Chạy bộ và phát thải
Hiện nay phát thải ròng bằng 0 (net-zero) là thuật ngữ được nhắc đi nhắc lại vô số lần trên các phương tiện truyền thông đại chúng của cả thế giới. Gần như mọi quốc gia, mọi doanh nghiệp, mọi hoạt động đều đề ra lộ trình và kế hoạch thực hiện để hướng tới mục tiêu này. Tuy nhiên, các giải chạy bộ có vẻ khá chậm chạp trong việc thay đổi để đạt được mục tiêu net-zero.
Khi kết thúc một giải chạy bộ, người hoàn thành thường thấy tự hào khoe áo và huy chương, nhưng thường bỏ quên hình ảnh các vỏ chai nước, vỏ gói gel, vỏ thanh năng lượng vương vãi khắp nơi. Mấy ai đặt ra câu hỏi liệu mớ rác đó có được thu gom để tái chế hay sẽ nằm lại đó, đợi công ty môi trường đến đưa ra bãi rác?
Ngoài 40.000 huy chương và 40.000 áo phông, London Marathon 2018 đã sử dụng 920.000 chai nhựa – con số không xa một triệu. Và chỉ dành cho 40.000 người chạy. Sau giải, Thành phố Westminster thu gom 5200kg rác và 3500kg rác tái chế bỏ lại trên đường phố, trong đó gồm 47.000 chai nhựa – vậy 873.000 chai còn lại sẽ được nhân viên tổ chức giải đua thu gom? Sau đó, mọi thứ đã được cải thiện nhưng London Marathon vẫn ghi nhận con số rác thải đáng kinh ngạc lên tới 118,86 tấn.
Khoảng 10 triệu tấn nhựa đổ vào đại dương mỗi năm tạo thành “thảm họa đang diễn ra” như Sir David Attenborough mô tả. BIB dự giải thường bằng nhựa, chip tính giờ cũng vậy, mốc đánh dấu đường đua và cả những chiếc túi đựng quà đều bằng nhựa. Và chất lượng không phải lúc nào cũng tốt. Ngày càng nhiều thứ mà không ai lấy nên nhiều rác hơn. Cũng đồng nghĩa với nhiều CO2 tương đương phát thải ra bầu khí quyển, làm hành tinh nóng lên, có thể tới mức con cháu chúng ta không thể sống nổi.
Người chạy thường lấy chiếc áo phông miễn phí được tặng cho người hoàn thành giải đua mà không cần suy nghĩ, nhét vào ngăn kéo rồi quên đi. Nghiên cứu cho biết tổng cộng 75% người chạy bộ ở Anh thường xuyên hoặc rất thường xuyên nhận được áo phông sau giải đua và 60% sở hữu 10 chiếc trở lên. Tuy nhiên, không sử dụng một vài chiếc áo phông không phải là vấn đề lớn đúng không? Thật không may khi chạy bộ gặp vấn đề lớn về rác thải là áo thun cỡ XXL.
“Tất cả những chiếc chai lọ, những quả chuối ăn dở và những chiếc áo phông rẻ tiền bỏ đi đó… Có phải các giải chạy là thảm họa môi trường không?” Nhà báo nổi tiếng đồng thời là một chân chạy Kate Carter hỏi.
Nhà hoạt động môi trường George Monbiot phải thốt lên: “Thật khó để nghĩ ra công thức nào tốt hơn một sự kiện thể thao toàn cầu để gây ra thiệt hại tối đa cho môi trường”. Và chúng ta thậm chí còn chưa nhìn nhận được vấn đề sờ sờ ra đó.
London Marathon đang thay đổi. Năm 2019, giải sử dụng ít hơn 215.000 chai nhựa và cùng với hàng trăm giải đua khác ở Anh và Hoa Kỳ, London Marathon Events (LME) hợp tác với tổ chức Trees Not Tees cho phép người chạy chọn trồng cây thay vì nhận áo phông hoặc huy chương.
Chuyên gia tư vấn thể thao bền vững Kate Chapman – từng làm việc tại Thế vận hội và Paralympic London 2012, London Marathon và nhiều sự kiện đông người tham gia khác – cho biết: “Có quá nhiều đồ trong bộ racekit và thường thì rất nhiều thứ là không cần thiết. Nếu cho ít đồ hơn, bạn sẽ tạo ra ít rác thải hơn”.
Nhiều giải khác khác như Bath Half Marathon (sự kiện chạy đầu tiên giành được Giải thưởng AGF Run) và Cardiff Half Marathon đã hợp tác với Đại học Cardiff để giảm tác động. Các giải khác ở Anh đang nỗ lực giảm rác thải, trong đó phải kể đến Royal Parks Half Marathon và Oxford Half Marathon – giải đấu không sử dụng nhựa.
Các giải khác sử dụng băng phân hủy sinh học để đánh dấu đường đua, giấy vệ sinh thân thiện với môi trường, bảng hiệu bằng gỗ có thể tái sử dụng, và phân loại rác thải để tái chế. Manchester Half Marathon đã thực hiện một bước đi táo bạo là loại bỏ hoàn toàn áo thun.
Giải Boston Marathon mỗi năm thải ra trực tiếp hơn 10 tấn rác liên quan đến quần áo, và sau giải hơn 10.000 tình nguyện viên bỏ ra nhiều giờ để thu gom và phân loại rồi quyên góp cho tổ chức Big Brothers Big Sisters để tái sử dụng.
Tất nhiên, thật tuyệt vời khi giảm được rác – thứ hữu hình và mang lại cảm xúc. Nhưng chai nhựa, áo phông và huy chương chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng lượng CO2 tương đương của hầu hết các giải. Đáng tiếc rằng tác hại thực sự lại đến từ chúng ta – những người chạy bộ.
Tại các giải chạy, theo phân tích năm 2022 của Hội đồng Thể thao có trách nhiệm về 29 sự kiện chạy bộ có đông người tham gia tại Hoa Kỳ thì thực phẩm, đồ uống, rác thải, hàng hóa, máy phát điện và đi lại của nhân viên phục vụ chỉ chiếm tổng cộng không đầy 2% lượng phát thải của sự kiện.
Báo cáo cho rằng “đi lại của người tham gia giải là vấn đề rõ rành rành. Đi đến các giải đấu là cần thiết nhưng đó cũng là nguồn lớn nhất tạo ra khí thải làm thay đổi khí hậu”. Hầu hết các nghiên cứu khác cũng đồng ý rằng hơn 90% lượng khí thải CO2 tương đương của một giải chạy đến từ việc di chuyển của người tham gia.
Các giải marathon ở thành phố lớn có thể thu hút tới 50.000 người tham gia, chưa kể hàng nghìn nhân viên tổ chức sự kiện, tình nguyện viên và khán giả khiến con số này tăng lên nhiều lần và kéo theo đó là lượng khí thải tương ứng. New York City Marathon quy tụ người tham gia từ 150 quốc gia, với 37% vận động viên nước ngoài. Một lượng lớn người đi đến một thành phố có thể rất tốt về mặt kinh tế, nhưng gây hại không ít cho môi trường.
Cuối cùng, các cá nhân phải chịu trách nhiệm về cách đi lại. Xe lửa trong hầu hết các trường hợp là lựa chọn ít phát thải carbon thấp nhất, các chuyến bay là tệ nhất. Di chuyển bằng ô tô có thể tệ không kém các chuyến bay nếu đi một mình, nhưng bốn người đi chung lại khiến mức phát thải gần tương đương với đi bằng xe lửa.
Tác động CO2 tương đương của một giải chạy lớn là rất đáng kể. Giải Paris Marathon, với khoảng 57.000 người chạy, được kiểm toán độc lập và cho con số khổng lồ 26.500 tấn CO2 tương đương. Con số này ngang với với lượng khí nhà kính có hại trong suốt cuộc đời của 34 người hoặc lái xe vòng quanh Trái đất 2600 lần. Chúng ta chỉ có thể giả định các giải marathon lớn khác có dấu chân carbon cũng hoành tráng không kém.
“Các nhà tổ chức giải Marathon phải xem xét lại các động lực về thu hút người tham gia quốc tế nếu họ thực sự muốn giảm dấu chân carbon từ các sự kiện họ tổ chức”, theo nghiên cứu công bố năm 2021 mang tên “Dấu chân carbon của người chạy Marathon: Tập luyện và Chạy tại giải”.
Trong một năm bình thường, khoảng 3500 người nước ngoài đến London dự giải và dù nhiều người từ chối huy chương, áo phông và mang theo nước suốt đường đua thì việc đó vẫn không tác dụng gì rất nhiều nếu họ đi máy bay hoặc lái xe đến giải đua. Hầu hết các giải chỉ thu gom được 5% rác thải, và bỏ qua tới 95%.
London là một phần của hệ thống giải World Marathon Majors – một khái niệm khuyến khích các chân chạy đi vòng quanh thế giới với khoảng hơn 50.000km để đến Tokyo, Boston, London, Berlin, Chicago và New York –và sắp tới là cả Thành Đô ở Trung Quốc và Sydney ở Australia nữa – phát thải một lượng lớn khí nhà kính. Thật đáng tiếc là điều này lạc nhịp với hệ tư tưởng của thời đại.
“Tôi không muốn bình luận về cách giải quyết vấn đề đó. Không khuyến khích mọi người tham gia là không khả thi vào lúc này. Chúng ta sẽ áp hạn ngạch cho các chân chạy quốc tế tại một số giải chăng? Tôi nghĩ có lẽ sẽ phải như vậy”, theo một người từng tham gia các giải World Majors xin phát biểu ẩn danh.
Còn với World Marathon Challenge với những người tham gia (rất giàu có) chạy bảy giải marathon ở bảy lục địa trong bảy ngày, trải qua ít nhất 52,5 giờ trên không… Quả thật không thể tính toán được tác hại không cần thiết gây ra cho hành tinh từ sự kiện này.
Parkrun cũng phải tính toán lại. Nhóm Facebook có 8000 thành viên, nhưng mục đích của việc có nhiều địa điểm parkrun như vậy chắc chắn là để dễ tiếp cận hơn những khu vực ở các địa phương và mọi người phải di chuyển thật xa.
Còn bản thân parkrun thì sao? Hàng chục nghìn người đang lái xe (hy vọng chỉ đi vài dặm) chỉ để chạy 5km mỗi tuần? Về nhiều mặt, đó là một sáng kiến tuyệt vời nhưng 773 lần parkrun đó gây ra lượng phát thải carbon đáng tiếc.
Các cuộc đua đường mòn và đường trượt đang đi đầu trong việc khuyến khích di chuyển ít phát thải carbon. Giải Original Mountain Marathon khuyến khích mọi người tham dự sử dụng phương tiện giao thông công cộng – nhưng bằng hành động thực tế: họ cung cấp xe khách đưa đón từ nhà ga đến nơi diễn ra giải thường là khá xa.
Giải Rathfinny Half Marathon & 10km cung cấp dịch vụ đón xe buýt đưa đón miễn phí từ hai nhà ga xe lửa địa phương và bắt đầu cuộc đua vào thời điểm thuận lợi cho giao thông công cộng, giúp tiết kiệm 54 chuyến ô tô vào năm 2022 (họ cũng tính phí đỗ ô tô, trừ trường hợp từ ba người trở lên đi chung, và cung cấp chỗ để xe đạp an toàn).
Giải Dunnerdale Fell yêu cầu ô tô chỉ chở một hoặc hai người phải trả tiền đỗ, phương tiện có bốn người trở lên được đỗ miễn phí và tặng kèm một cốc bia, trong khi người đi xe đạp và người đi bộ được trả 5 bảng. Các giải khác nên lưu ý tới sáng kiến này.
Các giải ở Thụy Sĩ thường cung cấp phương tiện giao thông công cộng miễn phí ngay từ lúc đăng ký tham dự. Swiss City Marathon cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí trong cả nước. Không chỉ với môn chạy bộ, GBDuro thuộc chuỗi sự kiện Racing Collective có lẽ là giải thể thao đầu tiên có chính sách cấm đi máy bay.
Một số giải đua có những thay đổi đáng kể để hướng tới tính bền vững cao hơn, nhưng mọi người cần phải đồng hành bằng không những thay đổi sẽ không hiệu quả.
“Những người tổ chức có thể đặt biển báo nơi vứt vỏ chuối nhưng tác dụng phụ thuộc rất nhiều vào hành vi của người tham gia. Những thay đổi quan trọng này cũng cần tới sự phối hợp của người chạy”, Chapman thẳng thắn.
Cuối cùng, mặc dù các giải chạy có thể giúp chúng ta đưa ra quyết định tốt hơn nhưng vai trò chính vẫn thuộc về người chạy.
Chúng ta đang cạn kiệt thời gian.
(VnRun tổng hợp)