4 sai lầm lớn khi mới chạy bộ

4 sai lầm lớn khi mới chạy bộ

Sai lầm 1: Không dành thời gian nghỉ ngơi

Theo một vài ước tính, có khoảng 80% người chạy bộ gặp phải chấn thương mỗi năm trong lúc tập luyện hoặc thi đấu. Phần lớn các chấn thương xảy ra là do tập luyện với cường độ quá mức hoặc không đúng kỹ thuật, phương pháp. Cho dù là người mới hay là vận động viên chuyên nghiệp thì đều có khả năng gặp chấn thương. Điều này không chỉ làm giảm khả năng tập luyện mà còn gây đau đớn cho người chạy – những cơn đau bạn khó có thể tưởng tượng được.

Hầu hết các chấn thương đều xuất hiện và tồn tại trong thời gian ngắn, một số ít kéo dài một cách khó khăn, và một số cơn đau đã kết thúc sự nghiệp của không ít người đam mê chạy bộ nói chung và vận động viên điền kinh chuyên nghiệp nói riêng. Có những chấn thương không thể tránh khỏi nhưng đa số trường hợp là có thể phòng ngừa được hoặc nhanh chóng phục hồi và tập luyện trở lại.

Ưu tiên đầu tiên của đa số người chạy bộ khi gặp chấn thương là tự hỏi “Làm thế nào để có thể vượt qua điều này?“. Có lẽ bạn cũng là một trong số đó. Đó là cách tất cả những người chạy bộ nghĩ. Muốn chạy nữa!

Thay vì nghỉ ngơi vài ngày sau khi nhận ra các dấu hiệu bị chấn thương, nhiều vận động viên đã chọn chạy cho đến khi tình trạng trở nên tồi tệ đến mức họ cần vài tuần chứ không phải vài ngày để hồi phục hoàn toàn.

Như đã nói ở trên, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa chấn thương hoặc ngăn không cho nó trở nên tồi tệ hơn. Có một sự thật: Nếu bạn nhận ra chấn thương và sớm điều trị, chúng sẽ biến mất khá nhanh.

Ví dụ, nếu bạn cảm thấy bị kéo căng ở dưới bàn chân – dấu hiệu của bệnh viêm cân gan chân, hãy ngủ trong thanh nẹp, nghỉ ngơi trong một hoặc hai ngày, xoa bóp và tập các bài tập giãn cơ, tăng cường sức mạnh cho dây chằng bàn chân.

Những hành động kịp thời sẽ mang tới ý nghĩ vô cùng lớn lao!

Nếu bạn cảm thấy vết thương đang lan rộng, hãy dành thời gian để sớm loại bỏ cơn đau và nguồn gốc của vấn đề. Tốt hơn hết là bạn nên nghỉ một hoặc hai ngày để đảm bảo sức khỏe của mình hơn là cần vài tuần hoặc vài tháng.

Sai lầm 2: Lầm tưởng giữa ngoan cố và cứng rắn

Có lẽ bạn nên nhận ra rằng cứng rắn không có nghĩa là phải trải qua mỏi mệt cùng cực hay luôn luôn luyện tập mà không bao giờ cần nghỉ ngơi dù chỉ một ngày. Huấn luyện viên huyền thoại Alberto Salazar đã từng nói:

“Bạn phải có niềm tin vào bản thân, tin rằng bạn có thể nghỉ ngơi vài ngày để hồi phục và sau đó, bạn vẫn có thể chạy rất tốt. Chúng ta đã thấy nhiều vận động viên tập luyện ngày này qua ngày khác và không bao giờ để cơ thể có thời gian phục hồi thường được miêu tả là cứng rắn. Qua nhiều năm, tôi nhận ra nó thực sự là một điểm yếu của họ. Đó là sự bất an khi nghĩ họ không đủ tốt để có thể phục hồi như những vận động viên khác: Tôi không đủ giỏi để có thể nghỉ ngơi, tôi cần phải tiếp tục tập luyện”

Sự ngoan cố sẽ chỉ dẫn đến kết quả tập luyện lên xuống thất thường. Có rất nhiều người chạy bộ khi nhìn lại thời gian luyện tập trong quá khứ của mình nói: “Tôi ước mình đã rèn luyện một cách thông minh hơn” chứ không phải “Giá như tôi đã tập luyện chăm chỉ hơn”.

Qua các buổi tập luyện chăm chỉ, cơ thể bạn phải chịu nhiều áp lực và căng thẳng, đặc biệt là các cơ, xương khớp. Vì vậy, hãy có thời gian phục hồi để bảo vệ cơ thể và để những buổi tập sau đạt hiệu suất cao nhất.

Sai lầm 3: Bỏ qua những bài tập bổ trợ

Ngay cả với những vận động viên chạy bán chuyên, việc dành thời gian và năng lượng để thực hiện những “bài tập nhỏ” đã là điều khó khăn. Đối với rất nhiều người chạy bộ, ưu tiên hoàn thành bài tập chạy bộ là ưu tiên số một còn các bài tập bổ trợ như là những thứ xa xỉ.

Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng, thói quen tập luyện kết hợp giữa các bài tập bổ trợ với chạy bộ có thể khiến bạn trở thành người chạy tốt hơn.

Nếu là người mới bắt đầu chạy bộ hoặc dễ gặp chấn thương, các bài tập tăng sức mạnh, phát triển nhóm cơ và bài tập với tư thế đúng nên được ưu tiên vì chúng sẽ giúp bạn có thể giữ sức khỏe và tập luyện nhiều hơn. Bất ngờ chưa!

Sai lầm 4: Ám ảnh bởi kết quả tập luyện tệ

Có lẽ sai lầm lớn nhất của nhiều người khi mới bắt đầu chạy bộ là quá khắt khe với bản thân.

Điều này không chỉ không hiệu quả từ quan điểm luyện tập mà còn không phải là một cách lành mạnh hoặc thú vị để tiếp cận việc chạy bộ hiệu quả.

Thư giãn trong quá trình luyện tập sẽ làm giảm bớt lo lắng trước các cuộc đua và cho phép chúng ta tận hưởng quá trình này nhiều hơn. Điều quan trọng không kém là nó sẽ ngăn những suy nghĩ tiêu cực len lỏi trong đầu, gây ra những phiền toái trong việc tập luyện và chạy giải khi chúng ta không thể có được động lực tích cực.

Các vận động viên chạy phương Đông có thể học hỏi nhiều điều từ phương pháp huấn luyện mà người Kenya áp dụng.

Chúng ta thường hay có tâm lý rằng tập luyện khi bình thường như thế nào thì khi thi đấu cũng sẽ như vậy. Vì vậy, phải hết sức mình, dành mọi thời gian và suy nghĩ cho luyện tập thì mới có thể mang kết quả tốt bước vào một cuộc đua.

Tuy nhiên, cách tiếp cận về thể lực của các vận động viên người Kenya lại ngược lại. Họ nghĩ rằng bạn vẫn luôn tập luyện rất tốt như trong một cuộc đua trọng đại nhất, ngay cả khi bạn chưa thật sự tốt.

Tương tự như vậy, các vận động viên người Kenya học cách để lại việc tập luyện ở đường đua hoặc trên đường mà không mang nó về nhà. Khi tập luyện, họ vô cùng chăm chỉ và không ngừng thử thách hay mở rộng các giới hạn, nhưng ngay sau buổi tập, họ quên nó đi – dù kết quả tốt hay xấu. Điều này cho phép họ tiếp tục sau một buổi tập luyện tồi tệ, không để nó quanh quẩn và ảnh hưởng đến cuộc đua tiếp theo. Bạn hãy chạy như người Kenya!

(VnRun tổng hợp)

vietnammarathon

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *