng, lại đi ăn trưa xong về khách sạn ngủ nhưng tôi không thể ngủ được. Đồ phân chia từ nhà nên tôi chẳng làm gì nữa, rủ Khoai Nóng đi chụp ảnh nhà thờ buổi hoàng hôn. Đặt ăn tối 5:30 mà tận gần 8 giờ mới xong vì đông quá, chúng tôi chỉ kịp về lấy đồ đi gửi và ra tập trung. Có hơn 500 vận động viên mà vài ngàn người ra cổ vũ, họ là vận động viên cự ly khác, người thân, dân chúng… đứng kín đường. Năm nay không mưa nên thật sôi động.
Đúng 9 giờ tối xuất phát cự ly 100km, dòng vận động viên với đèn sáng trên đầu kéo lên núi Hàm Rồng, vượt qua từng bậc thang đá. May trời không mưa, bằng không các bậc thang ở đây thực sự sẽ trơn trượt, rất nguy hiểm. Qua vườn hoa hơn 2km thì xuống phía núi bên kia với hai lần chui từng người qua ngách đá. Chi Mai vượt qua đám đông, tôi bám theo để bắt đầu lên phía đồi của Hàm Rồng. Mọi người mới chạy nên đều khỏe và háo hức, vượt qua khá nhanh dù dốc tạo gain ngay ban đầu.
Gần CP6, điểm checkpoint đầu tiên, tôi gặp Bằng đang xuống dốc qua Bản Mới. “Em chạy nhóm đầu nên đi lên nhanh, còn quay lại chụp ảnh Sapa”, Bằng chia sẻ. Năm nay cu cậu tập tành chăm chỉ, hy vọng sẽ hoàn thành. Chi Mai phát hiện ra Bằng, hai đứa cùng chạy với nhau, tôi vượt lên trước để về CP6.
Trên đường có thêm điểm support của Mây, tôi tới đó lúc 10:23. Mọi người rất phấn khích mỗi khi có vận động viên chạy qua, họ hỏi cần hỗ trợ gì không?
“Không, chỉ cần giúp anh chụp ảnh check in thôi”, tôi trả lời và cùng họ chụp chung ảnh.
“Anh nhớ trả ảnh lên Mây cho bọn em nhé”, họ không quên nói với theo khi tôi di chuyển.
Tôi về tới CP06 lúc 10:31, ăn vội mấy miếng dưa hấu, không lấy thêm nước vì vẫn còn gần nguyên.
Qua CP6 là cung đường khá quen thuộc với ai từng chạy VMM, với cự ly 100 km và 100 dặm thì lặp lại hai lần liền. Xuống dốc thẳng đứng 4-5 km đường đá, nhưng sức còn khỏe nên ai cũng băng băng vượt qua rất nhanh để leo lên núi qua rừng trúc. Nhớ năm ngoái, chúng tôi thực sự hành xác với từng mét bùn trong rừng trúc này, năm nay khô ráo nên di chuyển rất nhanh.
Chiều đi này được nối thêm một đoạn qua bản Mới, tạo thêm gain, khá thách thức, bắt đầu 23:39 phút là rẽ đi mà tận 1:17 phút mới tới checkpoint bản Mới. Qua một số điểm bán hàng của dân để rồi leo lên Đá Bạc và đổ đèo dốc 3 km về checkpoint Topas lúc 02:21. Với thời gian này, tôi ý thức được sự lặp lại khó khăn của năm ngoái, tuy có sớm hơn 30 phút nhưng công cuộc chạy đuổi thời gian của ban tổ chức bắt đầu.
Cơ bản 30km đầu khá ngon ăn vì không dính mưa. Các con đường đã bê tông hóa nên dốc không ăn thua với sức ban đầu của các vận động viên. Về Topas, tôi gặp nhóm VUT đang support ở đó, một số người không đạt mục tiêu nên không chạy nữa. Huy Trọng đón tôi và hỗ trợ tiếp nước, đồ ăn. Hà Thu lấy cháo vào bát nhựa tôi mang theo người. Nhiều người năm nay không chạy mà tham gia nhóm hỗ trợ, nên thiếu đi nhiều vận động viên.
2:30 sáng, tại Topas cả đoàn xe chở vận động viên 70km đang ùn về, họ khởi động rất ồn ào. “Chúng ta phải rời đi ngay, trước họ 30 phút, họ sẽ bắt kịp trên CP01 đấy”, một cậu trong nhóm 3 người phía trước nói với bạn.
Trên đường nhựa trước khi xuống đường chạy ruộng là khoảng 5km, nhóm 70km với sức mới chạy, họ chỉ mất dưới 30 phút, còn nhóm chúng tôi đa số đi bộ, nên tầm 7km là họ bắt kịp.
Cung đường sang CP01 khác với năm ngoái, đường rẽ vào núi và tăng gain vì dốc cao hơn, đường nhiều đoạn trên bờ ruộng sát vực là suối bên dưới. Ở km 38, tôi chống hụt gậy và ngã 3 vòng xuống suối, rơi bịch một phát tự do đập lưng xuống đá, cách bờ trên khoảng 3 mét. May sau mông là cái bát nhựa, vest nước có cái áo mưa khá dày độn với nhiều bánh, và đồ mang theo nên không bị đau, chỉ có mấy ngón tay bị cỏ de cắt như lưỡi dao lướt qua.
“Có sao không anh? Nhặt đèn lên, cầm gậy em kéo…” mấy người dừng lại và soi đèn xuống hỗ trợ, nhưng sâu quá không kéo được.
“Anh men ra phía kia leo lên hơn”, cậu ta hướng đèn ra phía trên nơi có tảng đá nhô gần bờ. Tôi nhặt đèn, chỉnh trang lại và theo đó leo lên rồi chạy tiếp, hú vía.
Sang bên bờ một con suối, có một trạm nước.
“CP rồi sao bạn?” tôi hỏi một cậu hỗ trợ.
“Chưa anh ạ, đây là trạm tiếp nước trước khi leo”.
Tôi bỏ qua, không lấy gì và đi luôn. Lên con dốc mới, dài miên man. Nhóm 70km đầu tiên đã vượt lên một cách mạnh mẽ, họ chạy như đường bằng trong khi nhóm 100km phì phò từng bước.
Hai chân tôi bắt đầu có hiện tượng căng bắp, leo chậm hơn, chính vì chậm nên chuột mò tới. Mở lọ crampfix, tôi làm một chút rồi mới yên tâm leo tiếp. Không chạy nữa, tôi chỉ đi bộ, men theo bờ con suối trên đường gần về CP01. Một cậu bị ngã lộn xuống suối sâu, đầu va vào đá, mọi người xúm vào kéo mãi mới lên được.
Tới trạm, 05:38, việc đầu tiên tôi hỏi là cháo.
“Không có anh ạ, phải sang CP02”.
Chân bị chuột rút căng cứng, bụng đói ngấu, tôi ngồi ăn tạm mấy miếng dưa, định bụng nghỉ ở đây một lát.
“Anh uống trà gừng đường nhé?” Cậu support nhìn tôi ngồi chờ y tế lâu nên rót cho cốc trà ấm bụng. Y tế bận băng đầu cho cậu bị té suối, đến lượt tôi, báo họ tôi bị căng bắp chân, họ xịt lạnh cho cả hai chân trước và sau bắp. Ngồi chờ lâu nên nguội người, nay thêm xịt lạnh, tôi run cầm cập như sốt rét. Tôi tức tốc lên đường dù chẳng kịp ăn gì thêm. Trên người mang khá nhiều bánh, hạt, bánh chưng, bánh mỳ, nhưng tôi không ăn nổi.
Tiếng loa phóng thanh của xã vang lên chuông 6 giờ sáng, trời hửng ráng hồng, người tôi đỡ lạnh hơn nhưng bước chân vẫn run run trên bờ ruộng và qua cầu ở Lao Chải. Nhớ trước đây chạy 70km, khi 6 giờ sáng là tôi đã tới Cát Cát, giờ còn cách xa 12km nữa.
Khá mệt và đói, đi mãi rồi cũng tới CP02. Quãng đường CP01 sang CP02 cũng có nhiều thay đổi, nhưng dễ đi, không gắt, bản đồ báo có 8km nhưng thực tế 12 km khi vào trạm. Tôi mất khá nhiều thời gian ở quãng này nên tận 08:13 mới tới nơi. Vào trạm, tôi gọi support ngay 2 cốc cháo để húp, xong mới nhận ra vào nhầm nhóm VKL, họ cứ thấy vận động viên là support, còn tôi cứ thấy support là vào.
Tại đây, nhóm Thành, Tú và Dũng đang ngồi đợi và theo dõi anh em chạy.
“Bằng đang ngay sau anh, Việt Anh sau nữa. Anh tới Topas 2:30 mà tới đây mất nhiều thời gian nhỉ?” Thành ngạc nhiên hỏi. Cậu ta lấy cháo, hỏi có cần nước không để hỗ trợ. Ăn cháo xong, thêm miếng dưa, tôi xuất phát.
Với ý nghĩ, từ CP02 sẽ là đường lên dốc bê tông dài tới Cát Cát, hơn nữa thời gian sau 8 giờ như này sẽ nắng lắm, tôi bảo Thành moi mũ ra và cất đèn pin vào vest, đội mũ rồi lên đường.
Đúng là con đường bê tông, nhưng chỉ hơn 1km rồi lại hướng lên rừng. Con đường cũ năm ngoái đi song song với con suối và thác là đường mòn leo trèo đá tự nhiên, nay đã được xây bậc cùng lan can xi măng. Họ làm thành con đường du lịch dọc sông, ý tưởng có lẽ kiểu vùng Yosemite của bang California nhưng lại làm đường xe ô tô đi. Năm ngoái chạy đoạn này gặp Minh Tùng có pacer nên tôi bám theo, nhưng đường khó, bây giờ bê tông hóa, thành ra dễ hơn. Đường không rẽ ra đường cái để lên đồi Ngô mà cho qua cầu lên núi với một con dốc dài miên man.
“Cung này 6,6km nhưng gain 650 mét các anh nhé”, một cậu ở trạm nhắc nhở.
Chính vì để có gain nên họ cho thêm con dốc dài này. Chân căng cứng, tôi cứ bước chục mét là ngừng. Từng tốp 70km vượt qua, một cậu cũng tham gia 100km chừng biết tôi đau chân nên cố ý đi chậm để đi cùng, như một pacer, thấy tôi mệt thì dừng, khỏe hơn là leo.
Rồi cũng hết cung đường mới, để tiếp tục leo lên phần khó nhất. Leo, leo mãi. Qua cầu để chuẩn bị lên đồi Ngô, tôi mua một lon Coca, nhưng không thể uống hết vì cơ thể không hấp thụ nhu cầu này, đành đi chậm và ngồi trên đá nghỉ để nhâm nhi lon nước. Cậu 100km đi cùng thấy tôi khỏe hơn nên đã đi trước. Tôi leo đồi Ngô với pace 25 phút/km, miên man rồi ra đường nhựa vẫn lên dốc. Vấn đề là trời buổi trưa nắng chang chang. Khi vượt qua hàng rào thép gai, tôi bị chuột rút toàn bộ hai chân, thẳng cứng người ngã phịch xuống tưởng chừng ngất đi, không có một ai xung quanh. Kệ cơn đau, 2 phút sau bắp chân nhả ra như phanh xe không còn bó, tôi đứng được, lấy muối, BCAA và gel ra lần lượt uống. Một lúc mới tiếp tục đi được.
Về CP03 gần 11 giờ trưa. Vào trạm, tôi không ăn uống gì, vào y tế nhờ chăm sóc chân. Khá đông người cùng nhu cầu nên phải chờ. Khi xịt và xoa bóp chân, cậu y tế nói: “Chân anh cứng hết cơ rồi, em xoa bóp nãy giờ không dãn ra được, sợ rằng anh không đi tiếp được đâu?”
Tôi hỏi: “Anh nghỉ một lúc liệu có ổn không?”
“Anh lên kia ăn cháo và nghỉ đí, tý nữa xuống em xem lại.”
Tôi lên điểm support, cũng lại là của VKL, xin họ cốc cháo nhưng ăn được vài thìa là bỏ vì không ăn được. Cởi vest, tôi nằm ra sàn, ngay lập tức chuột rút cứng chân nên phải ngồi dậy, từ từ nằm nghiêng người, rồi cũng ngủ được 10 phút.
“Anh ơi, phải ra check out ở timer không thì quá COT” một tiếng nói làm tôi bật dậy.
Một tiếng nói khác “Mới 11 giờ mà, COT là 12 giờ…”
“Ô em nhầm” cậu ta phân bua.
Tôi đóng đồ và đi xuống phía quầy, ăn hai miếng dưa. Gặp ngay Tùng Di sản đang ngồi đó.
“Anh Phúc, anh xong chưa, xuất phát nhé?” Nói rồi Tùng ra ngoài đi cùng.
Qua timer, cái chân nguội thành ra lại đau, tôi phải làm nóng dần từng bước nên nói Tùng đi trước. Leo từng mét lên đồi Susu.
Trời nắng gắt nhưng dưới dàn susu nên mấy km dốc ngược đâm ra ẩm ướt lại mát, vẫn có gió thoáng. Cứ chục hay hai chục mét là tôi đứng thở, đứng chỉ vài giây vì chân sẽ lại chuột rút nếu không vận động. Dũng bắt kịp, tưởng sẽ được đi cùng nhưng tôi nói phải đi trước. Bước chân nhanh dần, hết đồi susu, ra đồi Bò, không còn giàn cây che nắng, chính vậy, chân lại ổn, tôi leo nhanh hơn và đỡ hẳn chuột rút.
12:12 lên tới đỉnh đồi Bò, Ô Quy Hồ, tôi thấy có một số điểm dân bán nước.
“Bao nhiêu tiền vậy?” Tôi lấy một lon Coca.
“50 ngàn ạ”, cô bán hàng giải thích, mang đồ lên đây cao lắm, nên giá phải thế.
Sát điểm check in, có hai nhiếp ảnh gia đang đứng kiên nhẫn chụp từng vận động viên, có anh Xuân Đỗ, năm nào cũng gặp ở đây.
Với trải nghiệm cá nhân của một lần 70km và một lần 163km qua cung này, tôi rời đi và bắt đầu xuống dốc ngay. 4km nữa về CP04, sẽ khó kịp COT nếu bị mưa hoặc điều bất thường. May mắn, trời nắng nên đường khô. Hai năm trước tôi thoải mái chạy đổ dốc nhưng nay chân đau không cho phép, đi lò dò xuống.
Tiếp tục phải mua nước uống, “Bao nhiêu lon nước này?” tôi lấy một lon Coca.
“30 ngàn ạ.”
Ờ, hóa ra độ cao giảm thì giá cũng giảm thật. Vừa đi vừa nghĩ tôi thấy vui vui. Nhiều nhóm cũng bắt kịp và xuống cùng. Tôi nhường họ lên trước nhưng dường như ai cũng mỏi không muốn vượt.
Xuống gần đường, tôi bị trượt chân, gậy chống chịu không nổi nghe cấc một tiếng gãy đôi. Thế là còn 1 gậy, một khó khăn trước mắt với nhiều cung đường leo lên.
02:25, tôi về đến CP04, cũng được hơn 70km rồi, đồng hồ sắp hết pin nên vào lấy đồ đã gửi, tranh thủ tháo bát đi lấy bát xúp bí, ăn mấy miếng dưa, mua chai nước mát trong lúc sạc đồng hồ. COT là 3 giờ, tôi không có nhiều thời gian ở đây nên nhanh chóng lấy gel, chỉ sạc được 13% đồng hồ rồi gửi lại và xuất phát.
Ra khỏi đường cái, leo lên đồi với 1 cây gậy còn lại, may mắn là tôi nhìn thấy một chú bé dân tộc đang cầm cây gậy trúc chơi. “Bán cho chú nhé”, tôi đề nghị và bảo cậu chuốt hết mắt gai.
“Mười ngàn ạ”, mẹ cậu ta trong quầy nước nói.
May có thêm cây trúc, tôi trở về cân bằng để leo và xuống dốc.
“Từ CP04 đi CP05 ít dốc và khoảng 7 km, các anh cố gắng chạy để bù thời gian”, một cô support chia sẻ. Thế nhưng chắc cô này cũng chỉ nghe kể thôi, con đường trên các bờ ruộng bùn và men theo con suối, không thể chạy được. Tuy đa số là đi xuống, nhưng phần leo lên cũng không hề dễ dàng. Một số thanh niên đi cùng đang nghỉ ở con dốc đầu. Họ tính toán, 5 giờ phải về CP05, có 8 km, trời nắng chiều rát, sẽ khó kịp.
“Thế phải xuất phát thôi, nếu không muốn DNF”, Lộc, một cậu mặc áo VUT lên tiếng và leo lên.
Tôi bám theo, hết con dốc đầu, qua nhà dân có vòi nước mát, cả bọn xếp hàng dúi đầu vào thưởng thức và hứng vào mũ, khăn. Con đường vòng vèo vào rừng, ra ruộng rồi leo lên đồi đất, chỗ lở do mưa.
Chính chỗ này, điều lặp lại tình cờ một cách khó hiểu. Năm ngoái, tôi đã có suy nghĩ bỏ cuộc, có một nhóm Quảng Trị đã động viên và tôi bám theo họ. Năm nay, khi leo hết phần đất lở, có gần hai chục người đang ngồi bàn DNF. Có một cô, dường như trưởng nhóm đám thanh niên, cũng cùng có ý định DNF. Tôi không tham gia, chỉ nói: “Giữa rừng, ai đưa xe vào đón được? Hãy cố gắng về CP05 đi.”
Tôi ra thang gỗ leo lên đường và đi luôn. Phía sau là Lộc, cậu mặc áo VUT, đi cùng. Lên tới đỉnh dốc, tôi mua thêm chai nước Revive rồi bắt đầu chạy downhill, kinh nghiệm năm ngoái chính ở đây, gần như tất cả nhóm định DNF bên dưới cũng chạy cùng theo và cuối cùng, cả bọn về CP05 sớm hơn tận 25 phút.
Vào điểm VUT support, tôi ăn dưa, hai cốc cháo, thêm lon Coca.
“Anh cần gì thêm không?” thấy tôi ngồi một mình, câu béo VUT đến bên.
“Để em bóp chân cho”, cậu ta nói và ngồi bệt xuống, nhiệt tình bóp hai chân. Phải chục phút.
“Khi nào anh muốn đi thì bảo, anh cứ uống nước đi”, cậu ta rất nhiệt tình.
“Anh đi bằng gậy trúc à? Đúng kiểu Trường Sơn rồi…” Cậu ta cười nói.
Không dám ngồi thêm, có 3,5 tiếng và 25 phút dôi, tôi có gần 4 tiếng để di chuyển sang CP06 với gain gần 900 mét. Gặp lại mấy anh em vừa nãy, tôi khoát tay “Đi thôi”. Dường như cũng hào hứng, tự tin cho thành quả vừa rồi, tất cả cùng xuất phải. Với tinh thần hùng cường, chân chạy lì lợm, tôi học theo và chạy tiếp…
Tôi tưởng cung đường cũ, hóa ra mới hoàn toàn, trước là leo theo đường nhựa dài miên man vài km đến phát nản, nay lên núi luôn với đường đất đá, lên đồi cây cỏ, cũng nhiều người lại bàn lùi DNF.
Riêng cậu Lộc: “Lại đi như cung trước thôi anh ạ, leo từ từ nhưng downhill chạy là ok”. Cậu ta luôn đi sau tôi suốt chặng đường trước, nay đi trước như pacer. Đồng hồ tôi hết pin ở cây số 80 nên tôi luôn hỏi cậu ta về giờ, gain cũng như km còn lại.
“Chân anh sao rồi, còn chuột rút không?” cậu ta hỏi và vẫn nhớ tôi bị chuột rút từ những CP trước.
“Không đau nữa, vận động liên tục và nhanh nên không bị, qua thời gian nắng là hồi lại rồi.” Tôi đáp và chạy theo cậu ta liên tục, vượt qua rất nhiều nhóm. Bắt đầu gặp các nhóm 70km và 50km trên đường. Chúng tôi về tới CP06 khá sớm và bất ngờ, sớm hơn COT hẳn 1 tiếng lúc 07:20. Điểm này là 08:30 hết hạn.
Tới được CP06, cơ bản là tự tin, sẽ không lo DNF nữa. Lộc chạy trước downhill chặng đường sang CP07. Đây là đường lúc xuất phát tất cả đã từng đi. Tôi thong dong đi cùng một nhóm mới vì với dốc xuống 45 độ đường đá, hai gan bàn chân rát do rộp không thể chạy. Xuống mấy km xong lại vòng lên núi đi trong rừng trúc để về CP07.
Qua rừng trúc, bọn trẻ con đã lấy marker cắm lung tung, làm cho nhiều người nhầm hướng lên nhà dân. May trong nhóm trẻ, cũng có đứa thật thà: “Chúng nó nghịch chú ạ, đi xuống lối này.”
CP7 chia làm hai khu riêng support cho 100km và cho 70km với 50km nên khá đông đúc.
“Các anh vào ăn, tiếp nước và di chuyển ngay. Dưới Sapa đang mưa rào rất lớn, nguy hiểm khi leo lên Đá Bạc”, cậu support thông báo. Tôi không thể ăn hay tiếp thêm gì vào người, ngồi lấy một lon Coca lạnh uống hai ngụm, thêm viên muối rồi xuất phát. Tự tin dư thời gian vì còn 3 tiếng nữa, giờ mới 08:55.
Theo đám đông vào núi, ai ngờ, được khoảng 1km, tất cả bị dồn, phía trước 1 người to béo lò dò đi chậm, làm dồn toa khoảng 200 vận động viên không ai đi được. Mất 1,5 giờ với tốc độ tham quan cho 1,5 km, cả đoàn lên đến Đá Bạc, ai cũng lo, nhất là nhóm 50km và 70km sẽ không kịp COT và bị DNF.
Còn 1,5 tiếng, cho đường 5km hoàn toàn đi xuống dốc bê tông 45 độ. Chân rát không thể chạy. Tôi đi cùng một thanh niên người Ninh Bình nhưng ở Sài Gòn ra. Hai anh em chạy một đoạn, đi bộ một đoạn, tôi hết pin cả đồng hồ lẫn điện thoại nên liên tục hỏi cậu ta về thông tin. Đến lúc cả đèn đầu cũng báo hết pin. Cố bật cũng chỉ được 1 phút là tắt. Tôi chạy theo bóng cậu ta suốt chặng còn lại xuống dốc.
“Còn 28 phút anh ạ, 1 km nữa”, cậu ta thông báo.
“Chạy thôi” tôi nói. Chân rát nhưng chạy tê nên hết đau.
Về sát đích, tôi bật đèn, nó duy trì sáng 1 phút vào cổng thì tắt đúng chỗ đã có đèn để chụp ảnh. 26 giờ 45 phút. Dư 15 phút theo quy định! Một cuộc chạy đuổi thời gian đầy thách thức!
Cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành cự ly 100km và có được huy chương. Thực sự cảm ơn các bạn ban tổ chức, VUT, VKL cùng các bạn đồng hành đã hỗ trợ và động viên.
Điều đặc biệt ở cự ly 100km này là tôi biết có 242 trong tổng 512 người hoàn thành, tổng số 16 người trên 50 tuổi tham dự (rất nể). Chỉ 100km nhưng tôi giảm được 4,3 kg và tiêu tốn gần 8000 calories.
Tổng kết lại những thứ tôi đã nạp vào người dọc cung đường như sau:
- 3 Tailwin
- 10 gel
- 1 đuổi chuột
- Rất nhiều dưa hấu
- 5 bát nhỏ cháo và xúp
- Hơn chục lon Coca
- 2 chai Revive và 03 chai trà O độ
- 10 viên muối, 20 BCAA
Báo hại cơ thể tôi bị loạn chất, không thể tiếp thụ gì được. Tận lúc về ăn sáng, vẫn phở Lý Quốc Sư ấy mà tôi nuốt không trôi…”