Chạy marathon để tưởng nhớ vợ
Edward Gieda, một nhạc sĩ kiêm DJ ở Philadelphia, đã tập luyện và chạy marathon để quên đi nỗi đau mất mát sau khi người vợ thân yêu không còn. Chạy bộ cũng giúp anh hiểu được chân giá trị của cuộc sống, để sống ý nghĩa hơn.
Trước khi Amanda (vợ Edward) mất, cả hai chìm đắm trong tình yêu. Thiên đường của họ là một studio hơn 100m2 ở khu Center City. Cuộc sống dù khắc khổ, không TV hay máy tính, không lò vi ba hay thiết bị nghe nhạc, nhưng cả hai gắn bó sâu sắc với nhau cả về tâm hồn và thể xác.
Cặp đôi có một mối dây ràng buộc là chạy bộ và yoga. Amanda theo học ygo từ khi còn rất trẻ, Edward chạy để rèn luyện phom người và thể lực cho vị trí trụ cột ban nhạc Albatross (Hải âu – VnRun). Nhưng lúc ban nhạc lưu diễn, Amanda chạy cùng chồng ở mọi địa điểm dừng chân. Cuộc sống của họ khi đó diễn ra theo chu trình: ban ngày luyện tập marathon và yoga, buổi tối trình diễn. Năm 2017, Edward gặp chấn thương lưng và nhờ có chiến lược phục hồi tích cực bằng yoga, chỉ vài tháng sau là anh đã có thể tham gia giải NJ Marathon.
Tháng 6 năm 2019, bi kịch xảy ra khi Amanda qua đời vì tai nạn xe máy. Edward thực sự sốc cả về thể chất, tình cảm và tâm linh. Trong vài tuần đầu tiên, anh thậm chí không biết mình nên bước tiếp thế nào trong cuộc đời mà không có người bạn tâm giao ấy.
Sau 3 ngày liên tục thức trắng cùng không ăn uống, tắm rửa, Edward nhìn đôi giày chạy và nghĩ “đeo vào rồi ra khỏi nhà”. Đôi giày biểu trưng cho sự bình thường, là phương tiện để anh lấy lại được sự quen thuộc ít ỏi trong cuộc sống. Lúc đó, anh nhớ đến lời anh trai nói với mình sau khi rời bệnh viện vào đêm xảy ra tai nạn: “Eddie, những bài học và thử thách em gặp trong cuộc đua là những thứ sẽ giúp em vượt qua nỗi đau này”.
Edward buộc dây giày và ra khỏi cửa, chật vật chạy hết 10km. Đói và khát như chưa bao giờ được ăn uống, anh vẫn tiếp tục chạy. Về đến nhà, anh đi tắm rồi chải đầu, uống nước, kiếm chút đồ ăn bỏ bụng rồi đi ngủ. Ngày tiếp theo và trong 13 ngày tiếp đó, anh chạy 16 km. Anh chạy 16-32km mỗi ngày kể từ ngày đầu tiên và chỉ nghỉ 2 hay 3 ngày.
Từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2019, Edward chạy để vinh danh vợ, với 10 lần chạy FM và 3 ultra. Anh được đứng bục ở 3 giải marathon liên tục cùng vài cự ly ngắn hơn ở Key West. Thậm chí anh đủ tiêu chuẩn tham dự Boston Marathon – điều anh mất tới 17 lần mới nỗ lực mới thành công và là mục tiêu Amanda hằng mong muốn anh đạt được. Khi về đích giải Atlantic City Marathon sau 3h09, anh đã kêu lên “Amanda, thành tích này dành cho em!”. Cô tin tưởng vào khả năng của anh hơn chính anh tin vào mình, và chạy bộ là cách anh tiếp tục di sản của cô.
Dù trải qua mất mát lớn lao, Edward học được cách chạy và sống khác đi. Khi chạy, anh bỏ lại sau lưng kỳ vọng và cái tôi, đắm mình vào niềm vui và suy tư của chạy bộ. Làm thế khiến anh rũ bỏ được cảm giác tự nghi ngờ hay sợ hãi. Cái chết của Amanda nhắc nhở anh phải sống sao cho đúng nghĩa nhất và giữ thái độ tích cực chứ không nên để mất mát nhấn chìm mình. Không ai biết mình mạnh mẽ đến đâu cho tới khi bị dồn vào chân tường. Edward biết mình không như thế.
Anh hiểu được rằng chạy bộ còn để chữa lành tâm linh chứ không chỉ là rèn luyện thể chất. Tiếng ca nội tại ngân lên cao nhất khi anh ra khỏi cửa và chạy được khoảng 10km. Khi đạt tới “trạng thái”, tâm trí anh chậm lại, hơi thở có nhịp điệu, bàn chân đặt xuống đất như đang gieo thần chú. Theo ngôn ngữ yoga, chạy bộ truyền đạt bài học sâu sắc về Phật pháp và luân hồi, vẽ ra cho anh con đường hướng tới vũ trụ cao xa hơn.
Chay bộ là cơ hội để hiểu rõ giá trị của khoảnh khắc thực tại. Edward, cũng như nhiều người khác, sống theo giả định sai lầm rằng cuộc sống dễ chịu sẽ lặp lại hàng ngày. Cách nghĩ đó ấu trĩ biết bao. Suy cho cùng, những gì ta sở hữu, người ta yêu mến, nghề nghiệp của ta, thậm chí là thân thể ta đều là vay mượn từ nguồn cao xa hơn. Cả cái chết của Amanda và chạy bộ đã chuyển dịch quan điểm của anh về thái độ sống như bây giờ, giúp anh hiểu được giá trị của cuộc sống, vượt qua nỗi đau mất mát để sống ý nghĩa hơn.
(VnRun lược dịch từ Phillymag)