Google search engine
HomeGIẢI CHẠYChạy trong nướcNhức nhối thực trạng nhà vô địch cán đích không có dây...

Nhức nhối thực trạng nhà vô địch cán đích không có dây băng

Lâu nay tại các giải chạy bộ của Việt Nam có một thực trạng là nhiều người về đích đầu tiên lại không có dây băng căng ngang cổng. Với rất nhiều chân chạy thì đây là điều đáng tiếc, gây tâm lý hụt hẫng sau khi dốc sức trên cả quãng đường mà không thể có được khoảnh khắc vốn thuộc về họ. Mới đây, thực trạng này lại xảy ra tại giải Mekong Delta Marathon tổ chức ở Hậu Giang khi nhà vô địch full marathon nữ Lê Thị Tuyết về đích mà không có dây băng căng ngang. Ông Đoàn Ngọc Hải, đại diện của Quỹ thể thao cùng tên, có tham gia giải và có bài viết bày tỏ bức xúc trước thực trạng này cùng mong muốn các đơn vị tổ chức làm tốt hơn ở những giải sau. VnRun xin đăng tải lại bài viết của ông Hải (có biên tập đôi chút cho phù hợp hơn) để góp thêm tiếng nói giải quyết vấn đề “con voi ở trong phòng” này.

“Các vận động viên chạy bộ nổi tiếng của Việt Nam vừa đưa tôi xem hình cháu Lê Thị Tuyết – huy chương bạc SEA Games 32 cự ly chạy bộ 42,195 km – phải len lỏi giữa một rừng các vận động chạy 5 km, 10 km và 21 km phong trào tại khu vực đích đến giải Marathon quốc tế Vietcombank Delta Hậu Giang năm 2023 vừa diễn ra vào sáng 16/7.

Tôi điện thoại hỏi Tuyết có được chạm vào dây băng dành cho nhà vô địch hay không thì cháu nói: ‘Dạ không bác ạ, đây là lần thứ 3 con vô địch nhưng không được chạm dây băng’.

Hình ảnh Lê thị Tuyết không có dây băng cho nhà vô địch khi về đích. (Ảnh: MKD Marathon)

Lần thứ nhất Tuyết vô địch ở giải cực kỳ quan trọng vào tháng 12/2022 – Đại hội TDTT toàn quốc tuyển chọn 2 vận động viên nam và hai vận động viên nữ vào đội tuyển – nhưng chẳng có dây băng nào hết. Một điều đặc biệt là chiều hôm trước Tuyết đạt huy chương đồng cự ly chạy bộ 10 ngàn mét nữ, sáng sớm hôm sau vô địch luôn cự ly 42,195 km và ngẩng cao đầu bước chân vào đội tuyển điền kinh Việt Nam. Lịch sử điền kinh Việt Nam chưa có vận động viên nào làm được như vậy. Chỉ nghe thôi là đã thấy bức bối trong lòng.

Lần thứ hai là tại giải vô địch quốc gia báo Tiền Phong năm 2023 tại tỉnh Lai Châu cũng chẳng có dây băng vinh danh Tuyết tại đích đến.

Và lần thứ ba là ngày 16/7 vừa qua. 

Cả 3 lần chung một nguyên nhân là: cách phân luồng của ban tổ chức có vấn đề, để các cự ly về cùng cổng đích nên mới xảy ra vấn đề trên.

Thật kỳ lạ.

Hình như cô bé hạt tiêu này sinh ra để là vô địch và luôn phải chịu thiệt thòi như vậy trong khi nam vận động viên Hoàng Nguyên Thanh được vinh danh dây băng.

Việc phân luồng các cự ly khi về đích không khoa học dẫn đến việc làm hỏng “bữa tiệc“ của nhà vô địch nữ. Ngay cả chân chạy Hoàng Thị Ngọc Hoa về ngay sau Tuyết 30 giây có muốn tăng tốc nhanh hơn cũng chịu vì làm sao tăng tốc nổi giữa một rừng người như thế!!!

Tôi luôn thích sự thẳng thắn. Tôi cũng biết nhiều người không thích và không dám đối mặt với sự thẳng thắn. BTC giải Mekong Delta Marathon rất có lòng, họ luôn mời tôi miễn phí nhưng khi họ thiếu sót tôi vẫn phải góp ý, chỉ ra những điểm chưa làm được để giải năm sau sẽ được họ tổ chức tốt đẹp hơn, khoa học hơn. Thậm chí năm sau BTC không mời thì tôi còn mừng hơn, vì tôi sẽ bỏ tiền túi và trong lòng được góp ý thẳng mà không phải cân nhắc gì cả. Vì tôi muốn Marathon phải “lột xác“, nhà vô địch của chúng ta đang chạy chậm hơn nhà vô địch của Nhật Bản khoảng gần 7 km.

Tôi có nói với Lê Thị Tuyết: ‘Đợi đến SEA Games 33 năm 2025 ở Thái Lan, con sẽ được chạm dây băng dành cho nhà vô địch. Bác sẽ đợi con ở đích đến’.

Theo dự tính của tôi, tại SEA Games 33 sắp tới, Tuyết sẽ bùng nổ ở tuổi 21, có thể không phải chỉ ở cự ly 42,195 km mà còn là cự ly 10 ngàn mét nữa.

Đây là một viên ngọc của Marathon Việt Nam mà HLV Nguyễn Tuấn Anh đã mài giũa (Phạm Thị Bình – huy chương vàng SEA Games, huy chương đồng châu Á cũng là học trò 9 năm trời của HLV Nguyễn Tuấn Anh).

Quay trở lại vấn đề phân luồng không khoa học tại các giải chạy, tôi vẫn trăn trở tại sao một việc ở các giải tại châu Âu họ thực hiện dễ dàng như thế mà ở Việt Nam lại khó đến vậy?? Tại giải đông người chạy chăng? Chắc là không vì giải của họ thường có lượng vận động viên tham dự gấp mấy chục lần giải ở ta.

Phải chăng vì Thể thao Việt Nam của chúng ta vẫn đang thiếu tính chuyên nghiệp. 

Khi nào chúng ta vẫn chấp nhận hoạt động kiểu ăn xổi ở thì, vẫn để các giải được vận hành thiếu tinh thần trách nhiệm và thiếu chuyên nghiệp như thế thì thể thao Việt Nam nói chung, chạy bộ nói riêng, sẽ còn lẹt đẹt ở vùng trũng.

Và cuối cùng, thiệt thòi nhất vẫn là những nhà vô địch nữ như Lê Thị Tuyết”.

Đoàn Ngọc Hải

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments