Google search engine
HomeREVIEWGiày chạyVì sao giày có tấm carbon dễ gây chấn thương?

Vì sao giày có tấm carbon dễ gây chấn thương?

Siêu giày ra đời đã biến đổi thế giới giày chạy bộ ở mọi chủng loại. Thay vì những đôi giày đế thấp, linh hoạt, tương đối chắc chắn, phần lớn những đôi giày chạy tốc độ nhanh hiện nay đều có một lớp xốp dày, nhẹ, nảy với một tấm carbon hoặc nhựa cong được gắn ở đế giữa. Tuy nhiên, mối lo ngại nguy cơ chấn thương khi sử dụng giày có tấm carbon vẫn tiếp tục gia tăng khiến càng nhiều mẫu giày tách khỏi xu hướng có cao gót kèm một tấm hỗ trợ, qua đó làm sống lại dòng giày chạy tốc độ trông đơn giản với những nét hiện đại.

Trừ tấm carbon hoặc nhựa, giày kiểu này có chung những đặc điểm với siêu giày như đều có lớp đệm tiên tiến siêu nhẹ và siêu phản hồi ở đế giữa. Tuy nhiên điểm khác là khung giày tương đối thấp và có xu hướng được thiết kế bè hơn – hai đặc điểm này đều hướng tới tăng độ ổn định. Giày kiểu này có phần mũi linh hoạt (chứ không bó cứng), thân giày mảnh dẻ có cấu trúc vừa đủ để giữ bàn chân cố định và mức giá mềm hơn siêu giày khoảng 100 USD.

Nếu giày chạy giải và giày tập luyện có tấm carbon thực sự siêu việt, giúp bạn chạy nhanh hơn mà không cần quá cố gắng thì tại sao mọi người lại cần tới giày khác làm gì? Câu trả lời gồm hai phần trái ngược nhau: 

1) để tránh những áp lực quá mức và những chấn thương đi kèm do siêu giày nhân có thể gây ra, và 

2) để giảm áp lực tự nhiên hình thành khi tập luyện bằng siêu giày, giúp bàn chân và cẳng chân khỏe hơn.

Vấn đề bắt đầu từ phần đế dày và nảy của siêu giày có tác dụng đẩy bạn về phía trước nhưng cũng có thể ném bạn sang một bên. Giáo sư Jay Dicharry, nhà vật lý trị liệu kiêm nhà nghiên cứu cơ sinh học thuộc Đại học Bang Oregon, cho biết: “Chạy bằng siêu giày là chấp nhận mức độ ổn định kém hơn nhiều. Nếu bạn có khả năng căn chỉnh cũng như kiểm soát bàn chân và mắt cá thực sự tốt thì không thành vấn đề, bằng không siêu giày sẽ làm tăng đáng kể độ bất ổn. Bạn sẽ cảm thấy áp lực lên chân hơn hẳn – và nếu bạn ở lằn ranh gặp vấn đề gì đó thì như thế có thể đẩy bạn vượt qua ngưỡng an toàn”.

Amol Saxena, bác sĩ chuyên khoa chân thể thao hàng đầu ở Palo Alto, California, cũng chỉ ra các vấn đề từ độ cứng của các tấm carbon: “Vấn đề với giày có tấm carbon là bàn chân của bạn mang tính cá nhân còn tấm carbon thì không. Vì vậy, nếu hình dạng hoặc chiều dài của xương bàn chân thẳng ở vị trí cần uốn cong hoặc cân gan chân của bạn kém linh hoạt hơn, bạn có thể bị mỏi ở những vị trí đó – đó là lý do mọi người gặp vấn đề. Tôi đã từng gặp người làm gãy hoặc rách giày chỉ qua một lần chạy”. Các tấm carbon linh hoạt hơn được đưa vào nhiều mẫu siêu giày phục vụ luyện tập nhằm giảm bớt phần nào áp lực này, nhưng những đôi giày kiểu này vẫn được điều chỉnh theo hướng tối ưu hóa sải chân chứ không nhằm giúp chân di chuyển tự do.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chạy bằng siêu giày sẽ thay đổi dáng chạy: Giảm guồng, tăng sải chân và lực thẳng đứng cực đại, đồng thời thay đổi cơ học của bàn chân. Tất cả những điều này gây thêm áp lực cho khớp. Theo GS Dicharry “Khi đi siêu giày, về cơ bản bạn có một tấm bạt lò xo. Tấm bạt này sẽ nén rồi bật lại, đồng thời tạo ra tải lực khác cho các cơ và khớp”. Mặc dù đến nay chưa có nghiên cứu nào trực tiếp chứng minh rằng siêu giày tốc gây chấn thương nhưng bằng chứng cho thấy chúng có liên quan đến gãy xương do mỏi, viêm cân gan chân, viêm gân achilles cùng nhiều vấn đề khác về bàn chân và cẳng chân.

Nghịch lý thay, trong khi khung giày không ổn định và các tấm carbon cứng của siêu giày có thể gây ra áp lực thì khả năng phản lực lại loại bỏ một phần tải trọng luyện tập. Siêu giày giảm tải ở mắt cá và bàn chân, giúp bạn chạy dễ dàng hơn trong ngắn hạn nhưng đồng thời loại bỏ một số tác nhân kích thích cơ thể bạn thích nghi và phát triển mạnh mẽ hơn về lâu dài. GS Dicharry chỉ ra: “Nếu chỉ chạy bằng siêu giày, bạn sẽ dễ bị chấn thương như những người chạy kém về tố chất, kiểu gân ít đàn hồi, dây chằng yếu hơn và mật độ xương thấp hơn”.

Giải pháp là hãy đi nhiều loại giày khác nhau khi tập luyện. Chuyên gia Saxena thừa nhận: “Vẫn ổn khi sử dụng linh hoạt các đôi giày khác nhau về khung. Giày có tấm carbon nên là một công cụ tập luyện cũng như để chạy giải – nhưng mức độ sử dụng thế nào tùy thuộc vào người chạy”. Bạn muốn tập luyện với đôi giày mà mình sẽ đi ở giải để cơ thể thích nghi với áp lực và kiểu sải chân riêng biệt. Nhưng việc tập luyện với những đôi giày linh hoạt hơn, ít nảy hơn đã được chứng minh là sẽ cải thiện hiệu quả chạy bộ và bồi đắp sức mạnh cần thiết để xử lý độ này không ổn định của siêu giày. Như lời GS Dicharry “Nếu muốn chạy bằng siêu giày, bạn cần phải nỗ lực để tận dụng những đặc tính ổn định”.

(VnRun dịch từ Women Running)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments