Google search engine
HomeGIẢI CHẠYChạy quốc tếGiải vô địch điền kinh thế giới 2023: Ánh sáng và bóng...

Giải vô địch điền kinh thế giới 2023: Ánh sáng và bóng tối

Trong suốt 9 ngày (19-27/8), tâm điểm chú ý của giới mộ điệu điền kinh toàn cầu tập trung về thủ đô Budapest của Hungary – nơi diễn ra giải vô địch thế giới. 1 kỷ lục thế giới, 7 kỷ lục giải, 11 kỷ lục châu lục và 73 kỷ lục quốc gia được thiết lập cùng hơn 400 nghìn vé được bán ra – những con số đó biến Budapest 2023 thành là một trong những giải vô địch thành công nhất lịch sử điền kinh. Kết thúc giải, rất nhiều ngôi sao bước ra ánh sáng để lên đỉnh cao vinh quang, cũng có những ngôi sao không vượt qua được chính mình để rơi vào bóng tối thất vọng. 

Những cú ngã để đời

Ngay trong ngày đầu đã có bất ngờ xảy ra khi Sifan Hassan trượt chân ngã ngay trước lúc về đích nội dung sở trường 10000m, từ vị trí dẫn đầu cô chỉ về thứ 11. Sau 2 tấm HCV 5000m và 10000m ở Olympics Tokyo 2020, Hassan đến với giải năm nay cùng kỳ vọng 3 HCV nhưng sau cú ngã này, cô chỉ về thứ 3 nội dung 1500m (3 phút 56 giây) và thứ 2 nội dung 5000m (14 phút 54 giây 11). Dù sao thành tích này của Hassan cũng tốt hơn giải vô địch thế giới 2022 khi cô trắng tay. 

Trước đó, người đồng hương của Hassan là Femke Bol – chân chạy đang giữ kỷ lục thế giới cự ly 400m trong nhà – cũng vấp ngã. Bol là niềm hy vọng của Hà Lan ở nội dung 4x400m hỗn hợp tiếp sức nhưng dưới áp lực từ Alexis Holmes (Hoa Kỳ) nên Bol trượt chân ngã đầy bất ngờ đồng thời thổi bay tấm HCV của Hà Lan.

Không ngã theo nghĩa đen nhưng khá nhiều VĐV lững lẫy khác đã “ngã” trước sức ép. Đương kim vô địch 100m Fred Kerley (Hoa Kỳ) dừng cuộc chơi sớm khi thậm chí không qua được vòng bán kết. Tương tự là nhà vô địch thế giới năm 2019 cự ly 1500m Timothy Cheruiyot (Kenya) chỉ về thứ 9 vòng bán kết  với thành tích 3 phút 37 giây 40, người giành HCĐ năm ngoái Mohamed Katir của Tây Ban Nha (3:33.56) về thứ 10 lượt chạy và bị loại. Ở nội dung 800m, đương kim vô địch Olympic và thế giới Emmanuel Korir (1:46.78), HCB Olympic Ferguson Rotich (1:46.53) đều không qua được vòng loại (xếp thứ 4 và thứ 6 lượt chạy).

Danh sách những tên tuổi lớn khác gục ngã dù được đánh giá rất cao còn có đương kim vô địch Olympic cự ly 1500m và bất khả chiến bại từ đầu năm nay Jakob Ingebrigtsen. Chân chạy người Na Uy duy trì vị trí dẫn đầu cho tới nửa vòng đua cuối cùng thì hụt hơi và để đối thủ người Anh Josh Kerr vượt qua trong gang tấc. Thành tích 3 phút 29 giây 65 chỉ mang lại cho anh tấm HCB. Ingebrigtsen thất bại 2 lần liên tục trong tay người Anh (năm 2022 anh mất HCV vào tay Jake Whitman) với cùng một kịch bản: bị vượt lên ở 200m cuối cùng. Anh chỉ rũ bỏ được thất vọng khi vượt qua Mohamed Katir trong gang tấc (13 phút 11 giây 30 so với 13 phút 11 giây 44) ở 15 mét cuối cùng để bảo vệ thành công tấm HCV 5000m nam.

Đương kim vô địch thế giới và Olympic nội dung 800m Athing Mu (Hoa Kỳ) cũng gây thất vọng. Cô chật vật mới vào được chung kết và chỉ giành HCĐ dù dẫn đầu trong phần lớn chặng đua. Đương kim kỷ lục gia thế giới cự ly 3000m vượt chướng ngại vật Lamecha Girma (8 phút 05 giây 44) một lần nữa không vượt qua được sức ép, chân chạy người Ethiopia bị đối thủ Soufiane El Bakkali (8 phút 03 giây 53) của Morocco một lần nữa vượt qua  ở để giành chức vô địch thế giới. Tỷ số đối đầu giữa 2 người đang là 8-1 nghiêng về Bakkali.

Lần đầu ngọt ngào

Chân chạy Josh Kerr của Anh đã có pha bứt tốc khủng khiếp ở vòng cuối (3 phút 29 giây 38) để đánh bại Jakob Ingebrigtsen với khoảng cách mong manh 0,27 giây. Tấm HCV này là lần đầu anh lên ngôi ở giải vô địch thế giới. Chung kết nội dung 800m nam là kỷ niệm ngọt ngào với chân chạy tuổi teen Emmanuel Wanyonyi của Kenya dù về nhì (1 phút 44 giây 53). VĐV Marco Arop, người giành HCĐ năm ngoái, đã lên ngôi với thành tích 1 phút 44 giây 24 để lần đầu tiên trở thành nhà vô địch thế giới, mang tấm HCV về cho Canada. 

Những lần đầu tiên khác phải kể tới niềm cảm hứng Mary Moraa của Kenya, cô bứt lên ở vòng cuối chung kết 800m nữ, lập kỷ lục cá nhân để về nhất (1 phút 56 giây 03). Danielle Williams của Jamaica gây bất ngờ tại nội dung 110m vượt rào nữ khi về nhất sau 12 giây 43, qua mặt đương kim vô địch Olympic Jasmine Camacho-Quinn của Puerto Rico chỉ với 1% giây. 

Ở nội dung 400m, 48 giây 76 là thành tích giúp Marileidy Paulino của Dominica lập kỷ lục cá nhân, kỷ lục quốc gia và giành HCV nữ đầu tiên cho quốc gia tại giải VĐTG. Antonio Watson của Jamaica giành HCV nam với thành tích 44 giây 22, vượt qua ứng cử viên vô địch Matthew Hudson-Smith của Anh (44 giây 31). Đây là sự thừa nhận quan trọng với chân chạy 21 tuổi này sau khi giành chức vô địch U18 thế giới cách đây vài năm.

Winfred Mutile Yavi của Bahrain mang về chiếc HCV thế giới đầu tiên cho quốc gia dầu mỏ ở nội dung 3000m vượt chướng ngại vật. Cô về đích với thông số 8 phút 54 giây 29, trước nhà vô địch thế giới năm 2019 Beatrice Chepkoech của Kenya hơn 4 giây (8 phút 58 giây 98). Đây là bất ngờ lớn khi Beatrice Chepkoech sau thời gian vật lộn với chấn thương đã dần lấy lại phong độ chói sáng và được đánh giá cao nhất tại giải năm nay.

Femke Bol cũng trở lại mạnh mẽ sau cú ngã ở ngày mở màn. Cô vô địch 400m vượt rào nữ (51 giây 70), hơn người về thứ 2 Shamier Little hơn 1 giây, đồng thời có màn nước rút ngoạn mục ở nội dung 4x400m nữ để đưa Hà Lan tới chiếc HCV. Lúc nhận gậy, cô tụt lại khá xa so với Stacey Ann Williams của Jamaica và Nicole Yeargin của Anh nhưng nỗ lực phi thường của Bol đã giúp Hà Lan (3 phút 20 giây 72) về trước Jamaica chỉ 0,16 giây.

Chân chạy Shanti Pereira trở thành niềm tự hào của Singapore khi về nhì lượt 3 vòng loại 200m sau 22 giây 57, chỉ sau chân chạy lừng danh Shericka Jackson (22 giây 51), xếp hạng 12/44 và lọt vào bán kết. Cô lập  KLQG mới và là người Singapore đầu tiên trong lịch sử vượt qua vòng loại giải điền kinh VĐTG, đồng thời đạt chuẩn Olympic Paris 2024 để đến Thế vận hội bằng cửa chính. Nguyễn Thị Oanh của Việt Nam dù không qua được vòng loại 1.500m nhưng lập kỷ lục cá nhân mới (4 phút 12 giây 28) và về trước Joceline Wind (Thụy Sĩ) trong lượt chạy. Nỗ lực của Oanh trong lần đầu dự giải thế giới là không thể phủ nhận khi đặt lên bàn cân về trình độ phát triển, kinh nghiệm cọ sát cũng như chế độ tập luyện của các VĐV nước khác.

Những kẻ thống trị

Hoa Kỳ cho thấy ưu thế thống trị gần như tuyệt đối tại các cự ly nước rút. Chân chạy Noah Lyles về nhất 100m sau 9,83 giây và nhất luôn cự ly 200m với thành tích 19 giây 52. Anh là người thứ 2 sau tia chớp Usain Bolt giành cú đúp, và là người lĩnh xướng tuyển Hoa Kỳ lên ngôi nội dung 4x100m tiếp sức. Sha’Carri Richardson phá vỡ thế thống trị của Jamaica tại các cự ly nữ. Cô vô địch 100m với thành tích 10 giây 65, xô đổ cột mốc 10 giây 67 do Shelly-Ann Fraser-Pryce lập tại giải năm ngoái và đây cũng là kỷ lục mới của giải vô địch thế giới. Richardson tiếp tục đưa tuyển Hoa Kỳ tới chức vô địch 4x100m nữ, giúp nước này giành tới 4/5 HCV tiếp sức. Grant Holloway khẳng định ưu thế tuyệt đối xứ cờ hoa bằng lần thứ 3 liên tục lên bục cao nhất nội dung 110m vượt rào.

Ngoài ra, một số tên tuổi khác tiếp tục cho thấy đà thống trị. Joshua Cheptegei của Uganda (đang giữ kỷ lục ở cự ly 5.000m và 10.000m) lần thứ 3 liên tục vô địch 10000m dù mới trở lại sau chấn thương. Đây là lời chia tay đường chạy trong sân vận động của anh để đến với cuộc chơi mới mang tên full marathon. Karsten Warholm của Na Uy cũng chứng minh ưu thế vượt trội tại nội dung 400 vượt chướng ngại vật nam. Chân chạy giành HCV Olympic 2020 tiếp tục lên ngôi vương lần thứ 3 tại giải thế giới, về đích sau 46.89, hơn chân chạy về nhì gần 1 giây là Kyron McMaster của quần đảo Virgin.

Ngôi sao Kipyegon của Kenya (đang giữ kỷ lục 1500m, 1 dặm5000m) tiếp tục thống trị cự ly 1500m với thành tích 3 phút 54 giây 87. Ở nội dung 5000m, Kypiegon một lần nữa cho thấy phong độ tuyệt vời khi về nhất sau 14 phút 53 giây 88 để lần đầu giành HCV thế giới ở nội dung này. 

Marathon khốc liệt

Nội dung marathon nữ ghi nhận chiếc HCV thế giới đầu tiên của Amane Beriso (Ethiopia). Cô về nhất với thành tích 2:24:23, người đồng hương và là nhà vô địch giải trước Gotytom Gebreslase về sau 11 giây (2:24:34), giành HCB. Beriso là chân chạy marathon nhanh thứ 3 lịch sử sau sau khi về đích giải Valencia 2022 với thành tích 2:14:58. Lần này dù chậm hơn tới gần 10 phút thì cô vẫn lên bục cao nhất của giải vô địch thế giới. Trong khoảng gần 2km cuối cùng, cô có vẻ không thoải mái khi liên tục ngoái lại và nhìn đồng hồ. 

Có tới 76 chân chạy tham dự nội dung marathon nữ nhưng chỉ 64 người hoàn thành cuộc đua vì thời tiết khá khắc nghiệt, trời nóng ẩm và phần lớn quãng đường là dưới trời nắng. Có lẽ vì thế mà ngay từ đầu các chân chạy khá thận trọng, thậm chí sau nửa quãng đường thì các chỉ số cho thấy thành tích sẽ ở khoảng 2:30. Ethiopia chứng minh ưu thế tuyệt đối cho tới km thứ 35 với cả 3 vị trí dẫn đầu và có chiếm tới 4/7 chân chạy top đầu. Tuy nhiên Fatima Gardadi của Morocco không nghĩ thế mà có màn nước rút tuyệt vời ở 3km cuối cùng để qua mặt chân chạy Yalemzerf Yehualaw – người có PR marathon 2:17 và đang giữ kỷ lục thế giới 10km – để giành HCĐ. Gardadi đạt thành tích 2:25:17, chỉ hơn PR của cô có vài giây (2:25:03). Yehualaw thậm chí còn tụt từ thứ 3 xuống thứ 6, sau cả Lonah Salpeter của Israel, cô gần như đổ gục khi về đích và cần tới trợ giúp y tế – tương tự khá nhiều chân chạy khác.

Thời tiết cũng là yếu tố khiến 25/84 chân chạy tham gia nội dung marathon nam phải bỏ cuộc. Đáng chú ý nhất là HCB Olympic Tokyo 2021Abdi Nageeye của Hà Lan cùng đương kim vô địch Tamirat Tola cũng nằm trong số này. Năm ngoái chân chạy người Ethiopia này về nhất với thành tích 2:05:36 – kỷ lục của giải – và có màn nước rút ngoạn mục khi chạy 10 km cuối trong 28 phút 31 giây. 

Năm nay, do vắng nhiều đối thủ mạnh như Kiptum, Kamworor hay Bekele, Tola được đánh giá là ứng viên số một cho chức vô địch. Diễn biến cuộc đua cho thấy nhận định này không sai khi cho tới km thứ 30, anh cùng 2 người đồng đội Leul Gebresilase và Tsegaye Getachew, Timothy Kiplagat của Kenya, bộ đôi Stephen Kissa và Victor Kiplangat của Uganda ở nhóm dẫn đầu. Tuy nhiên sau đó tình hình tệ đi với Tola trong khi Victor Kiplangat bứt tốc thành công, duy trì vị trí dẫn đầu cho tới khi băng qua vạch đích sau 2:08:53. 

Bất ngờ chưa dừng ở đó, chân chạy người Israel Marhu Teferi bứt tốc ngoạn mục từ km thứ 37 để vượt Gebresilase trong những mét cuối cùng,về đích sau 2:09:12 giành HCB, đẩy đồng hương của Tamirat Tola xuống vị trí thứ 3 (2:09:19). Nỗ lực của Teferi là rất đáng nể vì tới km thứ 30, anh còn xếp tận vị trí thứ 11 và không có mặt trong nhóm dẫn đầu. Tebello Ramakongoana của Lesotho cũng đạt thành tích cá nhân tốt nhất  (2:09:57) để xếp thứ 4. Stephen Kissa dù trượt chân ở 1/3 chặng cuối nhưng vẫn kịp về thứ 5 sau 2:10:22. Tola bỏ cuộc ở km thứ 39 khi đang ở vị trí thứ 4. Thành tích ở giải năm nay là khá thất vọng với chân chạy số 1 của Ethiopia vì hồi tháng 4 anh về thứ 3 giải London Marathon.

Victor Kiplangat là chân chạy nam thứ hai của Uganda giành HCV thế giới sau thành tích của Stephen Kiprotich tại Moscow 10 năm trước. Bảng vàng thành tích của Kiplangat rất sáng với chiếc HCV Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung 2022 (thông số 2:10:55), HCV giải chạy núi thế giới 2017 và 2018. Năm 2016, anh giành cả HCV cá nhân giải chạy núi thế giới. Năm nay chưa đầy 24 tuổi, Kiplangat đang nổi lên như một trong những thế lực mới của làng chạy marathon thế giới, có thể làm đối trọng với những chân chạy lừng danh đến từ Kenya. 

Giải vô địch thế giới 2023 khép lại với rất nhiều nụ cười chiến thắng cũng như không ít giọt nước mắt thất bại. Đỉnh cao và vực sâu đôi khi chỉ cách nhau một sợi tóc mong manh, nhưng đó cũng là nét đẹp mà thể thao mang lại. 

Hẹn gặp lại ở giải vô địch 2025 diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản).

(VnRun tổng hợp)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments