Tập luyện và tham gia giải việt dã trong thời gian cho con bú
Với những người phụ nữ thích chạy bộ thì làm thế nào để chạy bộ an toàn trong lúc cho con bú là câu hỏi thường trực. Dưới đây là lời khuyên từ những bà mẹ đã làm điều đó, trong đó có cả Aliphine Tuliamuk – vận động viên đại diện cho Hoa Kỳ tham gia nội dung marathon ở Olympic Tokyo 2020.
Giai đoạn sau sinh mỗi người mỗi khác nhưng cũng là lúc đưa ra nhiều quyết định như cho con bú và quay trở lại chạy bộ: đó là những lựa chọn cá nhân của các bà mẹ và gia đình. Chạy marathon trong khi vẫn đang cho con bú có thể không dành cho tất cả mọi người, nhưng đối với những phụ nữ chọn làm điều đó, cần có mức độ phối hợp cao hơn trong đào tạo và chuẩn bị cho ngày đua.
Tuliamuk thẳng thắn: “Có những điều bạn cần lên kế hoạch trong vai trò là một người mẹ – điều bạn không bao giờ phải lo lắng [trước khi có con]”.
Bà mẹ mới sinh này đã tham gia nội dung marathon tại Thế vận hội Tokyo, và đó là giải đầu tiên của cô sau khi sinh cô con gái Zoe vào tháng Giêng. Dù Tuliamuk bỏ cuộc ở cây số thứ 20 vì chấn thương hông, nhưng cô học được rất nhiều điều trong quá trình bồi đắp những kiến thức cần thiết để vừa cho con bú vừa luyện tập marathon.
Ban đầu, cô định chỉ cho con bú trong 4 tháng và dừng lại khi bắt đầu tăng cường luyện tập cho Thế vận hội. Tuy nhiên, cô tìm thấy niềm vui bất ngờ và tiếp tục cho con bú mặc dù trải qua những tuần tập luyện với cường độ xấp xỉ 170 km. “Tôi đã thực sự đấu tranh với ý tưởng ngừng cho con bú và rồi cảm thấy điều đó sẽ khiến mình rất buồn. Quá trình luyện tập diễn ra suôn sẻ nên tôi cảm thấy như mọi thứ đang đi đúng hướng. Vì vậy tôi nghĩ rằng, nếu cho con bú không ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất thì không cần chấm dứt”.
Chạy giải đồng nghĩa những người tham gia sẽ ở trên đường đua trong 2 – 6 giờ và điều này có thể là một thách thức với những bà mẹ đã quen với tần suất cho con bú hoặc hút sữa trong khoảng thời gian đó. Nhưng giả sử cơ thể bạn đã hồi phục đầy đủ sau khi sinh con và sẵn sàng hoàn thành quãng đường, thì không cần phải chuẩn bị quá rườm rà. Dưới đây là một số điều cần cân nhắc khi chuẩn bị chạy marathon hoặc các giải cần đến sức bền khác trong khi cho con bú.
Lập kế hoạch. Lập kế hoạch. Và lập kế hoạch
Để giảm căng thẳng trong ngày đua, hãy chọn một cuộc đua hỗ trợ tốt hơn việc bạn cho con bú.
Steph Tang – bà mẹ hai con sống ở Westport, bang Connecticut – nhận thấy tham gia các giải quy mô nhỏ hơn là chìa khóa để chạy marathon thành công trong thời gian vẫn đang cho con bú. Nguyên do là cô có thể lái xe đến điểm xuất phát hoặc ở tại một khách sạn gần vạch xuất phát/về đích, vì vậy có thể hút sữa trong một môi trường riêng tư, quen thuộc và không cần suy nghĩ về chỗ cất máy hút sữa hoặc trữ sữa mẹ trong khi chạy.
“Tôi biết mình sẽ thấy không thoải mái vào cuối cuộc đua, nhưng cũng biết rằng mình sắp tới đích rồi nên có thể về khách sạn kịp thời”, cô nói. Chiến lược này cũng giúp bạn dễ dàng mang con theo và cho bé bú trước hoặc thậm chí trong cuộc đua, thay vì hút sữa, nếu có người chăm sóc bé trong khi bạn chạy.
Tuy nhiên, với một số phụ nữ, cơ hội tham gia một số giải đua nhất định đáng để sắp xếp. Nhiều giải lớn sẽ cung cấp chỗ ở cho các bà mẹ đang cho con bú, nhưng bạn có thể không tìm thấy thông tin trên trang web của họ. Chắc hẳn các giải Boston, New York City và Chicago sẽ dành ra một nơi bán riêng tư gần vạch xuất phát để các bà mẹ hút sữa và điều phối việc vận chuyển bất kỳ thiết bị y tế nào (ví dụ máy hút sữa) về đích. Các vận động viên nên liên hệ trực tiếp với giải đua để đảm bảo phối hợp nhịp nhàng.
Nếu cần di chuyển bằng máy bay đến nơi dự giải, Tang khuyên bạn nên nghiên cứu chính sách TSA về mang theo sữa mẹ khi đi máy bay, để tránh nhầm lẫn và chậm chuyến tại sân bay.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xem liệu các điều kiện có sẵn có phù hợp với bạn hay không. 5 tháng sau khi sinh, Bethany Couto ở Mattapoisett, bang Massachusetts, tham gia giải Disney Marathon. Ở vạch xuất phát, giải có hẳn lều Chăm sóc trẻ sơ sinh dành cho các bà mẹ đang cho con bú cũng như phương án kiểm tra thiết bị được sử dụng để vận chuyển máy hút sữa về đích. Nhưng Couto vẫn lo lắng về việc cô ấy sẽ mất bao lâu để chạy cuộc đua.
“Tôi không nghĩ rằng đó là những phương án tốt nhất bởi một khi kiểm tra túi xách hoặc đi ngang qua lều Chăm sóc trẻ sơ sinh, tôi vẫn còn 45 phút đến một giờ nữa trước khi cuộc đua bắt đầu. Tôi thực sự muốn hút sữa ngay trước khi bắt đầu chạy”, cô tâm sự.
Thay vào đó, cô chọn mặc một chiếc áo quá thun khổ bên ngoài áo ba lỗ và sử dụng máy hút sữa thủ công khi bước vào vạch xuất phát. Hút sữa xong, cô bỏ lại máy hút và áo phông để sẵn sàng chạy.
Chuẩn bị cho con bú cũng có thể bị ảnh hưởng bởi thời gian trong ngày đua của bạn. Thông thường, con bạn càng lớn thì thời gian giữa các lần cho bú càng dài. Biết rõ thời gian bao lâu thì ngực bạn bắt đầu cảm thấy khó chịu là điều quan trọng cả trong ngày đua và trong quá trình luyện tập. Tuliamuk không thực sự cần điều phối hút sữa khi xa con gái trong quá trình chạy tập: “Thật tuyệt vì tôi không phải chạy nhiều cho đến cuối tháng Sáu. Vì vậy vào thời điểm đó, thời gian cần uống sữa của Zoe là lâu hơn hoặc con bé có thể ăn một số thức ăn đặc”.
Ngoài biết nhu cầu của con, thì biết rõ cơ thể bạn đang thay đổi sau khi sinh cũng rất quan trọng khi tiến hành tập luyện cho một giải chạy bền.
Tuliamuk nói: “Lúc chỉ là một vận động viên, tôi hiểu cơ thể mình nhưng không hiểu rõ như bây giờ, khi tôi là một vận động viên chuyên nghiệp cho con bú”. Cô nhận ra bộ ngực lớn hơn ảnh hưởng như thế nào đến dáng chạy. Đeo hai thanh trọng lượng, tăng gấp đôi lượng calo hấp thụ mỗi cữ chạy dài khi tập luyện cho cuộc thi Olympic là những điều cô chưa từng tính tới trước đây. Cô thừa nhận phải thử nghiệm rất nhiều và mắc sai sót, nhưng khuyên bạn nên thực hiện kế hoạch luyện tập để sẵn sàng vào ngày đua.
Chuẩn bị cho những tình thế ngoài dự kiến
Nếu bạn định cho con bú vào buổi sáng diễn ra giải đua, hãy xác định việc đó thường kéo dài bao lâu và dành thêm thời gian cho những gián đoạn trong lịch trình đó, chẳng hạn như ngủ xa nhà hoặc thức dậy sớm hơn bình thường để đến địa điểm chạy. Những yếu tố này cũng có thể ảnh hưởng đến thói quen của con bạn, buộc bạn phải có kế hoạch dự phòng. Tuliamuk thừa nhận rằng mình suýt bỏ bữa sáng vào hôm diễn ra nội dung marathon ở Olympic vì con gái cô không thích bú lúc đó và cô cần thêm thời gian để hút sữa trước khi rời phòng.
Emily Bliss, bà mẹ ba con ở Bend, bang Oregon, đã tham gia giải Half Ironman khi đứa con lớn nhất mới 9 tháng tuổi. Bliss mô tả con gái mình là một “cô bé ăn ngoan” và chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ gặp khó khăn khi cho con bú vào buổi sáng diễn ra giải đua. “Tôi bị mất nước và thiếu ngủ, còn con bé thì bị phân tâm bởi mọi thứ đang diễn ra đến nỗi không chịu bú”. Cô khuyến nghị mang theo máy hút sữa để dự phòng hoặc học cách để bản thân có bắt đầu chạy mà không cấn cá gì nếu con bạn không bú như bình thường. Nếu kế hoạch của bạn (hoặc kế hoạch dự phòng) là hút sữa trước khi bắt chạy thì hãy chắc rằng bạn sẽ ổ cắm điện cho máy hút, sạc máy hút và kiểm tra kỹ xem mình mang đủ các bộ phận cần thiết hay không trước khi cất bước chạy.
Trừ con bạn ra, thời tiết và việc trì hoãn giờ chạy cũng có thể làm xáo trộn kế hoạch của bạn trong ngày đua. Couto tái khẳng định việc sử dụng máy hút sữa thủ công thay vì trang bị của giải khi thời gian bắt đầu bị trì hoãn là đúng vì cô không phải lo lắng rằng mình có nguy cơ xuất phát chậm hoặc chạy với bộ ngực căng sữa. Mặc dù cô chạy nhanh hơn dự kiến, nhưng cái nóng ngày hôm đó có thể khiến đôi chân cô chậm lại. Biết được điều này, cô chuẩn bị sẵn một máy hút thủ công khác trong túi đồ nghề ở vạch đích để sử dụng nhanh sau cuộc đua (nếu cần).
Quay lại dự giải sau khi sinh con: Thời điểm nào là phù hợp?
Khi tập luyện cho một giải đua sức bền diễn ra vài tháng sau khi sinh con, các bà mẹ nên xem xét tác động đối với cả sức khỏe thể chất và tinh thần của mình. Với nhiều người, về mặt cảm xúc, đây không phải là thời điểm thích hợp để tham gia, trong khi với những người khác thì đấy lại là lối thoát họ cần. “Chạy bộ là một ân huệ cứu rỗi khi vượt qua mọi thử thách trong quá trình tìm ra thiên chức làm cha mẹ và đặc tính của chính mình sau khi có con, vì tất nhiên điều đó cũng thay đổi. Thật tuyệt vời khi tiếp tục chạy bộ để vượt qua tất cả những điều đó”, Tang nói.
Bliss, đồng thời là nhà vật lý trị liệu chuyên về sức khỏe phụ nữ và chăm sóc sau sinh, muốn các bà mẹ mới sinh nhớ rằng sẽ dễ dàng quay lại chạy đường dài hơn nếu đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, vì vậy sau sinh không phải là thời điểm để chạy marathon. Ngay cả những VĐV giàu kinh nghiệm cũng nên thực hiện một số bài tập cơ bản để đạt được sức mạnh và độ bền của khung xương chậu, kiểm soát các vết sẹo do sinh mổ, đồng thời điều hòa nhịp tim và hơi thở trước khi bắt đầu chạy. Cô phân tích: “Bắt đầu chạy lại thật chậm và lắng nghe cơ thể bạn. Quay trở lại chạy sớm hơn không có nghĩa là bạn chạy giải tốt hơn. Bạn là một con người khác nên điều quan trọng hơn là khám phá xem bạn bây giờ là một người mẹ như thế nào, chạy bộ hay thể thao phù hợp với cuộc sống của bạn như thế nào”.
Chạy marathon hoặc các môn thể thao sức bền khác trong thời kỳ sau sinh và cho con bú không phải dành cho tất cả mọi người, nhưng những phụ nữ này là bằng chứng cho thấy điều đó có thể. “Làm mẹ là một điều tuyệt vời. Bạn muốn chắc chắn rằng mình hạnh phúc và làm những điều mình muốn. Cho hay không cho con bú, đưa con đến giải chạy hay không… lựa chọn của bạn phải là điều gì đó khiến bạn hạnh phúc”, Tuliamuk chỉ rõ.
(VnRun dịch từ RW)